31/05/2012 14:01 GMT+7

Bảo hiểm thất nghiệp: nhiều bất cập

TRUNG CƯỜNG thực hiện
TRUNG CƯỜNG thực hiện

TTO - Sau ba năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (2009-2011), TP.HCM được xem là “điểm nóng” khi dẫn đầu lượng người thất nghiệp trên cả nước và phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách này.

TftDOcsw.jpgPhóng to
Người dân đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp - Ảnh: Trung Cường
TTO - Sau ba năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (2009-2011), TP.HCM được xem là “điểm nóng” khi dẫn đầu lượng người thất nghiệp trên cả nước và phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách này.

Lượng người đăng ký thất nghiệp tăngChi trả trợ cấp thất nghiệp nhiều hơn

Bà Nguyễn Thị Dân - trưởng phòng lao động, tiền lương, tiền công, Sở LĐ-TB&XH TP - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ.

Mở đầu cuộc trao đổi bà Dân cho biết: TP.HCM là thị trường lao động lớn nhất trên cả nước, thu hút hơn 30% lao động từ các tỉnh, TP khác về làm việc. Do đó ngay khi bắt đầu triển khai thực hiện chính sách BHTN, ngoài Trung tâm Giới thiệu việc làm TP, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo thành lập thêm 5 điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp ở các quận - huyện có các KCX-KCN tập trung đông lao động nhập cư, nhằm tạo thuận lợi cho người lao động khi di chuyển và thực hiện các thủ tục về hưởng BHTN.

Hiện sở đã tiếp tục thành lập điểm tiếp nhận đăng ký thất nghiệp thứ 6 tại Q.Tân Bình và sẽ mở rộng điểm thứ 7 tại Q. 2 nhằm đáp ứng tình hình đăng ký thất nghiệp ngày càng tăng.

Tính đến nay đã có trên 234.000 người đăng ký thất nghiệp. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2012, lượng người đăng ký đã trên 61.000 người. Đây là khó khăn rất lớn của TP khi cán bộ giải quyết chính sách BHTN luôn làm việc trong tình trạng áp lực công việc cao.

Bà Nguyễn Thị Dân

* Đã hơn ba năm thực hiện BHTN, còn những bất cập nào đang tồn tại?

- Thực tế hiện nay có nhiều trường hợp không phải thất nghiệp như quy định tại Luật BHXH. Ví dụ như đơn vị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc vì lý do người lao động hết tuổi lao động nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH bắt buộc để hưởng lương hưu, hoặc người lao động sau khi thôi việc không muốn đi làm nhưng vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp vì đã đáp ứng đủ các điều kiện hưởng BHTN.

Do đó cần quy định cụ thể các trường hợp được hưởng BHTN, hoặc hạn chế phạm vi hưởng BHTN nhằm có cơ sở đánh giá đúng thực trạng thất nghiệp vì các số liệu nêu trên chỉ phản ánh được số lượng người hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chưa nói lên được con số thất nghiệp thật sự.

Một bất cập khác là theo quy định, điều kiện hưởng BHTN là khi người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp. Thực tế việc xác định người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp là một khó khăn rất lớn vì việc xác định chủ yếu dựa vào sự trung thực của người lao động. Không ít người lao động đã lợi dụng điều này để hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong khi vẫn có việc làm...

* Sở LĐ-TB&XH đề xuất "hạn chế phạm vi hưởng BHTN” nhưng vẫn có ý kiến cho rằng người tham gia BHTN còn hạn chế?

- Tôi đồng tình với việc xem xét mở rộng đối tượng tham gia BHTN đối với doanh nghiệp và người lao động. Hiện nay việc phân biệt doanh nghiệp sử dụng trên và dưới 10 lao động để áp dụng chính sách BHTN chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp có sử dụng dưới 10 lao động. Đây là nhóm doanh nghiệp yếu thế dễ gặp rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong những năm gần đây tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp liên tục gặp nhiều khó khăn.

Nếu doanh nghiệp có tham gia BHTN, khi phải cho người lao động thôi việc thì quỹ BHTN sẽ chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Ngoài ra người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng cũng là đối tượng có nguy cơ mất việc làm hoặc việc làm không ổn định nhiều hơn nhóm lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên. Vì vậy các nhóm đối tượng này rất cần thiết được sự hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước khi thực hiện chính sách BHTN.

* Năm 2011 có 90.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chỉ có 32 người được học nghề. Con số này nói lên điều gì?

- Chế độ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề hiện nay chưa thật sự thu hút người lao động. Thực tế người lao động chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp mà chưa thật sự quan tâm đến chế độ được hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm. Có thể do các nguyên nhân như: không phải là đối tượng thất nghiệp; hưởng trợ cấp thất nghiệp thay cho trợ cấp thôi việc; mức hỗ trợ học nghề và ngành nghề vẫn chưa thu hút được người lao động học nghề, nhất là lao động gián tiếp có trình độ chuyên môn cao. Đây là một nội dung sắp tới Sở LĐ-TB&XH sẽ phân tích sâu và có nhận định chính xác hơn.

* Biện pháp nào để đánh giá đúng thực chất tình trạng thất nghiệp?

- Vấn đề này sở đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH bổ sung một số chỉ tiêu trong biểu mẫu và phần mềm nhập dữ liệu nhằm có cơ sở để từng địa phương đánh giá đúng thực trạng thất nghiệp như ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp, trình độ học vấn, chuyên môn của người lao động, lý do thôi việc, loại hợp đồng lao động... Ngoài ra, sở cũng kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 127 về BHTN đã được lấy ý kiến vào cuối năm 2011.

Chính sách BHTN thật sự là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội và cũng là giải pháp đúng đắn đảm bảo mục tiêu tạo việc làm cho người lao động. Do vậy rất cần thiết được áp dụng thống nhất chính sách này trong các doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên quy định hiện nay về đối tượng và điều kiện hưởng còn chưa chặt chẽ dẫn đến khó khăn cho cơ quan lao động trong công tác quản lý cũng như trong quá trình thực hiện.

TRUNG CƯỜNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên