15/10/2019 07:45 GMT+7

Bao giờ tác phẩm đương đại lên sàn quốc tế?

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Nếu dùng hai chuẩn mực: thị trường minh bạch và sự phát triển tiếp nối để cân đo sức khỏe của nền mỹ thuật, có lẽ Việt Nam vẫn chỉ đang ở tình trạng còi cọc khi thiếu vắng cả hai tiêu chí trên.

Bao giờ tác phẩm đương đại lên sàn quốc tế? - Ảnh 1.

Một số tác phẩm đương đại của các nước lân cận trên sàn đấu giá Sotheby’s Hong Kong - Ảnh: SOTHEBY'S

Việt Nam vẫn chưa có nghệ sĩ đương đại nào có tên tuổi đủ lớn để được sàn quốc tế chú ý. Trong khi đó, các gallery chỉ mới hoạt động ở tầm trong nước, chưa vươn ra được khu vực, còn các nhà sưu tập lại chưa sẵn sàng bỏ tiền đầu tư cho họa sĩ.

Họa sĩ Trần Thanh Cảnh

Miễn cưỡng bỏ qua vấn đề tranh giả nhức nhối trong phiên đấu giá mùa thu mới đây của sàn Sotheby’s Hong Kong và nhìn vào danh sách các tác phẩm được đấu giá, công chúng sẽ nhận thấy trong số 60 tác phẩm của Việt Nam tuyệt nhiên không có tác phẩm đương đại nào.

Thương hiệu cá nhân chưa gây chú ý

Cách đây hai năm, tranh của họa sĩ Lê Phổ bất ngờ vượt mốc 1 triệu USD. Kể từ đó đến nay, danh sách tranh Việt triệu đô ngày càng mở rộng với các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Phạm Hậu, Tô Ngọc Vân... 

Thị trường tranh trong nước cũng dần khởi sắc. Thế nhưng ít họa sĩ nào dám mơ đến ngày tranh đương đại Việt Nam có mặt trên sàn đấu giá quốc tế giống như nước bạn trong vài năm tới. 

Hoặc như họa sĩ Trần Thanh Cảnh nhận xét: "Một số nhà đấu giá nhỏ rao bán tác phẩm đương đại của họa sĩ Việt Nam cũng chỉ để đa dạng, phong phú, chứ không phải chủ đích tạo tiếng vang cho họa sĩ hay đơn vị tổ chức".

Họa sĩ Siu Quý - phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - lý giải: "Tranh của các họa sĩ thế hệ Đông Dương hiện nay đang được bán trên sàn đấu giá ngoại chủ yếu được các nhà sưu tập săn lùng vào thời kỳ đất nước vừa mở cửa. Đến khoảng năm 2000, tình hình mua bán chững lại và bước vào thời kỳ nhà sưu tập đẩy giá tranh. Nhìn tương tự, tranh đương đại Việt Nam cũng có thể sẽ lên sàn quốc tế theo con đường này. Tuy nhiên, sẽ rất khó để được chú ý trong một sớm một chiều".

Trong khi đó, họa sĩ Trần Thanh Cảnh cho rằng rào cản lớn nhất của các họa sĩ đương đại Việt Nam hiện nay nằm ở thương hiệu cá nhân. 

"Hiện nay mới chỉ có một số nghệ sĩ Việt kiều có tác phẩm đương đại trên sàn quốc tế. So với họ, nghệ sĩ trẻ Việt Nam rõ ràng thua thiệt hơn về ngoại ngữ, mạng lưới kết nối. Không chỉ vậy, tranh của họa sĩ trẻ phần lớn na ná nhau và có thiên hướng hậu - hiện đại hơn là đương đại" - ông phân tích.

Nạn tranh giả và thiếu nhà môi giới

Không như các nước trong khu vực, mạng lưới nhà môi giới nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay chưa phát triển mạnh, đặc biệt là những nhà môi giới đại diện riêng cho nghệ sĩ. 

Trong bối cảnh như vậy, nhà sưu tập, gallery và đôi khi là chính họa sĩ phải kiêm cả vai trò môi giới, tự săn lùng tranh và tìm hướng đi cho tác phẩm, tác giả. Một hệ thống chưa hoàn thiện có thể dẫn đến một thị trường thiếu minh bạch và không đi được đường dài.

Nếu nhìn ở cùng góc độ tương quan lịch sử của họa sĩ Siu Quý thì nghệ thuật đương đại Việt Nam nếu có lên sàn đấu giá quốc tế cũng sẽ sớm "chết yểu" như tình trạng tranh Đông Dương giả tràn lan hiện nay. Họa sĩ Uyên Huy từng ngán ngẩm rằng các nhà sưu tập muốn tránh tranh giả nên tìm đến tác phẩm của các họa sĩ đương đại, nhưng nào ngờ lại gặp nhiều tranh giả hơn do tác giả tự chép tranh của chính mình.

Chủ động hướng ra thế giới

Theo dõi thường xuyên các phiên đấu giá của sàn Sotheby’s, Christie’s sẽ thấy không ít tác phẩm đương đại được chào bán, không nhất thiết là tranh, tác phẩm có thể nằm dưới hình thức video, đồ họa, sắp đặt... Điều này cho thấy sự cởi mở của các nhà đấu giá ngoại dành cho tác phẩm đương đại.

Mặc dù nhấn mạnh những câu chuyện cá nhân, bối cảnh chính trị đặc thù, các nghệ sĩ đương đại vẫn cần có sự cởi mở nhất định và có chủ đích với các sàn đấu giá.

Theo họa sĩ Trần Thanh Cảnh, có hai cách để nghệ sĩ đương đại đến với sàn quốc tế. Thứ nhất, bản thân nghệ sĩ phải có một sự nghiệp lẫy lừng, tác phẩm phải có giá trên thị trường trong nước và được nhiều người săn đón. 

Khi ấy, dù là họa sĩ tự liên hệ với sàn đấu giá hoặc ngược lại thì đều có khả năng diễn ra sự hợp tác, bởi họ nhận thấy tiềm năng đầu ra cho tác phẩm. Cách thứ hai là nghệ sĩ phải có một đơn vị bảo trợ, có thể là gallery tầm cỡ khu vực để cài cắm tác phẩm của mình vào trong các phiên đấu giá. 

Dưới sự hỗ trợ của gallery, nghệ sĩ sẽ tìm được danh tiếng cá nhân. Nhiều họa sĩ cũng đề cập đến vai trò của Nhà nước trước thị trường nghệ thuật thả nổi tự do bấy lâu.

Nghệ thuật đương đại đang cần kíp một cú hích trên sàn ngoại. Nếu chỉ có tác phẩm của các danh họa Đông Dương được rao bán, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ thấy rõ sự hụt hơi của thị trường nghệ thuật một khi những bức tranh này dần bước ra khỏi các sàn đấu giá và có đời sống riêng. Viễn cảnh này không được đo bằng năm, mà bằng tháng theo những phiên đấu giá tranh Đông Dương dồn dập gần đây.

Cùng nằm trong một phiên đấu giá mang tên Nghệ thuật hiện đại và đương đại Đông Nam Á do nhà Sotheby’s tổ chức ngày 6-10, các tác phẩm của Việt Nam đều thuộc những danh họa thuộc thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương cách nay cả trăm năm. 

Trong khi đó, nhiều tác phẩm của các nước cùng khu vực như Philippines, Indonesia lại là sáng tác của các họa sĩ sinh năm 1970, 1980.

Kỷ lục mới về đấu giá tác phẩm nghệ thuật đương đại Kỷ lục mới về đấu giá tác phẩm nghệ thuật đương đại

TTO - Trong cuộc đấu giá ngày 30-6, tác phẩm có với giá cao nhất là bức họa nổi tiếng Crouching Nude (Ngả mình khỏa thân) của Francis Bacon với giá 8,3 triệu bảng.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên