30/11/2023 08:41 GMT+7

Báo động trẻ béo phì tăng ở TP.HCM

Chính vì ý thích muốn con 'tròn trịa' cho dễ thương nên ít phụ huynh nhận ra con mình bị thừa cân, béo phì. Chỉ khi trẻ bị béo phì nặng, các bậc phụ huynh mới đưa trẻ đi khám.

Trẻ em cùng vận động với người lớn tại công viện 23-9 (TP.HCM)  - Ảnh: T.T.D.

Trẻ em cùng vận động với người lớn tại công viện 23-9 (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Có bé một năm tăng đến 10kg, nhưng phụ huynh không chú ý. Tại sao?

TP.HCM có hơn 40% trẻ đi học bị thừa cân

Bé N.M.A., 11 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), cao 1,54m và nặng đến 58kg. Nhìn bên ngoài bé khá tròn, tuy nhiên anh H.M.Q. (46 tuổi, cha của bé) nói: "Bé mới tăng cân nhiều trong một năm nay".

Theo anh Q., ngày nhỏ nhìn bé A. "tròn trịa", sau đó có năm tăng 4-5kg. Năm gần đây nhất thì tăng lên 10kg một năm.

"Bé ăn cơm nhanh lắm, tốt lắm. Ngoài ra, còn thích ăn kẹo, bánh và uống các loại nước đóng sẵn... Con đi học suốt, lúc rảnh thì xem iPad, chứ ít vận động. Tôi cũng chưa từng nghĩ đến việc phải hạn chế cho con ăn uống hay tăng vận động vì bé tăng cân nhưng người chắc", anh Q. nói và chia sẻ thêm rằng cả nhà anh ai cũng mập cả nên nhìn cũng quen mắt.

Bà Trương Tuyết Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), cho biết TP.HCM có hơn 40% trẻ em trong tuổi đi học bị thừa cân, béo phì. Con số này cao gấp đôi so với tỉ lệ trung bình của cả nước. 

"Ở TP.HCM, cứ hai học sinh lại có một trẻ thừa cân, béo phì. Trẻ em là tương lai của đất nước, chúng ta cần phải sớm quan tâm và cải thiện", PGS Tuyết Mai cảnh báo.

Còn bác sĩ Nguyễn Hoàng Thanh Uyên, khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết số trẻ em béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các TP lớn như TP.HCM và Hà Nội. Tại TP.HCM, tỉ lệ trẻ em bị thừa cân, béo phì dao động từ 40 - 50%. Như vậy, trung bình cứ hai trẻ sẽ có một trẻ bị béo phì.

Tại phòng khám dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 ngày nào cũng tiếp nhận trẻ em béo phì đến khám. Tuy nhiên theo bác sĩ Thanh Uyên, số trẻ em béo phì đến khám tại phòng khám chưa phản ánh được tỉ lệ béo phì trong thực tế tại TP.HCM vì hầu hết trẻ bị béo phì nặng các bậc cha mẹ mới đưa đi khám. "Hiện nay, các bậc cha mẹ cũng chưa quan tâm đầy đủ đến dư cân, béo phì ở trẻ em", bác sĩ Thanh Uyên cho hay.

"Tại sao trẻ ở TP.HCM thừa cân, béo phì nhiều nhưng lại ít trẻ được khám, điều trị?". Trước câu hỏi này, bác sĩ Thanh Uyên lý giải quan điểm của người châu Á nói chung, người Việt Nam nói riêng vẫn muốn con mình "có da có thịt".

Thật ra, khi ông bà và các bậc cha mẹ nhìn thấy con, cháu mình bình thường, khi cân đo ra trẻ đã bị thừa cân, béo phì. Còn khi ông bà và các bậc cha mẹ thấy "vừa mắt" là khi trẻ đã bị béo phì.

Bí quyết giảm cân cho trẻ béo phì

Cách cơ bản điều trị béo phì là điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tập luyện. Có nhiều bậc cha mẹ khi thấy trẻ béo phì đã cho trẻ bỏ bữa, cắt sữa... Những cách làm này đều không đúng.

Bác sĩ Thanh Uyên lý giải nếu trẻ béo phì bỏ bữa thì đến bữa tiếp theo sẽ đói. Khi trẻ đói quá sẽ ăn rất nhanh, các dây thần kinh không kịp báo lên não cảm giác no nên trẻ sẽ càng ăn nhiều.

Việc các bậc cha mẹ cần làm là "cân đối bữa ăn cho trẻ" chứ không phải cắt bữa ăn của trẻ. Cho trẻ ăn nhiều vào bữa sáng và ăn ít hơn vào bữa chiều. Ngoài ra, cần nhắc nhở trẻ trong lúc ăn phải nhai kỹ, ăn chậm để giúp trẻ kịp cảm thấy no.

Thông thường trẻ ăn cơm trước, ăn rau, canh sau. Trẻ béo phì nên ăn ngược lại ăn phần rau trước, sau đó mới đến cơm, thức ăn.

Khi chế biến đồ ăn, các bậc cha mẹ chọn thịt nạc chứ không chọn thịt mỡ, không cho trẻ ăn nội tạng, da gà... Hạn chế nấu các món chiên, xào mà nên hấp, luộc.

Lấy sẵn phần cơm cho trẻ ăn trong bữa, chứ không để trẻ tự lấy theo ý. Những đồ ăn vặt như bánh, kẹo... không để trong tầm mắt của trẻ mà nên để táo, lê, mận, ổi... để khi trẻ hơi thèm ăn đã có đồ ăn. Trẻ em vẫn cần được nạp đủ lượng canxi để phát triển xương. Tuy nhiên, khi chọn sữa thì cần chọn những loại sữa không đường, tách béo để trẻ không có quá nhiều năng lượng, dễ tăng ký.

Vẫn nên giữ bữa ăn xế cho trẻ béo phì (uống sữa không đường, tách béo) vì bữa xế này làm cho trẻ không bị đói bụng, không quá háo hức đối với bữa ăn chính. Với những món ăn thực sự không tốt mà trẻ quá thích thì các bậc cha mẹ cũng giao hẹn với trẻ một tháng sẽ được ăn một lần.

Hiện nay các bác sĩ không dùng thuốc để điều trị béo phì cho trẻ em nên kết quả điều trị béo phì ở trẻ phụ thuộc rất nhiều vào gia đình trẻ.

Khám cho trẻ béo phì xong, bác sĩ sẽ tư vấn trẻ cần được ăn uống, vận động thế nào. Việc thực thi hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình trẻ.

Điều trị cho trẻ béo phì khó hơn người lớn vì người lớn đã có suy nghĩ, lý trí, quyết tâm điều trị, còn trẻ em chưa đủ trưởng thành để quyết tâm điều trị, hay mè nheo đòi ăn những món trẻ thích.

Thiếu ngủ cũng béo phì

Theo bác sĩ Thanh Uyên, nguyên nhân chính gây béo phì ở trẻ là do trẻ ăn quá nhiều nhưng vận động quá ít. Ngoài ra, còn có những yếu tố khác như cân nặng lúc sinh quá to hoặc quá nhỏ. Trẻ có gene liên quan đến cảm giác ngon miệng cũng như chuyển hóa chất béo.

Tình trạng thiếu ngủ ở trẻ cũng dẫn đến béo phì vì một số hormone chuyển hóa mỡ lại tiết ra về đêm, trong giấc ngủ. Tuy nhiên, đây là những yếu tố phụ không phải là nguyên nhân chính. Nguyên nhân chính vẫn là ăn uống nhiều và vận động ít.

Với trẻ béo phì, các bậc phụ huynh nên cho trẻ vận động tăng dần theo khả năng của trẻ. Những ngày đầu có thể cho trẻ vận động từ 10 - 15 phút, dần tới mong muốn vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Người trẻ béo phì dễ bị tác động mắc bệnh sức khỏe tâm thầnNgười trẻ béo phì dễ bị tác động mắc bệnh sức khỏe tâm thần

Tỉ lệ người béo phì mắc các bệnh về tâm lý như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực… ngày càng nhiều, ngược lại người mắc các bệnh về tâm lý cũng dễ mắc béo phì hơn người bình thường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên