12/06/2019 10:41 GMT+7

Báo động tội phạm buôn lậu chim quý bằng cách… trộm trứng

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Những tay buôn lậu động vật hoang dã ngày càng tinh vi đến mức không ngờ. Giờ đây, thay vì săn bắn và vận chuyển các loài chim hiếm, chúng chuyển sang buôn trứng những loài này.

Báo động tội phạm buôn lậu chim quý bằng cách… trộm trứng - Ảnh 1.

Những chú vẹt Hyacinth Macaw thường là mục tiêu của những kẻ săn trộm, trong đó có những kẻ trộm trứng - Ảnh: ABC

Trang National Geographic cho biết mới đây tại sân bay Zurich (Thụy Sĩ), các nhân viên an ninh phát hiện một hành khách trở về từ Brazil có dấu hiệu bất thường. Dáng đi kỳ quặc của anh ta khiến họ nghi ngờ anh đang vận chuyển ma túy trong người.

Tuy nhiên khi khám xét, nhân viên an ninh không tìm thấy bất cứ chất cấm nào mà chỉ có 25… quả trứng.

Bất ngờ hơn, đây là trứng của vẹt đuôi dài Nam Mỹ - một trong những loài chim quý hiếm.

Theo ông Bruno Mainini - phó chủ nhiệm cơ quan Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) - buôn trứng là một cách thức buôn lậu mới toanh có thể "lách" được gần như mọi hệ thống luật pháp.

Theo đó, thay vì tìm bắt chim hoang dã, những tay săn chuyển sang trộm trứng từ những loài quý hiếm, đưa sang châu Âu rồi ấp trứng. Khi trứng nở, chim non sẽ được đưa đến các cơ sở nuôi chim hợp pháp, nơi chúng được chim mẹ "hờ" chăm sóc.

Tại đây, kèm theo một khoản tiền đút lót, chim non ngoại quốc được "khai sinh" hợp pháp hóa như một cá thể được nuôi nhốt ngay tại cơ sở.

Báo động tội phạm buôn lậu chim quý bằng cách… trộm trứng - Ảnh 2.

Cách giấu trứng trong người của những tay buôn lậu - Ảnh: Pinterest

Theo điều tra của cảnh sát Zurich, các tay buôn lậu sau khi đưa được trứng trót lọt từ Nam Mỹ vào Thụy Sĩ sẽ sang tay cho một người bản địa đem đến một vùng núi xa xôi để ấp trứng và nuôi dưỡng.

Ông Mainimi cho biết khi bị phát hiện, cơ sở nuôi ấp của tay bản địa Thụy Sĩ này có đến gần trăm trứng và chim non quý hiếm chuẩn bị được đưa vào các cơ sở nuôi nhốt hợp pháp.

Andreas Pöchhacker - một quan chức ngành hải quan ở Áo - cho biết thậm chí có cả những tập đoàn ngầm hoạt động như những "mafia trứng", trong đó đích đến thường là châu Âu.

Bồ Đào Nha là đất nước trung chuyển trứng vẹt lớn nhất, trước khi chúng được đưa đến các thị trường tiềm năng hơn như Hà Lan hay Đức…

Mỗi ca trót lọt thường đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ, tùy vào độ "hiếm" và khỏe mạnh của chim non. Giá trung bình dao động khoảng 10.000 USD một con chim trống và 15.000 USD cho một chim mái.

Theo một tay buôn ở Hà Lan, một năm anh ta có thể kiếm được hơn 100.000 USD chỉ nhờ vào bán vẹt cho các khách hàng ở khu vực Trung và Đông Âu.

Báo động tội phạm buôn lậu chim quý bằng cách… trộm trứng - Ảnh 3.

Bằng cách cho trứng chim "lậu" vào các cơ sở nuôi nhốt có giấy phép, chim non sinh ra sẽ được "khai sinh" hợp pháp - Ảnh: Pinterest

"Buôn trứng ngày càng phức tạp bởi dễ hơn buôn lậu chim rất nhiều. Trứng nhỏ, không phát ra tiếng động như chim sống, không những thế một khi bị phát hiện có thể dễ dàng thủ tiêu" - ông Harald Garretsen - điều tra viên Cơ quan đảm bảo an toàn thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng Hà Lan, thông tin.

Hình thức đưa trứng hoặc chim non vào sống cùng mẹ "hờ" trong một chuồng hợp pháp rất khó phát hiện, cách duy nhất để phân biệt là phân tích ADN.

Dù buôn lậu trứng rầm rộ nhưng về mặt chính sách, Garretsen cho rằng hình thức này rất khó bài trừ bởi nhiều quốc gia châu Âu hiện tại vẫn chưa coi trọng vấn đề buôn bán động vật hoang dã.

Khi hình thức buôn lậu trứng ra đời, gần như tất cả các cơ quan làm luật ở lục địa già đều sững sờ và không ngờ các tay săn trộm lại nghĩ ra cách tinh vi đến thế.

Báo động tội phạm buôn lậu chim quý bằng cách… trộm trứng - Ảnh 4.

Vẹt đuôi dài luôn là một trong những loài vật tạo nên nét đặc trưng của vùng Nam Mỹ, tuy nhiên hiện nay số lượng loài này đang giảm dần - Ảnh: Pinterest

Theo thống kê, có trên 2.800 loài chim quý hiếm đang được buôn bán bất hợp pháp mỗi năm, trong đó có hình thức buôn trứng. Vì thế, trong tự nhiên, một số loài chim đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chẳng hạn, loài vẹt đuôi dài Nam Mỹ xanh tím (Hyacinth Macaw) - thường được mệnh danh là vua của các loài vẹt - đã giảm số lượng nghiêm trọng.

Trong giai đoạn 1990 - 2000, ước tính có khoảng 10.000 con Hyacinth Macaw bị đưa ra khỏi tự nhiên rơi vào tay các đối tượng buôn lậu.

Đến nay, số lượng chim này chỉ còn hơn 4.300 con. "Đây là sự suy giảm báo động" - ông Garrestsen nói.

Cũng theo ông Garretsen, nếu các nước không nhanh chóng siết lại quy định, trong tương lai không chỉ có trứng chim mà còn nhiều trứng loài động vật khác như bò sát sẽ là nạn nhân của hình thức buôn lậu tinh vi này.

Vẹt Vẹt 'nựng' nhau ở vùng đất ngập nước nhất thế giới

TTO - Vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới Pantanal ở Brazil là một trong những nơi còn nguyên sơ nhất Nam Mỹ với nhiều loài động thực vật đặc hữu sinh sống.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên