Người dân đứng trên bãi biển quan sát tên lửa đẩy Trường Chinh 5B mang theo module lõi của Trạm không gian Tianhe được phóng từ Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hôm 29-4 - Ảnh: REUTERS
Trang tin Business Insider (Mỹ) ngày 1-5 chạy dòng tít: "Một tên lửa khổng lồ từ vụ phóng trạm không gian của Trung Quốc có thể rơi trở lại Trái đất hoàn toàn mất kiểm soát".
Hôm 29-4, tại Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã phóng module lõi trạm không gian lên vũ trụ thành công bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B, đánh dấu bước đi quan trọng trong việc xây dựng trạm không gian riêng của nước này.
Tuy nhiên, thay vì rơi xuống địa điểm đã định trước trên biển như các tên lửa trước đây, tầng trung tâm của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B bắt đầu xoay quanh địa cầu trong tình trạng mất kiểm soát. Tầng trung tâm này nặng 21 tấn, theo trang Business Insider.
Tạp chí SpaceNews (Mỹ) tường thuật xác tên lửa này có khả năng sẽ rơi trở lại Trái đất trong vài ngày tới.
“Tôi nghĩ rằng dựa theo các tiêu chuẩn hiện tại, hoàn toàn không thể chấp nhận được việc cho phần tên lửa này quay lại khí quyển một cách mất kiểm soát” - ông Jonathan McDowell, nhà thiên văn học chuyên theo dõi các vật thể chuyển động quanh Trái đất, bình luận.
Nhà thiên văn học này cho biết từ năm 1990 đến nay, không có vật thể nào nặng trên 10 tấn bị đẩy vào tình trạng quay lại khí quyển một cách mất kiểm soát như trên.
Theo nhà báo Andrew Jones viết về chương trình không gian của Trung Quốc trên tạp chí SpaceNews, tầng trung tâm của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B có chiều dài khoảng 30m và rộng khoảng 5m.
Khi lao qua khí quyển Trái đất, vật thể trên có thể bị thiêu cháy, nhưng nhiều khả năng vẫn còn một mảnh lớn tên lửa sống sót. Các mảnh vỡ rất có thể sẽ rơi xuống biển, nhưng cũng có khả năng sẽ đe dọa những khu vực có người sinh sống, theo Business Insider.
"Luôn khó xác định khối lượng và số lượng mảnh vỡ nếu không biết được thiết kế của vật thể. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm ước tính có 20 - 40% của khối lượng khô ban đầu của tên lửa” - ông Holger Krag, người đứng đầu Văn phòng Chương trình an toàn không gian của Cơ quan vũ trụ châu Âu, cho biết.
Theo nhà báo Andrew Jones, hành trình của xác tên lửa Trường Chinh 5B quanh Trái đất "đi ngang qua khu vực xa hơn New York, Madrid và Bắc Kinh một chút về phía bắc và đi xa về phía nam đến tận miền nam Chile, thủ đô Wellington (New Zealand)". Nó có thể rơi xuống Trái đất trong phạm vi này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận