Khu vực bến Đồn của dòng sông Kút (thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định), nơi bốn ông cháu chết đuối thương tâm ngày 2-6 - Ảnh: THÁI THỊNH |
Trưa 2-6, đưa đàn bò ra sông tắm mát, ông ngoại cùng ba đứa cháu nhỏ đã chết đuối trên bến Đồn của dòng sông Kút chảy qua thôn Phú Mỹ (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Chiều cùng ngày tại Gia Lai, 4 học sinh tiểu học tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai chết đuối ở hồ thủy lợi của thôn Tân Lập, xã Ia Sao.
Chết ở sông, ao, hồ
Trước ngày tổng kết năm học 2016-2017, các trường trên địa bàn TP Sóc Trăng đón nhận tin buồn khi có đến 4 học sinh bị đuối nước trong hai ngày liên tiếp.
Hôm 23-5, hai chị em ruột lớp 1 và mẫu giáo ra sau dãy nhà trọ ở hẻm 23 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.7, TP Sóc Trăng) tắm mưa.
Khi đi vào phần đất rẫy bỏ trống, hai em bị trượt chân xuống hố sâu và sau đó chết đuối. Chiều hôm sau 24-5, hai học sinh lớp 5 Trường tiểu học Trương Công Định, P.2 ra bờ kè sông Maspero tắm thì chết đuối.
Tại Bình Phước, thời gian qua xảy ra 2 vụ khiến 5 học sinh tiểu học chết đuối thương tâm.
Một vụ xảy ra ngày 15-5 ở xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập làm 3 học sinh chết khi lội xuống ao bắt nòng nọc và trượt ngã; một vụ xảy ra chiều 1-5 ở xã Long Tân, huyện Phú Riềng với 2 em chết khi rủ nhau xuống hồ nước thuộc Nông trường 9 tắm và rơi vào hố sâu.
Tại Bình Dương, trong tháng 4 và tháng 5 liên tiếp xảy ra 3 vụ làm 4 em chết đuối. Ở Đắk Lắk, chỉ 5 tháng đầu năm 2017 số trẻ bị chết đuối lên tới 19 trường hợp.
Đã có nhiều giải pháp, nhưng...
Ông Nguyễn Thanh Giang - giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu - nhận định với một địa phương có biển xung quanh, nhiều sông hồ, từ nhiều năm qua ngành giáo dục tỉnh luôn tuyên truyền và thực hiện nghiêm tính kỷ luật trong nhà trường, phối hợp cùng gia đình giám sát học sinh.
Tỉ lệ học sinh chết đuối có giảm, nhưng để xảy ra vẫn là chuyện rất đáng tiếc.
Theo ông Giang, việc dạy bơi trong nhà trường hiện gặp khó khăn lớn vì thiếu hồ bơi. Để khắc phục tình trạng này, hiện sở đang trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề án xã hội hóa môn dạy bơi trong nhà trường. Theo đó, nhà trường cấp đất cho nhà đầu tư để xây hồ bơi.
Ngoài việc dạy cho học sinh trong trường, chủ đầu tư có thể dạy thêm cho người ngoài, mở cửa hồ bơi cho người ngoài vào để thu phí. Hoặc có thể nhà đầu tư mua những hồ bơi di động.
Cảnh báo về tình trạng học sinh chết đuối, chiều 3-6 ông Nguyễn Văn Hùng - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước - cho biết Bình Phước là tỉnh có nhiều sông, hồ, suối, rạch, bàu...
Để tránh tình trạng học sinh chết đuối, nhất là vào dịp hè, sở luôn quán triệt và có chỉ đạo bằng văn bản tới các cơ sở giáo dục trực thuộc về công tác phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước.
Tuy nhiên, 2 vụ chết đuối xảy ra vừa qua với 5 học sinh tiểu học ở huyện Bù Gia Mập và Phú Riềng là một việc vô cùng đáng tiếc.
Ở nông thôn, việc dạy bơi cho học sinh gần như còn “trắng”. Tại Đắk Lắk, đại diện các trường ở vùng nông thôn cho biết chương trình học hiện nay chủ yếu tập trung dạy kiến thức căn bản và các hoạt động ngoại khóa chứ chưa tập trung dạy bơi lội, kỹ năng thoát hiểm cho học sinh.
“Các em chủ yếu tự vui chơi, tự quản lý lẫn nhau, khi đi ra sông suối tắm thì học nhau cách bơi lội rồi quen dần, chứ hầu như không có trường nào có điều kiện dạy bơi cho các em trong nhà trường cả” - một giáo viên ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) nói.
Nhận thức phải đến từng gia đình
Bà Phạm Thị Minh Hiền, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phú Yên, cho rằng để bảo vệ trẻ em tránh chết đuối, ngoài việc tăng nguồn lực đầu tư cho công tác trẻ em, cần kêu gọi xã hội hóa vì công tác trẻ em là công tác của cộng đồng, của toàn xã hội, dạy bơi tại cộng đồng cho trẻ và truyền thông thường xuyên.
Việc này phải làm đến tận xã, chứ nếu đến huyện thì chỉ làm ở địa bàn trung tâm, có nơi làm rất hình thức.
Nơi có hồ bơi thì tổ chức dạy cho trẻ, còn nơi chưa có buộc phải chấp nhận việc khảo sát, chặn dòng sông, suối để dạy. Đồng thời phải nâng cao ý thức của từng gia đình trong việc dạy bơi và quản lý con em trong mùa hè.
Ông Nguyễn Trọng An, nguyên phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho hay từ năm 2011-2012 đã có chương trình vận động đưa dạy bơi thành một chương trình quốc gia về giáo dục, kiểu bên cạnh dạy nhảy cao, nhảy xa thì dạy bơi.
Đã nhiều lần các cơ quan chức năng góp ý cho dự thảo này, nhưng cuối cùng không đưa vào được và lý do được đưa ra là không có kinh phí.
“Nếu ngành giáo dục đưa dạy bơi vào dạy cạnh nhảy cao, nhảy xa, dịp hè thì trách nhiệm dạy bơi là của Đoàn thanh niên, của các anh chị phụ trách Đội, nhưng địa phương phải dành kinh phí cho việc đó và nếu khó khăn quá thì kêu gọi xã hội hóa mới có thể thay đổi được câu chuyện rất thương tâm, đặc biệt vào mỗi dịp hè” - ông An nói.
Đại úy Huỳnh Văn Tuấn - phó trưởng phòng cứu nạn cứu hộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM cho rằng dù ở trung tâm TP, vùng ven đô thị hay các vùng quê thì nguy cơ với trẻ em về tai nạn chết đuối là khá thường trực, đặc biệt là mùa hè, khi các em học sinh được nghỉ học.
Theo đại úy Tuấn, tại một số hồ bơi có lực lượng cứu hộ túc trực cũng từng xảy ra tai nạn đuối nước dẫn tới tử vong.
“Do vậy dù ở bất cứ đâu, khi cho trẻ em học bơi luôn cần có người lớn đi kèm” - đại úy Tuấn khuyến nghị.
3.500 hay 2.800? Trước đây mỗi năm có 3.500 trẻ em chết đuối trong số 7.000 trẻ tử vong vì các loại tai nạn thương tích. Con số gần đây theo báo cáo thì số trẻ chết đuối đã giảm, còn 2.800 em/năm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng An - nguyên phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - nói: “Tôi luôn đau đáu với câu hỏi con số này có thật không hay là giảm ảo? Tôi vẫn thường gọi về cơ quan chức năng các tỉnh, cho thấy số bé tử vong vì đuối nước hằng năm vẫn chưa giảm”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận