31/05/2024 11:23 GMT+7

Báo động lừa 'chạy án': Nạn nhân vừa mất tiền, vừa có nguy cơ bị truy tố

Tại nhiều địa phương xuất hiện những người mạo danh cơ quan nhà nước hoặc 'nổ' là có quan hệ rộng hòng lừa đảo bằng chiêu trò 'chạy án'.

Bị cáo Lê Khắc Quốc lừa đảo “chạy án” vừa bị TAND TP Đà Nẵng xét xử - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Bị cáo Lê Khắc Quốc lừa đảo “chạy án” vừa bị TAND TP Đà Nẵng xét xử - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Đáng nói là có một số nạn nhân gom góp tiền tỉ đưa cho chúng để rồi té ngửa khi biết mình bị lừa.

Nhiều nạn nhân không biết rằng ngoài bị lừa tiền họ còn đối mặt với những rủi ro về pháp luật.

Lừa cả người mẹ có con bị án tử hình

Tại phiên tòa xét xử vụ lừa đảo "chạy án" do Lê Khắc Quốc (46 tuổi, trú Đà Nẵng) và đồng phạm thực hiện, bà V.T.H. (70 tuổi, trú Đà Nẵng) là bị hại lớn tuổi nhất và cũng là người bị chiếm đoạt số tiền lớn nhất.

Khi được hỏi ý kiến, bà H. trình bày rằng mục đích đưa 2 tỉ cho bị cáo để hy vọng giảm án cho con. "Hắn nói có quen biết một số người có thể lo cho em. Hỏi nguyện vọng của gia đình thế nào? Tôi nói có căn nhà ni, giá chừng 2 tỉ. Khả năng chỉ vậy trở lui chớ tui hết sức rồi" - bà H. thuật lại. Bà cũng nói không nhận thức được việc này là đúng hay sai mà chỉ mong cứu con mình...

Quốc đã nhiều lần đưa ra thông tin gian dối là có mối quan hệ với nhiều người làm trong các cơ quan nhà nước, có thể xin giảm nhẹ hình phạt, xin vào ngành công an... rồi lừa nhiều người.

Cụ thể, đầu năm 2021, Phan Đức Dương (đồng phạm với Quốc) dù biết rõ Quốc không có khả năng để lo giảm án cho người khác nhưng khi biết bà H. có nhu cầu xin giảm án cho con trai là B.V.M. (đang bị Công an tỉnh Nghệ An bắt tạm giam về tội mua bán trái phép chất ma túy), Dương đã giới thiệu bà H. gặp Quốc để nhờ giúp xin giảm án.

Quốc nói bản thân quen biết nhiều người trong cơ quan nhà nước và đồng ý lo giúp M. từ án tử hình xuống còn từ 14 - 15 năm tù giam với chi phí 2 tỉ đồng. Bà H. đã hai lần cùng người thân gặp và đưa tiền cho Quốc.

Sau khi con vẫn bị tuyên án tử hình, bà H. liên hệ đòi lại tiền thì Quốc hứa hẹn nhiều lần và cắt liên lạc.

Một bị hại khác của Quốc là ông N.K.T. (66 tuổi, trú Đà Nẵng). Quốc biết con gái ông T. bị Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) bắt tạm giam về tội mua bán trái phép chất ma túy. Quốc nói có thể giúp con ông T. được giảm án từ 7 năm xuống còn 3 năm tù với giá 300 triệu đồng. Tin là thật nên ông T. đã đưa tiền.

Sau đó Quốc liên lạc tiếp, nói với ông T. có thể lo giảm án cho con ông từ 3 năm xuống án treo, điều kiện phải đưa thêm 150 triệu đồng và ông T. cũng đồng ý. Thực tế, con ông T. bị tòa xử phạt 7 năm tù giam. Nạn nhân đòi lại tiền nhưng Quốc trốn tránh...

"Tôi là người lao động, làm thuê, vì thương con nên cố gắng chạy. Nhưng bị lừa dối, chiếm đoạt tiền" - ông T. nói.

Tổng cộng, Quốc đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản 7 vụ với tổng số tiền hơn 4,2 tỉ đồng. Trong đó, có một vụ cùng Dương chiếm đoạt của bà H. 2 tỉ đồng, 6 vụ còn lại do Quốc làm một mình. Tại tòa, Quốc thừa nhận hành vi như cáo trạng đã nêu.

"Thực tế bị cáo có quen ai có thể xin giảm án hay còn gọi nôm na là "chạy án" không, đã xin được cho ai chưa?". Trả lời câu hỏi của tòa, Quốc lý nhí nói: "Bị cáo không quen ai".

Tòa truy vấn: "Nếu không biết, không quen, lý do vì sao dám nhận số tiền lớn như vậy của bị hại?". Quốc khai năm 2020 - 2021 do mở bãi xe, quán nhậu, thuê khách sạn để làm ăn nhưng thua lỗ, thất bát nên mới làm liều, nảy sinh ý định lừa đảo...

Chuyện lừa "chạy án" xảy ra ở nhiều nơi

Đáng báo động là hiện tượng lừa "chạy án" thời gian qua xuất hiện ở nhiều địa phương.

Như mới đây, Trần Kim Hùng (trú tỉnh Nam Định) đang nhận 20 triệu đồng từ người nhà của một bị can thì bị cảnh sát hình sự Đà Nẵng bắt quả tang.

Hùng khai trước đây có nhiều lần gặp anh L.T.D. (trú tỉnh Thanh Hóa) và Hùng tự giới thiệu mình là "phó trưởng phòng thanh tra pháp luật thuộc văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an". Hùng khoe có nhiều mối quan hệ quen biết trong lực lượng công an và có thể giúp xử lý được các vụ việc liên quan đến các vụ án do Công an Đà Nẵng thụ lý, điều tra.

Tin tưởng nên anh D. đã từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng để gặp Hùng và nhờ "chạy án"... Với thủ đoạn trên, Hùng khai đã thực hiện thành công hai vụ tại tỉnh Bình Phước và TP Thủ Đức (TP.HCM).

Còn ở Bắc Giang, Công an tỉnh vừa khởi tố, tạm giam 3 người "nổ" quen Bộ Công an, lừa đảo "chạy án". Đó là Nguyễn Văn Sáu (50 tuổi, trú Bắc Giang), Nguyễn Đắc Minh (50 tuổi, trú Hưng Yên), Nguyễn Kim Trinh (47 tuổi, trú Hà Nội).

Theo công an, anh A. qua quen biết, được giới thiệu gặp Nguyễn Văn Sáu để lo "chạy án" cho bà H. (mẹ anh A.) - người bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Bắc Giang.

Sáu nói dối bản thân quen giám đốc công an tỉnh, có thể lo "chạy án". Thông qua Sáu, anh A. gặp những người trong nhóm của Sáu để nhờ giúp đỡ. Qua đó, Minh nhiều lần nói dối với gia đình anh A. là có quan hệ với Bộ Công an, yêu cầu gia đình bị hại chuyển tiền "chạy án"... Nhóm trên đã chiếm đoạt của anh A. hơn 1,3 tỉ đồng.

Theo luật sư Trần Hậu (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), hiện tượng lừa đảo "chạy án" có dấu hiệu phổ biến. Ngay trong các vụ đại án như vụ "chuyến bay giải cứu" cũng có những bị cáo bị xét xử về tội lừa đảo liên quan đến "chạy án" hay vụ cựu giám đốc Công an Hải Phòng lừa tiền "chạy án" cũng rất nghiêm trọng.

Theo luật sư Hậu, thân nhân của những người bị vướng vào pháp lý thường có tâm lý lo sợ vì người thân hoặc bản thân mình dính vào tù tội hoặc bị thua kiện trong tranh chấp dân sự, kinh tế.

Các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý của nạn nhân là mong muốn cứu được người thân nên sẵn sàng chi tiền để "giải cứu" hoặc tìm cách đạt được kết quả có lợi.

Chúng sẽ đưa ra các thông tin quen biết những người trong các cơ quan tiến hành tố tụng, người có quyền lực để thuyết phục các nạn nhân. Với tâm lý lo sợ, họ dễ dàng sập bẫy.

Ngoài ra, nhiều người dân cũng thiếu hiểu biết pháp luật. Họ nghĩ rằng dùng tiền "chạy án" là có thể lo được giảm nhẹ hay thoát được tù tội hoặc đạt được thắng lợi trong tranh chấp. Họ không hiểu được các vấn đề pháp lý được giải quyết dựa trên quy định pháp luật, người tiến hành tố tụng cũng không thể đổi trắng thay đen...

Coi chừng...

Theo luật sư Hậu, gặp lừa đảo "chạy án", nạn nhân vừa mất tiền mà kết quả lại không đạt được gì. Không những thế, nhiều người nghe lời đường mật của kẻ lừa đảo mà sa chân vào hoạt động "chạy án" có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ.

Nếu họ là nạn nhân ngay tình, không hiểu biết và bị lừa dối rằng tiền để "chạy án" là các chi phí hợp pháp để giải quyết công việc thì họ là nạn nhân đơn thuần. Nhưng nếu họ cũng bị lừa dối nhưng biết rõ, có ý chí đưa tiền cho người khác để đạt được lợi ích của mình hoặc trong diễn biến quá trình "chạy án" đó họ đưa tiền, tham gia hoạt động "chạy án" thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bắt người đàn ông nổ Bắt người đàn ông nổ 'quen biết rộng có thể chạy án'

Công an Quảng Ngãi khởi tố bị can, bắt tạm giam người đàn ông 'nổ' quen biết rộng, có thể chạy án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên