22/10/2019 10:24 GMT+7

Báo động khan hiếm kịch bản sân khấu

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Sau một mùa Tết 2019, đến nay Idecaf vẫn không tìm được kịch bản mới ưng ý để dàn dựng.

Báo động khan hiếm kịch bản sân khấu - Ảnh 1.

Vở Cậu Vanya của Nhà hát Tuổi Trẻ với kịch bản gốc của Nga đoạt huy chương vàng Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc - Ảnh: LINH ĐOAN

Sân khấu ở ta chủ yếu là tả thực, lấy đời sống nhào nặn nên xung đột, cứ quẩn quanh mà không có gì mới. Sân khấu muốn phát triển phải mạnh dạn sáng tạo, thử nghiệm.

Đạo diễn Trần Minh Ngọc

Theo kế hoạch, lý ra từ tháng 7 năm nay, sân khấu phải ra mắt hai vở mới, nhưng nay đã đến tháng 10 vẫn bặt tăm. Mặt nạ bong bóng - vở mới nhất vừa ra mắt, cũng phải làm lại từ kịch bản ra đời từ năm 2012.

Có thể thấy ở TP.HCM hiện nay, các sân khấu xã hội hóa hoạt động ngày càng khó khăn. Đã có vài vở gần đây tạo được tiếng vang như vở nhạc kịch Tiên Nga của sân khấu Idecaf, Bông hồng cài áo của sân khấu Hoàng Thái Thanh... Nhưng đó chỉ là vài điểm sáng, tình hình chung ngày càng bi quan. 

Như ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf thở dài cho biết: "Một tháng bình quân chúng tôi phải diễn tối thiểu 12 suất, nhưng tháng 8 vừa qua chỉ diễn được khoảng 9 suất. Như vậy, dù không diễn mình vẫn phải móc tiền túi trả tiền rạp 3 suất không diễn". 

Lại có vở diễn mà ông cho biết tất cả đã sẵn sàng, vở có đủ 2 gương mặt trụ cột của Idecaf là NSƯT Thành Lộc và NSƯT Hữu Châu, nhưng phút cuối một diễn viên trẻ kẹt sô không chạy về kịp, vậy là phải hủy, trả vé.

Bên cạnh chuyện các diễn viên kẹt lịch chạy sô phim ảnh, chương trình truyền hình sẵn sàng bỏ lịch diễn sân khấu đã trở nên phổ biến, thì việc khan hiếm kịch bản hay ngày càng báo động. Các ông bà bầu sân khấu Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, nhà hát kịch 5B... vẫn phải chóng mặt móc tiền túi để bù lỗ mỗi đêm diễn.

Cái khó bủa vây sân khấu TP, từ việc phải thuê mướn rạp, không thể chủ động cải tạo, đầu tư và nâng cấp, đến việc diễn viên chạy sô tứ tán, kịch bản hay khan hiếm...

Và trong khi chưa thể "nhúc nhích" được với những vấn đề mang tầm vĩ mô, những yếu tố khách quan, người làm sân khấu chỉ có thể cố gắng bằng cách "cựa quậy" từ tiềm lực sáng tạo của mình. 

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn tâm sự: "Nếu "phần cứng" là cơ sở vật chất, điều kiện khách quan mà mình chưa thể thay đổi một sớm một chiều, thì phần mềm hiện nay thuộc về kịch bản, đạo diễn, diễn viên. 

Nhưng tôi nhận thấy "phần mềm" hiện tại vẫn còn yếu, lúng túng. Cứ cái đà mà sân khấu phải ngồi chờ, lệ thuộc vào kịch bản, diễn viên... như thế này mãi sẽ chết. 

Nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu đang suy nghĩ tới những vở diễn tinh gọn diễn viên, chừng 7, 8 người thôi, nhưng rốt cuộc lại cũng phải có một kịch bản hay mới phát huy được. 

Còn tôi đang nghĩ việc có thể sử dụng lại những kịch bản cũ nhưng đưa vào yếu tố nhạc kịch để tăng thêm tính hấp dẫn. Đạo diễn, diễn viên cũng phải cố gắng tìm tòi để không bị cũ kỹ. Cũng một câu chuyện nhưng ai có cách kể chuyện thông minh hơn sẽ thắng!".

Trong 4 huy chương vàng dành cho vở diễn tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 4 ở Hà Nội, có 1 vở quốc tế và 3 vở VN.

Tuy nhiên, ngoài Thân phận nàng Kiều của Nhà hát múa rối VN chinh phục được nhiều người với một kịch bản thuần Việt, hai vở còn lại là Cậu Vanya (Nhà hát Tuổi Trẻ) và Sự sống (Nhà hát kịch VN) đều có yếu tố nước ngoài.

Cậu Vanya là kịch bản của Nga với sự dàn dựng của đạo diễn người Nhật. Sự sống có kịch bản và đạo diễn cũng là người Nhật.

Những Những 'món ngon' không thể rời mắt từ liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm

TTO - Tính tới tối 10-10, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần IV diễn ra tại Hà Nội đã đi được 2/3 đoạn đường với 17 vở diễn thuộc nhiều thể loại như cải lương, kịch nói, rối, xiếc...

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên