24/12/2021 08:56 GMT+7

Báo chí và thách thức chuyển đổi số

MỸ DUNG - ĐỨC THIỆN
MỸ DUNG - ĐỨC THIỆN

TTO - Dù xác định chuyển đổi số là con đường tất yếu nhưng các tòa soạn báo đều cho biết phải vượt qua vô số thách thức không nhỏ trên con đường này.

Báo chí và thách thức chuyển đổi số - Ảnh 1.

Ông Lâm Đình Thắng, giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: M.DUNG

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững" do Hội Nhà báo TP.HCM, Sở Thông tin - truyền thông (TT-TT) và Hội Tin học TP.HCM đồng phối hợp tổ chức vào ngày 23-12.

Khó từ nhân sự đến thiếu công nghệ, tài chính

Nhiều đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí cho rằng tiến trình chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí gặp trở ngại đầu tiên chính là nhận thức trong lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên... Ông Nguyễn Ngọc Toàn, tổng biên tập báo Thanh Niên, cho biết: "Hết sức khó khăn để cùng lúc thay đổi cách nghĩ, cách làm của cả bộ máy từ phóng viên đến nhân viên tiếp thị, chưa nói đến hàng loạt chính sách kinh tế báo chí, quản trị nhân sự, phân phối thu nhập đã hình thành trên cơ tầng cũ từ nhiều năm cần đổi mới hoặc làm cho phù hợp với các yêu cầu của thị trường hiện nay".

Ngoài vấn đề tư duy, nhân sự, các tòa soạn báo cũng đau đầu với vấn đề kỹ thuật, công nghệ... phục vụ chuyển đổi số, thay đổi phương thức làm việc. Ông Nguyễn Thành Lợi, phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, chia sẻ thực trạng các phần mềm đã trang bị chủ yếu được sử dụng theo hướng mỗi phần mềm đáp ứng một hoạt động trong quy trình làm báo, chưa có sự liên kết tạo ra một môi trường thống nhất, chưa tạo được dòng lưu chuyển dữ liệu thông tin giữa các công đoạn trong quy trình làm báo. Trên thực tế, yêu cầu về xây dựng một hệ phần mềm quản trị nội dung (CMS) dùng chung cho cả công việc xuất bản báo giấy lẫn báo online đã được báo Sài Gòn Giải Phóng xúc tiến từ hơn 2 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nhà cung cấp phù hợp.

Còn ông Tô Đình Tuân, tổng biên tập báo Người Lao Động, cho biết: "Thách thức lớn nhất của các cơ quan báo chí (nhóm báo điện tử thuần túy và nhóm báo in truyền thống, về sau có thêm báo điện tử) chính là sự thiếu tự chủ về công nghệ, buộc phải lệ thuộc vào công nghệ của đối tác".

Chia sẻ rằng từ năm 2017, báo Tuổi Trẻ đã đầu tư nhiều cho chuyển đổi số, từ mua công nghệ đến thay đổi và số hóa các khâu sản xuất tin bài, cách làm việc của tòa soạn, ông Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết sự thành công của báo giấy trong quá khứ khiến một bộ phận nhân sự vẫn còn bị níu kéo về cách làm cũ hoặc chuyển đổi bằng các phương thức cũ. Trong khi đó, trong điều kiện hiện tại, việc tuyển dụng thêm những nhân sự mới là một thách thức.

Đó là chưa kể khó khăn về tài chính. Ông Lê Xuân Trung cho biết thêm trong giai đoạn hiện nay hoạt động kinh doanh báo chí khó khăn, doanh thu sụt giảm, khả năng tài chính để trang trải cho các hoạt động chuyển đổi số thật sự là một thử thách lớn. "Trong khi đó để đầu tư cho công nghệ, trang thiết bị hiện đại và đặc biệt là nhân sự giỏi là một bài toán đầy thử thách" - ông Trung trăn trở.

Một thách thức khác được ông Mai Ngọc Phước, tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, chỉ ra là hiện nay nhiều tờ báo đang phải đối mặt với nạn xâm phạm bản quyền nghiêm trọng. "Rất nhiều sản phẩm báo chí của chúng tôi sau khi được xuất bản đã bị các trang web khác, các tài khoản mạng xã hội... tự ý lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không hề trích dẫn nguồn, dẫn link" - ông Phước nêu.

Sự thành công của chuyển đổi số phải nằm ở mỗi thành viên trong bộ máy. Nó thể hiện trong cách tiếp cận và vận hành quy trình tòa soạn từng ngày, từng giờ. Chỉ vướng ở một khâu nào, quy trình ấy sẽ bị ách tắc khiến quá trình chậm lại.

Ông Lê Xuân Trung

Cần những chính sách xuyên suốt lâu dài

Nhìn nhận toàn bộ những khó khăn, thách thức của các cơ quan báo chí, ông Lâm Đình Thắng, giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, cho rằng các cơ quan báo chí đang cần nhiều sự hỗ trợ và Sở TT-TT trong vai trò là cơ quan quản lý sẽ làm những việc cụ thể để góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đó.

Cụ thể, sắp tới Sở TT-TT sẽ thành lập bộ phận nghiên cứu tư vấn, tham mưu về chuyển đổi số để hỗ trợ các cơ quan báo chí. Bộ phận này gồm các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ, các đơn vị quản lý, các cơ quan báo chí. Bộ phận này vừa nghiên cứu, vừa tham mưu, vừa tư vấn về chính sách và tư vấn cho các cơ quan báo chí chuyển đổi số như thế nào, đánh giá đơn vị có uy tín, hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các cơ quan báo chí...

Mặt khác, sở cũng sẽ cân nhắc đến việc đào tạo bồi dưỡng chuyển đổi số cho các lãnh đạo báo chí TP, cho phóng viên, biên tập viên và phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nhà báo TP kiến nghị với các cơ quan trung ương một số việc như điều chỉnh cơ chế chính sách, thúc đẩy và tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trong chính sách thuế, quy trình thủ tục... như nâng mức xử phạt vi phạm bản quyền...

Đề nghị thành lập bộ phận chuyên trách

Ông Lâm Đình Thắng đề nghị các cơ quan báo chí thành lập bộ phận chuyên trách Ban chỉ đạo chuyển đổi số tại cơ quan mình để thay đổi nhận thức toàn diện trong bộ máy. Từ bộ phận chuyên trách đó, cơ quan báo chí có chủ trương, định hướng mục tiêu chuyển đổi số cụ thể trong từng giai đoạn của đơn vị mình. Trong đó có chiến lược (sản phẩm gì), nội dung gì phục vụ bạn đọc; thứ hai là mô hình tổ chức, quy trình làm việc của mình khi chuyển đổi số. "Chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng công nghệ mà là cuộc cách mạng của chính sách. Và chuyển đổi số thành công là công việc của người đứng đầu, chứ không phải là của người phụ trách công nghệ" - ông Lâm Đình Thắng nói.

Chuyển đổi số báo chí là quá trình không thể đảo ngược Chuyển đổi số báo chí là quá trình không thể đảo ngược

TTO - Tại hội thảo "Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững" sáng 23-12, ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí là xu thế tất yếu và là quá trình không thể đảo ngược.

MỸ DUNG - ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên