Phóng to |
Một số người Mỹ biểu tình trước cửa Nhà Trắng để phản đối chương trình hạt nhân của Iran - Ảnh: Getty Images |
“Chúng ta luôn nói về các vị tướng đi đánh trận. Nhưng tôi nghĩ rằng bản thân các nhà báo chúng ta cũng tham gia cuộc chiến” - nhà báo Mỹ Tim McNulty, biên tập viên báo Chicago Tribune thời kỳ chiến tranh Iraq, từng khẳng định. Ý ông nhắc đến vai trò đáng xấu hổ của tờ New York Times, một trong những tờ báo lớn và có uy tín nhất tại Mỹ, và phóng viên Judith Miller thời kỳ trước chiến tranh Iraq.
Tháng 9-2002, phóng viên New York Times Judith Miller đã dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ khẳng định Iraq nhập các loại ống kim loại để làm giàu uranium. Miller cho rằng “Iraq tăng cường nỗ lực sản xuất vũ khí hạt nhân và mở cuộc truy lùng nhiên liệu toàn cầu để chế tạo bom nguyên tử”.
Sau đó, các quan chức chính quyền George Bush như Condoleezza Rice, Colin Powell và Donald Rumsfeld đều lấy các bài báo của Miller “làm bằng chứng” để xâm lược Iraq.
Nhưng thực tế vũ khí hạt nhân không hề tồn tại ở Iraq. Hàng nghìn lính Mỹ và hàng trăm nghìn thường dân Iraq đã thiệt mạng vì một lý do bịa đặt. Nhà báo Miller tự biện hộ: “Việc của tôi không phải là kiểm tra thông tin của chính phủ. Nhiệm vụ của tôi là nói cho độc giả tờ New York Times biết chính phủ nghĩ gì về kho vũ khí của Iraq”. Rất nhiều nhà báo Mỹ đã chỉ trích Miller, bởi một chức năng quan trọng của nhà báo là đánh giá và phân tích thông tin trước khi viết bài.
Lịch sử đang lặp lại?
Giới chuyên gia truyền thông Mỹ cho rằng lịch sử đang lặp lại. Tổ chức Fair & Accuracy in Reporting (Đưa tin công bằng và chính xác - FAIR), trụ sở ở New York, mới đây đã chỉ trích tờ New York Times xuyên tạc báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Theo FAIR, trong hai bài báo đăng ngày 5-1-2012, phóng viên New York Times Steven Erlanger viết: “IAEA đánh giá chương trình hạt nhân Iran có mục tiêu quân sự”.
Thực tế IAEA không đưa ra kết luận này. Trong số ra ngày 5-3-2012, New York Times đăng bài xã luận với những từ như thế này: “Khát vọng hạt nhân của Iran là không thể phủ nhận, cũng như ý đồ đen tối của nước này đối với Israel, Mỹ và các nước láng giềng Ả Rập... Israel có quyền sợ hãi và thất vọng”. Trên trang World Socialist, nhà phân tích Bill Van Auken cho rằng dường như New York Times đang lặp lại vai trò làm công cụ cổ vũ chiến tranh như thời 2002.
FAIR và nhiều độc giả Mỹ cho rằng New York Times cũng như nhiều tờ báo Mỹ thường xuyên cường điệu các kết luận của IAEA, dành quá nhiều đất cho các lời kêu gọi tấn công Iran. Ví dụ, ngày 6-3-2012, báo Washington Post đăng bài xã luận của ứng viên Cộng hòa tranh cử tổng thống Mỹ Mitt Romney khẳng định do các chính sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Iran đang trên đường sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, các tờ báo lại ngó lơ thực tế Israel có hàng trăm vũ khí hạt nhân. New York Times và các tờ báo Mỹ không hề phân tích việc lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei khẳng định vũ khí hạt nhân là “một tội lỗi”, mà liên tục nhấn mạnh việc giới lãnh đạo Iran đòi xóa sổ Israel, một vấn đề chưa rõ ràng. Trang tin NRP.org bình luận giới truyền thông đang đóng một vai trò lớn trong việc cổ xúy chiến tranh chống Iran.
Hậu quả nguy hiểm
Biên tập viên cao cấp Robert Wright của tạp chí The Atlantic chỉ trích New York Times cũng như nhiều tờ báo Mỹ khác đã bôi nhọ Iran thành một “nhà nước điên rồ và hoang dại”. Nhà nghiên cứu William O. Beeman, tác giả cuốn Mỹ và Iran đã bôi nhọ nhau như thế nào, nhận định cách đưa tin về Iran của New York Times và nhiều tờ báo Mỹ đã dẫn tới một hậu quả nguy hiểm là dư luận Mỹ hiểu lầm về tình hình Iran.
“Quan niệm của người Mỹ hiện tại nhìn chung là Iran có vũ khí hạt nhân và sẽ tấn công Israel cũng như Mỹ” - chuyên gia Beeman cho biết. Ông cho rằng New York Times thường áp dụng chiêu giật tít về vấn đề hạt nhân Iran rất gây sốc, nhưng nội dung bài báo chẳng chứng minh được những luận điểm mà tựa đề đặt ra. Nhưng những tựa đề kiểu như vậy đã ảnh hưởng lớn đến cách nhìn và cách đánh giá vấn đề của người dân Mỹ.
“Điều này dẫn tới những câu hỏi về trách nhiệm dân sự của New York Times” - chuyên gia Beeman khẳng định.
Trang NRP.org dẫn lời giáo sư quan hệ quốc tế Stephen Walt thuộc ĐH Harvard cho rằng cách đưa tin của truyền thông Mỹ về vấn đề Iran nhiều khi quá đơn giản hóa và gây thất vọng. Theo ông, công chúng luôn yêu cầu giới truyền thông phải chính xác, rõ ràng, không thiên vị, đặc biệt khi nói về chiến tranh, “nhưng ngược lại, báo chí lại đổ thêm dầu vào lửa chiến tranh”. Giáo sư Walt khẳng định báo chí cần điều tra ý đồ của những lời đồn thổi về Iran.
Trong bài viết “Các bài học từ cuộc chiến tranh cũ” đăng trên mục Ý kiến của trang mạng New York Times, biên tập viên của chính tờ báo này là Arthur S. Brisbane thừa nhận những đánh giá của giới chuyên gia về cách đưa tin của New York Times là rất khó phản bác. Ông cho rằng tờ báo đã sai lầm một lần thời kỳ trước chiến tranh Iraq, và giờ có cơ hội để làm đúng với chức năng của báo chí lần này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận