Phóng to |
Ông Nguyễn Vũ Bình giới thiệu quy trình toà soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: V.V.Thành |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trương Ngọc Nam (giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền) nhấn mạnh để đảm bảo mục tiêu phản ánh thông tin một cách trung thực, khách quan, tại các cơ quan báo chí truyền thông của mọi quốc gia trên báo chí đã hình thành một trong những loại hình hoạt động đặc thù là hoạt động báo chí điều tra.
Đây là một đòi hỏi khách quan của quá trình công khai, minh bạch và dân chủ hóa thông tin trên mọi lĩnh vực phát triển của mỗi quốc gia.
Bên cạnh đó, ông John Nielsen - đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam - cũng khẳng định báo chí có vai trò quan trọng trong bất kỳ xã hội nào, hiện Đan Mạch cũng đang tài trợ cho Việt Nam “dự án báo chí trách nhiệm”, trong đó có việc đào tạo về kỹ năng báo chí điều tra. Đây là sự khởi đầu hợp tác trong lĩnh vực báo chí truyền thông giữa hai nước.
Theo TS Nam, song song với việc phát hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, các nhà báo đã dày công điều tra, phát hiện, đưa ra công luận những hành vi tiêu cực, tham nhũng như vụ PMU 18, những sai phạm trong quản lý đất đai ở Khánh Hòa, Phú Quốc (Kiên Giang), Đồ Sơn (Hải Phòng), những hành vi tham nhũng ở bến xe miền Đông, những sai phạm của Vinashin…
Những loạt bài điều tra trên các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Công An Nhân Dân, Pháp Luật TP.HCM… đã gây được tiếng vang lớn, được dư luận cả nước đồng tình và quan tâm như loạt bài “Biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu” (báo Tuổi Trẻ), loạt bài “Bão tín dụng đen hoành hành dữ dội” (báo Công An Nhân Dân), loạt bài “Cảnh sát trật tự cơ động làm luật” (báo Thanh Niên), loạt bài về vụ cướp than động trời ở Mạo Khê - Quảng Ninh (báo Lao Động)…
TS Nam cho biết Hội thảo lần này diễn ra với các phiên thảo luận về một số nội dung cụ thể như nghiệp vụ báo chí điều tra của Việt Nam và quốc tế; quy trình tòa soạn trong làm báo điều tra ở Việt Nam và quốc tế; kinh nghiệm nghiệp vụ nhập vai của phóng viên điều tra ở Việt Nam và quốc tế...
Bà Trần Lệ Thùy - giám đốc Trung tâm sáng kiến truyền thông và phát triển - cho rằng báo chí điều tra nhiều khi là chỗ dựa cho những người dân. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của xã hội, báo chí điều tra đang đối mặt với nhiều thách thức, do vậy hoạt động báo chí điều tra cần được đưa lên mặt bằng mới về nghiệp vụ cũng như khuôn khổ pháp luật.
Bà Thùy nhấn mạnh các nhà báo điều tra cần được pháp luật bảo vệ khi hành động vì lợi ích công. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng nguyên tắc vì lợi ích công để biện hộ cho nhà báo khi họ đối mặt với cáo buộc liên quan đến pháp luật. Nếu nhà báo chứng minh được họ điều tra vì lợi ích công và đã làm hết trách nhiệm của mình thì có thể được hưởng quyền miễn trừ trước pháp luật.
Ông Stephen Whitle - chuyên gia báo chí, nguyên giám đốc biên tập BBC - cho biết việc đảm bảo lợi ích công trong quá trình điều tra chính là một trong những nguyên tắc hoạt động của các nhà báo ở Anh. Theo đó báo chí điều tra đòi hỏi tính chính trực và mong muốn phục vụ cộng đồng hơn là vì chính mình.
“Nhà báo không được kích động hay khuyến khích hành vi mà mình đang tìm kiếm trong quá trình điều tra. Vai trò của nhà báo là ghi lại chuyện xảy ra chứ không phải làm nó xảy ra”, ông Stephen Whitle nói.
Tại hội thảo, nhà báo Nguyễn Vũ Bình (Trưởng ban Chính trị-xã hội, báo Tuổi Trẻ) đã giới thiệu quy trình của tòa soạn báo Tuổi Trẻ trong việc thẩm định, triển khai và hoàn tất các bài, loạt bài điều tra. Nhà báo Đặng Anh Tuấn (Anh Thoa) trình bày tham luận về kỹ năng nhập vai trong báo chí điều tra.
Hội thảo tiếp tục diễn ra trong chiều nay 31-3.
(*) Hội thảo do Học viện Báo chí và tuyên tuyền, Trung tâm sáng kiến truyền thông và phát triển, Đại sứ quán Đan Mạch đồng tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận