18/11/2014 16:06 GMT+7

​Báo chí điều tra góp phần giảm án oan

NGUYỄN THIỆN
NGUYỄN THIỆN

TT - Báo chí điều tra là chỗ dựa rất quan trọng của người dân khi biết rõ rằng thân nhân của mình bị bắt giam oan, bị kết án tù oan.

Nghi phạm Nguyễn Thị Thanh Vân trong vụ án oan của Vũ Ngọc Dương thực nghiệm việc làm giả chữ ký tại cơ quan điều tra viện KSND tối cao

Lại vừa thêm một vụ án oan!

Anh Vũ Ngọc Dương (27 tuổi, ở Hà Nội) bị cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên án 30 tháng tù giam về tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Mới đây, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã làm rõ việc một số cá nhân có hành vi làm bằng chứng giả rồi mượn tay cơ quan pháp luật để chiếm đoạt gần 300 triệu đồng của ông Vũ Ngọc Long (bố đẻ anh Vũ Ngọc Dương), đồng thời cũng khiến anh Dương bị bắt tạm giam, bị kết án oan dẫn đến mất việc làm, mất một số quyền lợi công dân.

Khi một kẻ buôn ma túy bị kết án tử hình, bản thân người đó và gia đình cũng không thể oán hận vì đó là sự trừng phạt của công lý, của cộng đồng xã hội.

Nhưng nếu một người bị kết án oan, dù ngồi tù oan 6 tháng hay 1 năm, sẽ tạo ra một con người có lòng căm phẫn với sức mạnh của hàng trăm, hàng ngàn người, vì con người ấy biết chắc mình vô tội, mình đúng, mình có chính nghĩa, còn những ai kết án oan cho mình mới chính là kẻ có tội cần bị trừng phạt.

Khi xảy ra án oan thì không chỉ bản thân, gia đình, họ hàng người bị oan mất lòng tin vào công lý, mà còn làm người dân mất lòng tin vào hệ thống tư pháp của đất nước.

Như vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn với hơn 10 năm ngồi tù oan đã gây chấn động lương tâm xã hội và đã được nêu lên ở diễn đàn cao nhất là Quốc hội.

Để giảm bớt đến mức thấp nhất án oan thì cùng với việc không ngừng hoàn thiện hệ thống luật pháp về hình sự và tố tụng, nâng cao năng lực trình độ và đạo đức của các cơ quan tố tụng và cơ quan giám định, tổ chức lại hệ thống tòa án sao cho tòa chỉ tuân theo luật pháp, đề cao vị trí của luật sư, lấy kết quả tranh luận tại tòa để làm cơ sở xem xét nghị án ...thì báo chí điều tra sẽ đóng vai trò không nhỏ để làm sáng tỏ vụ việc, ngăn ngừa oan sai.

Tôi còn nhớ vụ việc xảy ra ở Khánh Hòa cách đây khoảng 20 năm gây chấn động dư luận lúc ấy, vì quan tài người chết được gia đình đưa đến trụ sở UBND tỉnh để kêu oan.

Chuyện là một tài xế bị cho là gây ra tai nạn nghiêm trọng rồi bỏ chạy nên bị công an bắt tạm giam, rồi không may ông ta chết trong trại giam. Khi gia đình đem thi thể về chôn thì thấy ông ta viết lại cho con là hãy tìm đến nhà báo để giải oan cho cha.

Nhà báo Nguyễn Chính - trưởng văn phòng đại diện báo Đại Đoàn Kết tại Nha Trang - lúc đó được gia đình nạn nhân gửi gắm lòng tin.

Sau nhiều tháng, bằng nhiều chuyến đi đến nơi tài xế từng đến, gặp gỡ với nhiều người mà bác tài tiếp xúc, kể cả làm việc với các trạm kiểm soát giao thông tuyến đường Nha Trang - TP.HCM, bằng tinh thần dấn thân, cuối cùng nhà báo Nguyễn Chính đã thu thập các chứng cứ tài liệu chắc chắn, rõ ràng, đúng luật, để chứng minh rằng khi xảy ra vụ tai nạn kia thì xe bác tài ở cách đó vài trăm cây số, có xác nhận của trạm cảnh sát giao thông liên quan.

Báo Đại Đoàn Kết lúc ấy đã đăng loạt bài điều tra của nhà báo Nguyễn Chính làm sáng tỏ vụ việc. Kết quả, tài xế được minh oan, phó giám đốc công an tỉnh đã đến tận nhà tài xế để xin lỗi, đồng thời hàng loạt cán bộ công an có liên quan đến vụ việc bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Loạt bài “Hành trình giải oan” này đã được giải A báo chí toàn quốc năm 1994.

Như vậy, có thể khẳng định rằng báo chí điều tra là chỗ dựa rất quan trọng của người dân khi biết rõ rằng thân nhân của mình bị bắt giam oan, bị kết án tù oan.

Phát triển mạnh báo chí điều tra không chỉ làm tăng sức sống, sức chiến đấu của báo chí mà còn tích cực làm sáng tỏ vụ việc, giảm oan sai, tránh đi những tổn thất không thể bù đắp cho người lương thiện và gia đình họ khi bị oan sai, góp phần quan trọng để người dân tin tưởng vào công lý.

NGUYỄN THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên