01/11/2014 13:50 GMT+7

Báo cáo Chính phủ vụ “Ban phát đất rừng cho quan chức”

NHÓM PV - CTV ĐÔNG NAM BỘ
NHÓM PV - CTV ĐÔNG NAM BỘ

TT - UBND tỉnh Bình Phước khẳng định việc cho cán bộ, vợ con cán bộ thuê đất rừng là có, nhưng nhiều nội dung của báo cáo cần phải làm rõ thêm.

Ở những lô đất rừng được lấy trồng cao su thế này vẫn còn dấu tích của những cây cổ thụ khi xưa bị chặt bỏ chỉ còn trơ gốc (ảnh chụp tháng 10-2014 tại rừng phòng hộ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh) - Ảnh: Bá Sơn
Ở những lô đất rừng được lấy trồng cao su thế này vẫn còn dấu tích của những cây cổ thụ khi xưa bị chặt bỏ chỉ còn trơ gốc (ảnh chụp tháng 10-2014 tại rừng phòng hộ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh) - Ảnh: Bá Sơn

Ngày 31-10, ông Nguyễn Văn Thành - chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Phước - cho biết sau khi báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài “Ban phát đất rừng cho quan chức”, UBND tỉnh Bình Phước có báo cáo giải trình gửi Chính phủ.

Nội dung của báo cáo là giải trình xoay quanh ba vấn đề: việc cho cán bộ và vợ con cán bộ thuê đất trồng cao su; việc quy hoạch, thực hiện các dự án trồng cao su trên đất lâm nghiệp tại địa bàn tỉnh; việc người dân thiếu đất sản xuất, đất ở.

Có việc cán bộ thuê đất rừng

UBND tỉnh Bình Phước khẳng định việc cho cán bộ, công chức và vợ con của cán bộ nhận khoán, thuê đất lâm nghiệp mà báo nêu là có.

UBND tỉnh Bình Phước giải thích việc cho cán bộ thuê đất là do sau khi tách tỉnh (tách với Bình Dương từ tỉnh Sông Bé cũ, vào năm 1997) thì “phần lớn cán bộ, công chức được điều chỉnh từ tỉnh Sông Bé cũ lên công tác đều khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần”, do vậy tỉnh có chủ trương cho các hộ gia đình, cá nhân này thuê đất để “góp phần ổn định cuộc sống, an tâm công tác tại địa phương”.

Tuy nhiên, giải trình của UBND tỉnh Bình Phước không nêu rõ những đối tượng cán bộ nào được cho thuê đất, tiêu chí nào để cán bộ được xét cho thuê đất, cũng như có phải tất cả cán bộ đều được cho thuê đất hay chỉ một số cá nhân?

Đó là chưa kể nhiều trường hợp cán bộ được “ban phát” đất rừng trồng cao su mà Tuổi Trẻ nêu đều là lãnh đạo các sở, ngành, trưởng phòng và lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh.

Nhiều cán bộ còn “khoe” có hàng chục hecta cao su đang cạo mủ, trị giá hàng tỉ đồng... thì chắc chắn không thuộc đối tượng cán bộ “khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần” như UBND tỉnh Bình Phước đề cập.

UBND tỉnh Bình Phước cũng cho rằng “chủ trương cho thuê đất lâm nghiệp của UBND tỉnh có trước năm 2007, đến nay chỉ là làm thủ tục cho thuê đất theo luật định (sau khi các hộ đã hoàn tất thủ tục và thực hiện đầu tư sản xuất trên đất)”.

Thế nhưng, các văn bản Tuổi Trẻ có trong tay lại chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.

Cụ thể: ngày 25-9-2013 (sau năm 2007 tới sáu năm), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm ký văn bản số 3123/UBND-KTN, xét đơn xin cấp đất của hai hộ Lê Tính (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) và Nguyễn Viết Nghĩa (thị xã Thuận An, Bình Dương), chấp thuận cho hai hộ này thuê mỗi hộ 10ha thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết để “trồng cao su, cải thiện đời sống”.

Theo tìm hiểu, ông Lê Tính và Nguyễn Viết Nghĩa đều nguyên là cán bộ lãnh đạo của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước.

Vào tháng 6-2008 (sau năm 2007 một năm), chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khi đó là ông Trương Tấn Thiệu (bị miễn nhiệm vào tháng 4-2013) cũng ký văn bản số 1635/UBND-SX thuận chủ trương cho 11 hộ gia đình, cá nhân thuê 105ha đất rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết để trồng cao su.

Cuối năm 2007, trước khi chuyển qua làm Bí thư Tỉnh ủy cho tới nay, ông Nguyễn Tấn Hưng khi đó giữ chức vụ chủ tịch UBND tỉnh, cũng ký văn bản cho hàng loạt hộ dân thuê đất trồng cao su, trong đó có hộ được thuê tới 30ha.

Báo cáo chưa đầy đủ

Về việc chuyển đổi đất rừng để trồng cao su, UBND tỉnh Bình Phước khẳng định “việc phát triển rừng trồng cao su trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được thực hiện theo đúng quy định”.

Tuy nhiên, báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước không đề cập trực tiếp vào vấn đề mà báo Tuổi Trẻ nêu: đó là việc ồ ạt chuyển đổi nhiều diện tích rừng tự nhiên để trồng cao su khiến rừng tự nhiên giảm trầm trọng, nhiều ban quản lý rừng có nguy cơ giải thể.

Cụ thể, theo công bố của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, diện tích rừng tự nhiên của Bình Phước hiện chỉ còn 58.600ha (số liệu năm 2013); trong khi đó vào năm 2002, tỉnh này có tới 127.800ha.

Tại Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết (huyện Lộc Ninh) có tới 8.200ha trồng cao su, trong tổng số 12.500ha diện tích tự nhiên tại đây. Sắp tới, 2.000ha rừng trong số 3.100ha rừng tự nhiên còn lại của rừng Tà Thiết cũng sẽ được chuyển sang trồng cao su.

Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước xác nhận việc giải thể Ban quản lý rừng Tà Thiết chỉ là chuyện một sớm một chiều.

Đối với các hộ dân khó khăn, thiếu đất sản xuất, UBND tỉnh Bình Phước khẳng định “việc các hộ dân thiếu và không có đất sản xuất là vẫn có, nhưng thời gian qua tỉnh đã bố trí cấp đất cho các hộ này và đang tiếp tục quy hoạch để tiếp tục cấp đất sản xuất cho các đối tượng này”.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Phước không nêu rõ hiện còn bao nhiêu hộ dân khó khăn, thiếu đất sản xuất và lộ trình tới khi nào thì các hộ này được có đất?

Còn theo số liệu Tuổi Trẻ có được từ báo cáo của Thanh tra tỉnh Bình Phước thì số lượng người dân khó khăn, thiếu đất sản xuất ở tỉnh này vẫn còn rất nhiều.

Cụ thể, tới tháng 7-2014 có tới 8.000 hộ dân khó khăn có nhu cầu cấp đất sản xuất, với số lượng đất cần lên tới 6.148ha.

Để bổ sung nguồn quỹ đất mới, Thanh tra tỉnh Bình Phước kiến nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ xin chuyển đổi một số vị trí rừng trên địa bàn tỉnh để tạo quỹ đất cho các hộ không có đất, thiếu đất sản xuất, có biện pháp thu hồi một phần diện tích đất đã giao cho các doanh nghiệp...

Đang thanh tra công tác giao đất, giao rừng

Liên quan đến vụ “ban phát đất rừng cho quan chức” xảy ra tại tỉnh Bình Phước, ngày 31-10 Phó tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Nguyễn Chiến Bình cho biết trước khi Tuổi Trẻ đăng loạt bài này, TTCP đã có quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác giao đất, giao rừng tại tỉnh Bình Phước trong thời gian từ năm 2008-2013.

Đoàn thanh tra này do ông Nguyễn Đức Hương, phó cục trưởng Cục 3 của TTCP, làm trưởng đoàn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Chiến Bình còn nói đoàn thanh tra sẽ căn cứ theo quyết định và thực tế địa phương, có tham khảo thông tin trên báo để tiến hành thanh tra.

Khi có dự thảo kết luận thanh tra, lãnh đạo TTCP sẽ xem xét, đối chiếu với thông tin báo Tuổi Trẻ nêu, xem những vấn đề nào làm rõ, những vấn đề nào chưa rõ thì sẽ tiếp tục có chỉ đạo, yêu cầu làm rõ.

M.QUANG

Ưu tiên giao đất rừng cho người không có đất

Sáng 31-10, ông Đào Trung Chính, phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT), cho biết sau khi báo Tuổi Trẻ đăng các bài viết về việc “ban phát đất rừng cho quan chức - cho thuê đất theo tiêu chí “tình nghĩa” ở Bình Phước, Bộ TN-MT đã có văn bản yêu cầu Sở TN-MT tỉnh Bình Phước kiểm tra, báo cáo về nội dung báo nêu. 

Theo ông Chính, liên quan đến việc giao đất, giao rừng, từ trước tới nay đều thực hiện theo tinh thần ưu tiên khuyến khích giao cho những người thiếu đất sản xuất.

Tuy nhiên, có những trường hợp quy hoạch và kế hoạch của địa phương xác định rừng trồng là cây cao su hay những cây có giá trị cao, điều này đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn nên cũng có trường hợp khuyến khích giao đất trồng rừng cho những người có nguồn lực đầu tư.

“Với câu chuyện ở Bình Phước, phải xem rất kỹ tiêu chí về việc giao đất, giao rừng ra sao. Liệu đã giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất của người dân hay chưa mà đi phân giao cho cán bộ như vậy?” - ông Chính nhấn mạnh.

XUÂN LONG

Phải công khai minh bạch việc chuyển đổi đất rừng

Trước tình hình phá rừng, lấn chiếm rừng và chuyển đổi rừng vô tội vạ diễn ra tại Bình Phước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nói:

- Về vụ việc ở Bình Phước, chúng tôi đã giao Cục Kiểm lâm rà soát, hiện nay Bộ NN&PTNT đang đợi thông tin từ Cục Kiểm lâm.

Chính phủ có cho phép chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, nhưng phải đúng hướng dẫn thế nào là rừng nghèo kiệt, đúng mục đích đáp ứng vấn đề thiếu đất của người dân, trong khi như báo phản ánh là việc cấp đất chủ yếu cho cán bộ...

* Thưa ông, có hay không chuyện lợi dụng chủ trương chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su để chính quyền địa phương cấp đất không đúng đối tượng?

- Vấn đề cấp bách của người dân là thiếu đất sản xuất, nhưng khi nhìn vào danh sách được nhận đất rừng để trồng cao su ở Bình Phước thì toàn thấy cán bộ mà không thấy dân đâu.

Thật ra cuối năm 2013, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương chuyển đổi đất lâm nghiệp nghèo kiệt để giải quyết nhu cầu đất sản xuất, mới có tỉnh Bình Phước “mở” lại việc chuyển đổi này, còn các địa phương khác thì chưa.

* Thưa ông, với vụ việc ở Bình Phước thì sau kiểm tra, Bộ NN&PTNT có chủ trương gì, hay là sẽ “phạt cho tồn tại”?

- Chúng tôi sẽ kiểm tra nghiêm túc, khách quan, sai đến đâu, sai như thế nào. Còn cán bộ thì đó là cán bộ của địa phương, địa phương phải xử lý, Bộ NN&PTNT sẽ có ý kiến về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp ở địa phương.

LAN ANH

 

 

NHÓM PV - CTV ĐÔNG NAM BỘ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên