31/12/2019 13:03 GMT+7

Bằng kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ... chính thức vẫn tồn tại

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Điều này được khẳng định trong nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học vừa được Chính phủ ban hành.

Bằng kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ... chính thức vẫn tồn tại - Ảnh 1.

Văn bằng kỹ sư được cấp cho sinh viên đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học - Ảnh: T.L.

Chính phủ ban hành Nghị định số 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học hôm 30-12.

Theo nghị định này, hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm:

Bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;

Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;

Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;

Văn bằng trình độ tương đương là văn bằng quy định. Cụ thể: Văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo quy định.

Như vậy, các văn bằng khác ngoài bằng cử nhân nêu trên vẫn còn tồn tại chứ không phải bị "xóa sổ" như thông tin suy diễn mới đây.

Cũng theo nghị định, các văn bằng này thể hiện trình độ đào tạo tương đương có thể sẽ khác với trước đây, tùy thuộc vào khối lượng học tập của từng chương trình đào tạo.

Trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù là trình độ của người đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù sau đây:

Chương trình có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương hoặc có khối lượng học tập từ 30 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trình độ đại học;

Chương trình có khối lượng học tập từ 90 tín chỉ trở lên đối với người có trình độ tương đương Bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Căn cứ vào quy định về điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác trong chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù được xếp vào bậc tương ứng trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Trước đó, Tuổi Trẻ Online có đăng bài Bộ GD-ĐT khẳng định không có chuyện khai tử bằng kỹ sư phản ánh việc trên trang cá nhân của một giáo sư Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng là một Facebooker nổi tiếng - có viết bài: "Khi văn hóa phong bì vẫn còn ngự trị, khai tử tấm bằng kỹ sư sẽ là một thảm họa!"

Tác giả này viết: "Với sự tư vấn của một nhóm người lạ nào đó, Chính phủ đang dự định khai tử tấm bằng kỹ sư với hơn 60 năm lịch sử, các đại học không được cấp bằng kỹ sư nữa, và họ dự định rằng các hội nghề nghiệp kỹ thuật sẽ cấp giấy phép hành nghề kỹ sư ở Việt Nam".

Xôn xao chuyện Xôn xao chuyện 'khai tử' bằng kỹ sư

TTO - Các chuyên gia pháp luật khẳng định trong khi chờ Chính phủ ban hành nghị định quy định mới thì các bằng kỹ sư, bằng bác sĩ, bằng dược sĩ vẫn áp dụng bình thường.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên