![]() |
Quầy bán băng đĩa trong khu thương mại Diamond, một địa chỉ buôn bán đĩa lậu, đĩa sao chép khá xôm tụ nhưng không được cơ quan chức năng chú ý |
Hàng lậu - đối thủ quá nặng ký
Đã hơn một tuần trôi qua sau vụ Tuyển chọn nghệ sĩ của Trung tâm băng nhạc hải ngoại Biển Nhớ được báo chí trong nước vạch tên, các cửa hàng bán CD vẫn bán buôn bình thường những đĩa đã có "lệnh cấm" này của Bộ Văn hóa - thông tin (về nguyên tắc bản thân băng đĩa lậu đã không được phép bán, việc cấm lưu hành và tịch thu chỉ như một cách tỏ thái độ kiên quyết hơn với một băng đĩa có tính chất quá nguy hại mà thôi).
Sáng 20-3, chúng tôi nhờ một người mua giúp hai đĩa Mùa hè rực rỡ - Hội ngộ hoa hậu VN thì chỉ 15 phút sau đĩa đã được mang về từ thương xá Tax. "Họ không sợ kiểm tra sao? Đĩa này đã có lệnh cấm bán mà?". Người mua cười cười: "Tụi nó mà sợ ai! Có kiểm tra thì ôm hàng chạy. Còn không, cứ có người mua thì bán". Thậm chí, một vài cửa hàng trước nay không bán đĩa hải ngoại giờ cũng thấy bày trên quầy hàng một số đĩa của Vân Sơn, Thúy Nga Paris...
Chương trình liveshow của Phương Thanh do VTV tổ chức đã có đĩa lậu được bán tại... sân diễn ngay sau khi chương trình vừa chấm dứt! Thật khó ngờ tốc độ "sản xuất" lại nhanh đến chóng mặt như vậy! Phải chăng những kẻ sao chép đã làm trước bao bì và thu chương trình từ truyền hình trực tiếp, ngay sau đó in, nhân bản và rao bán tức thời? |
Trong những rổ hàng để dưới gầm bàn của cửa hàng này không thiếu thứ gì. Từ liveshow của Phương Thanh và Gala cười 2003 chép từ VTV, cho đến Thúy Nga Paris mới nhất. Thậm chí ở đây còn có nhiều chương trình hải ngoại chưa bị nói đến như Ca Dao, Vân Sơn... Tại quầy CD-VCD duy nhất ở tầng ba khu thương xá Diamond thì buôn bán đĩa chép, đĩa lậu là chính. Tuyển chọn nghệ sĩ và nhiều chương trình hải ngoại khác, từ ca nhạc đến karaoke, vẫn bán bình thường.
![]() |
Khu buôn bán băng đĩa trong thương xá Tax, một địa chỉ đen từ lâu nhưng không hiểu sao vẫn không dẹp nổi |
Ở thương xá Tax, khu vực buôn bán băng đĩa lúc nào cũng đông đảo. Cũng như từ trước đến giờ, người mua có thể tìm được đủ loại hàng "nhảm nhí" ở đây. Trong khi đó khu vực chợ Huỳnh Thúc Kháng thì vắng tanh. Cửa hàng băng đĩa lớn nhất khu này là Mai Nghĩa đã sang tiệm cho người khác và chuyển sang buôn bán máy móc. Các cửa hàng còn lại buôn bán cầm chừng, giấu hàng thật xa và chỉ bày một số bìa đĩa trong các rổ hàng, khi nào khách mua mới chạy đi lấy về.
![]() |
Cửa hàng băng đĩa 82 Nguyễn Thị Minh Khai, địa chỉ được giới sản xuất xếp hạng nhất về sao chép các chương trình sản xuất trong nước |
Nói ví von và chua chát thì băng đĩa lậu vẫn đang là một võ sĩ mạnh được tự do hạ nốc-ao băng đĩa chính thống khi so găng trên vũ đài thị trường gần như vắng bóng trọng tài.
Các hãng băng đĩa có nguy cơ phá sản?
Nạn sao chép lậu, ăn cắp bản quyền ngày càng tung hoành trắng trợn. "Hiện nay sản xuất một chương trình CD đầu tư 80-120 triệu đồng, VCD đầu tư 300-600 triệu, nhưng vừa phát hành là bị sao chép lậu.
|
Theo ông Huỳnh Tiết, phó chủ tịch RIAV: “Hầu hết các cửa hàng băng đĩa ở TP.HCM, từ năm 2000 trở lại đây chỉ bày bán băng đĩa sao chép và buôn bán một cách công khai. Không chỉ nhạc trẻ mà cả nhạc truyền thống cũng bị sao chép. Gần như đây là căn bệnh bất trị. Nếu không có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, không có chế tài mạnh thì nguy cơ phá sản của các hãng băng đĩa là rất gần.
Các đơn vị kiểm tra liên ngành 814 hầu như bàng quan, thỉnh thoảng xử phạt mang tính phong trào và cảnh cáo theo kiểu hành chính mà thôi. Không nói đâu xa, các thương xá lớn cứ việc bày bán công khai băng đĩa sao chép, vậy mà vẫn cứ được coi là... bình thường. Các hãng băng đĩa không dám đầu tư để làm chất lượng cao, vì sáng phát hành chiều đã bị sao chép thì không vốn nào chịu cho nổi.
Con tem dán trên băng đĩa của Bộ VH-TT gần như không còn tác dụng khi hàng không dán tem quá nhiều nhưng không bị xử lý. Lợi nhuận kếch sù trong kinh doanh băng đĩa sao chép, ăn cắp bản quyền vô tội vạ tạo nên những đường dây ngầm. Ở bên Mỹ, theo tôi được biết, tội ăn cắp bản quyền chỉ xếp sau tội buôn bán ma túy, tội khủng bố”. Đại diện Công ty Maseco Phú Nhuận nói thêm: “Trong hành xử theo luật thì ngành văn hóa vẫn đi chậm một bước. Nếu tem không còn khả năng kiểm soát thì nên bỏ hẳn tem đi”.
Trong một diễn biến khác về ăn cắp bản quyền, ông Thân Lộc - giám đốc Trung tâm băng nhạc Thùy Dương - nói: “Một số đài phát thanh truyền hình tùy tiện sử dụng các sản phẩm của các hãng trong nước mà không trả một cắc nào. Tôi nghĩ, thôi thì... “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Vậy mà đến “lời chào”, nói một tiếng thôi, họ cũng không”.
Được biết, RIAV đã thảo công văn gửi đến các đài truyền hình đề nghị nghiêm chỉnh tôn trọng bản quyền: sử dụng sản phẩm ca nhạc, băng đĩa trên sóng phải xin phép hãng sản xuất, hiệp hội sẽ thay mặt các hãng làm việc với các đài mỗi khi có sự vụ liên quan đến bản quyền.
Vấn đề nổi bật: tại sao tình trạng sao chép băng đĩa cứ công khai, hiển nhiên? Hoàn toàn chưa có được câu trả lời về những biện pháp “bắt cóc bỏ đĩa” trong ngăn chặn sao chép băng đĩa. Tại sao cho đến nay chưa đưa ra ánh sáng, lật tẩy những đường dây ngầm trong kinh doanh băng đĩa lậu, sao chép? Lực lượng ngầm ấy thao túng ra sao?
Qui trình xin phép sản xuất và phát hành Hãng gửi công văn xin phép sản xuất kèm danh mục, văn bản bài hát... đến sở VH-TT mất 7 - 10 ngày mới có thể có giấy phép. Sau khi sản xuất xong lại phải làm công văn xin phép phát hành với danh mục bài hát và đĩa master hoàn chỉnh để nộp lưu chiểu, mất 7 - 10 ngày. Có giấy phép của sở VH-TT, hãng phải gửi công văn kèm danh mục, đĩa master đã được duyệt và giấy phép phát hành chương trình đến Cục Nghệ thuật biểu diễn ở Bộ VH-TT để xin duyệt và mua tem mất 7 - 10 ngày. Như vậy phải mất một tháng để xin phép, nếu suôn sẻ, một chương trình băng đĩa mới có thể ra đời, chưa kể thời gian thực hiện. |
Theo dòng sự kiện:
* Băng đĩa nhảm nhí: mác ngoại, sản xuất nội* Sản xuất băng đĩa nhạc: Chồng chéo “xin - cho”* Tem băng đĩa: không cần thiết* Album nhạc: Nên duyệt cả...bìa?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận