Tuy nhiên, người bán hàng tại đây cho biết do số lượng xăng về có hạn (2.000 lít) trong khi người mua từ các cây xăng khác đóng cửa đổ về nên cây xăng bán ra hạn chế.
Theo đó, mỗi người vào đổ xăng chỉ được mua tối đa 30.000 đồng, cửa hàng không bán cho người mua trữ trong bình hoặc bịch nilông. “Với lượng người mua như hiện tại thì ngay cả việc giới hạn 30.000 đồng/người thì xăng cũng sẽ hết sớm trong buổi chiều nay” - người bán hàng tại đây cho biết.
Phóng to |
Xem video |
Tại Bình Phước, từ sáng 27-8, nhiều cây xăng trên địa bàn ngừng bán hoặc bán nhỏ giọt khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Cao Văn The, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước, cho biết qua kiểm tra, làm việc với 54/268 cơ sở, cửa hàng kinh doanh xăng dầu của mười huyện, thị (mỗi huyện, thị 3-4 cây xăng), chủ các cây xăng cho rằng trước đây họ được doanh nghiệp đầu mối cung cấp bình thường theo yêu cầu. Tuy nhiên từ ngày 17-8 và cao điểm từ lúc 14g ngày 24-8 đến nay, khối lượng xăng dầu các doanh nghiệp đầu mối cung cấp giảm 40-60% so với trước đây.
Tại Đồng Nai, trong ngày 27-8, một số cây xăng ở huyện Thống Nhất tiếp tục đóng cửa và đề bảng “hết xăng”, gây bất ngờ cho người dân. Nhiều người do không đổ được xăng nên rất bức xúc. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại hai xã Gia Tân 1 và Gia Tân 2 trên tuyến quốc lộ 20 có bốn cây xăng thì đã có hai cây xăng đóng cửa đề bảng hết xăng gồm cây xăng dầu Vinh Loan (ấp Bạch Lâm) và cây xăng dầu 211. Giải thích nguyên nhân, chủ hai cây xăng dầu này cho biết do trong hai ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật, đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu không xuất phiếu bán xăng nên các đại lý không có xăng bán cho người dân.
Sáng 27-8, lực lượng quản lý thị trường Bình Dương đồng loạt kiểm tra các cây xăng trên địa bàn tỉnh, chỉ riêng ở TP Thủ Dầu Một đã phát hiện năm cây xăng ngưng bán xăng, chỉ bán dầu. Kiểm tra thực tế bồn chứa xăng của năm cây xăng này lực lượng chức năng đều xác nhận bồn cạn đáy. Người của các cây xăng này cho rằng do đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu chỉ cung cấp nhỏ giọt nên không đủ xăng bán. Ông Nguyễn Ngọc Tài - chủ cây xăng Tài Phú Lợi trên đường Huỳnh Văn Lũy, TP Thủ Dầu Một - cho biết: “Hiện nay chúng tôi lệ thuộc vào đơn vị đầu mối cung cấp xăng để bán, họ vẫn có rót nhưng rót rất hạn chế, mỗi lần vài ngàn lít để bán thôi”.
Tại Thừa Thiên - Huế, đến chiều 27-8, một số cửa hàng xăng dầu vẫn treo bảng “hết xăng”. Trong đó, cửa hàng xăng dầu An Lỗ ở huyện Phong Điền (thuộc Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Thừa Thiên - Huế) đã đóng cửa từ ba ngày trước, buộc người đi đường phải mua xăng lẻ của người dân bán ngay bên cạnh với giá 26.000 đồng/lít.
Ông Phan Văn Lương, giám đốc Công ty cổ phần An Phú, cho biết nhiều cửa hàng của công ty phải nghỉ bán vì các công ty đầu mối cung cấp hàng nhỏ giọt. Công ty này nhập xăng dầu từ Công ty Xăng dầu Thừa Thiên - Huế và Tổng công ty Dầu VN. Ông Lương nói do công ty được hưởng chiết khấu thấp, bán nhiều càng lỗ nhiều, do đó không yêu cầu nhà cung ứng tăng khối lượng xăng dầu nhập vào để dự trữ, mà chỉ áp dụng phương thức bán hết rồi mới nhập tiếp hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận