22/05/2013 00:35 GMT+7

Bản tin thời tiết phải dễ hiểu

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Tại hội thảo về các hiện tượng khí tượng thủy văn trong bối cảnh biến đổi khí hậu do Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên - môi trường) tổ chức ngày 21-5, nhiều chuyên gia cho rằng cần đưa ra những bản tin dự báo thời tiết mang tính đại chúng để người dân dễ hiểu và ứng phó tốt hơn.

GS.TS Phan Văn Tân, khoa khí tượng thủy văn và hải dương học Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng “bản tin chính xác cỡ nào mà người tiếp nhận không hiểu cũng bằng không”. Do vậy, việc cần làm ngay của Bộ Tài nguyên - môi trường là nâng cao nhận thức cộng đồng về thời tiết, khí hậu. Đồng thời trong bản tin dự báo không nên chú trọng các thuật ngữ chuyên môn mà có thể diễn giải mang tính đại chúng để mọi người hiểu được.

Theo ông Võ Văn Hòa - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hiện nay ngành khí tượng thủy văn đang hợp tác với Viettel sử dụng hệ thống hơn 30.000 trạm phát sóng để quan trắc và truyền tin. Như vậy dự báo sẽ vươn ra được cả Trường Sa và Hoàng Sa; ứng dụng công nghệ của điện thoại thông minh để đưa bản tin đến người sử dụng, đưa thông tin lên web để mọi người có thể truy cập chứ không dùng trong mạng nội bộ.

Ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí tượng - khí hậu, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường, cho biết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời gian gần đây lượng mưa tăng đáng kể ở khu vực miền Trung nhưng giảm nhẹ ở miền Bắc. Bên cạnh đó lũ quét cũng tăng lên, giai đoạn 2001-2003 có 182 trận lũ quét (nhiều hơn 10 năm trước đó 81 trận và nhiều hơn giai đoạn 1981-1990 là 174 trận). Vì vậy, cần tăng cường hệ thống quan trắc đủ dày, có công nghệ hiện đại để dự báo, cảnh báo. Ngoài công nghệ cần đội ngũ chuyên môn có trình độ cao...

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên