26/08/2018 10:08 GMT+7

Bản quyền truyền hình Asiad 2018: Mua hay không tùy nhà đài

ĐẶNG TUÂN - BẢO NGỌC
ĐẶNG TUÂN - BẢO NGỌC

TTO - Có phải VTV phải có trách nhiệm mua bản quyền các giải đấu có màu cờ sắc áo Việt Nam này để phục vụ người dân?

Bản quyền truyền hình Asiad 2018: Mua hay không tùy nhà đài - Ảnh 1.

Người dân xem thi đấu giải thể thao ASIAD 2018 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sự "ra tay" của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) giúp người dân mãn nhãn với giải thể thao Asiad 2018, gỡ thế bí cho VTV - vốn được coi là có trách nhiệm phải mua bản quyền truyền hình. 

Sự việc đặt ra câu hỏi: có phải VTV phải có trách nhiệm mua bản quyền các giải đấu có màu cờ sắc áo Việt Nam này để phục vụ người dân?

* Lãnh đạo Vụ Pháp chế Bộ TT-TT:

VTV được tự quyết định

Nghị định 02/2018/ND-CP xác định: VTV là cơ quan thuộc Chính phủ, là đài truyền hình quốc gia thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; góp phần giáo dục nâng cao dân trí, phục vụ đời sống của nhân dân.

Khoản 9 điều 2 của nghị định xác định VTV phải tự thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Do đó, VTV phải cân đối hài hòa giữa các vai trò đem thông tin phục vụ nhân dân nhưng cũng phải thực hiện bài toán kinh tế để đảm bảo hoạt động của VTV. 

Hiện nay, theo các quy định của pháp luật về báo chí, mới chỉ đặt ra nhiệm vụ cho VTV phải đảm bảo thực hiện thông tin cho các nhiệm vụ chính trị tuyên truyền cần thiết trên kênh VTV1 và một số nội dung thông tin quan trọng thông qua cơ chế dịch vụ sự nghiệp công và ngân sách nhà nước tài trợ đặt hàng.

Như vậy, đối với việc mua bản quyền truyền hình các chương trình thể thao lớn có đoàn thể thao Việt Nam tham dự như SEA Games, Asiad, Olympic thì việc quyết định có mua hay không hoàn toàn do VTV tự quyết. 

Cơ quan quản lý nhà nước như Bộ TT-TT chỉ có thể khuyến nghị, mà không có cơ chế áp đặt về hành chính.

* Ông TRẦN ĐĂNG TUẤN (nguyên phó tổng giám đốc VTV):

Uy tín phụ thuộc đáp ứng nhu cầu của công chúng

Bất cứ bản quyền đại hội, giải thể thao quốc tế lớn nào cũng là cơ hội cho các công ty kinh doanh bản quyền. Vì vậy, đó là cuộc đấu trí không phải với nhà tổ chức, với nước chủ nhà, mà với dân "con buôn" quốc tế. 

Để không bị thiệt thòi, các đài truyền hình tại Việt Nam cần có đội ngũ kinh doanh bản quyền và quảng cáo thật chuyên nghiệp, quản trị thật tốt.

Tôi không có thông tin về quá trình thương thuyết bản quyền của VTV nên không thể nhận định là VTV hay, dở. 

Hoàn toàn có khả năng VTV không thể đáp ứng giá cả quá cao do công ty kinh doanh bản quyền Asiad 2018 đòi hỏi. 

Tuy nhiên, việc VTV không tiếp tục theo đuổi việc mua bản quyền ngay cả khi Asiad đã bắt đầu là một sai lầm. 

Vì đó lại là lúc đối tác bán bản quyền đã hết thế mạnh áp đặt. VOV, ngược lại, đã quyết định theo đuổi việc này dựa trên đòi hỏi của xã hội.

Việc nhiều đài truyền hình lớn và các đơn vị kinh doanh bản quyền quan tâm, có chiến thuật riêng với việc mua bản quyền trước đây làm phức tạp việc thương thuyết, tạo điều kiện cho đối tác bán bản quyền áp giá cao. 

VTV thời gian qua gần như được "ủy quyền" là đầu mối thương thuyết chính để tránh nguy cơ này. Nhưng với việc VOV mua bản quyền Asiad 18 cho thấy cạnh tranh cũng là động lực tốt để giải quyết vấn đề.

Các đài không nhất thiết mua gói đắt nhất nếu gặp khó khăn về giá cả. Uy tín của một cơ quan truyền thông lớn phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc đáp ứng những nhu cầu về văn hóa, giải trí của số đông nhân dân. 

Không nên xếp nó vào loại nhiệm vụ hạng hai. Làm như thế sẽ phải trả giá rất đắt về uy tín thương hiệu.

* Đại diện Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab):

Mua bằng mọi giá tạo tiền lệ xấu

Từ trước tới nay, mọi người có thói quen VTV mua bản quyền các chương trình truyền hình và các đài khác chỉ tiếp nhận lại sóng. 

Đã có hàng trăm, hàng nghìn chương trình thể thao bản quyền đắt đỏ VTV vẫn mua và phát sóng miễn phí, vì vậy mọi người coi đó như là trách nhiệm liên quan.

Theo quy định, chỉ có kênh thiết yếu VTV1 - kênh chính luận xã hội - bắt buộc VTV phải đưa theo định hướng của Đảng và Nhà nước, còn các kênh phát chương trình thể thao, giải trí, văn hóa thì VTV chủ động thực hiện chương trình để phục vụ người dân. 

VTV có thể mua được bản quyền Asiad 2018, vấn đề là các đơn vị kinh doanh bản quyền nước ngoài thông đồng với nhau, trước thì Dentsu (Nhật Bản) sở hữu bản quyền chuẩn bị ký với VTV, giá bản quyền khoảng vài trăm nghìn USD, nhưng đùng một cái KJSMWORLD CORP nhảy vào ôm lại bản quyền Asiad 2018 và đẩy giá lên 4-5 triệu USD. 

Nếu VTV thuận theo yêu cầu của đối tác nước ngoài, ép mua bằng mọi giá sẽ thành tiền lệ năm sau cao hơn năm trước, không kiểm soát được.

Trong khi trên thực tế rất khó tăng phí truyền hình trả tiền khi mua bản quyền các chương trình thể thao với giá đắt đỏ. 

VTVcap đã tính đến khả năng này, nhưng thực tế người dân không dễ chấp nhận trả thêm tiền để xem một chương trình bản quyền vỏn vẹn trong 1 tháng, có thể chỉ một nhóm nhỏ chấp nhận trả thêm tiền. 

Và thu sẽ không đủ bù chi, ví dụ World Cup 2018 chẳng hạn, diễn ra chỉ 1 tháng, không dễ để thu lại cả chục triệu USD bản quyền.

* Ông LÊ ĐÌNH CƯỜNG (tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam - VNPayTV):

Phải cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội

Giá bản quyền truyền hình thể thao ngày càng tăng gây khó khăn cho các đài truyền hình tại Việt Nam, trong đó có cả truyền hình quảng bá và truyền hình trả tiền. Vì phải mua qua bên thứ hai, thậm chí bên thứ ba nên giá bản quyền bị đội lên rất nhiều. 

Trong điều kiện Việt Nam khó khăn, phương án các đài liên kết lại để mua, cử một đầu mối đàm phán từ sớm vẫn là cách tốt để không bị ép giá, cạnh tranh lẫn nhau.

Truyền hình của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, lại phải cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội nữa nên càng khó để sở hữu bản quyền thể thao lớn. Trước đó, VNPayTV đã dự định thành lập ban đàm phán mua bản quyền EPL 2019-2022 (Giải ngoại hạng Anh) tại Việt Nam do K+ dẫn đầu, với sự tham dự của 9 đơn vị khác, nhưng mọi việc đã đổ bể vì Facebook hớt tay trên khi mua độc quyền.

Điều này cho thấy dù chúng ta có sự chuẩn bị sớm, có liên kết, nhưng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay thì các đài sẽ bị tổn hại lớn vì mạng xã hội.

Kiến nghị không cho Facebook phát sóng EPL 2019-2022 tại Việt Nam

Ngày 7-8, VNPayTV có văn bản gửi Bộ TT-TT kiến nghị việc Facebook đã mua độc quyền EPL (Giải ngoại hạng Anh) trong ba mùa 2019-2022 ở Việt Nam.

Tại văn bản này, VNPayTV kiến nghị Bộ TT-TT không cấp phép cho Facebook phát sóng giải đấu ở Việt Nam.

Văn bản của VNPayTV cho biết: Một số đơn vị nước ngoài ứng dụng công nghệ cung cấp dịch vụ OTT có tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ đang có chiến lược cạnh tranh theo hướng độc quyền, thâu tóm một số giải bóng đá đỉnh cao thế giới.

Các giải bóng đá này đang là mặt hàng ưa chuộng tại Việt Nam và sẽ giúp các đơn vị này thu hút thuê bao trong nước sử dụng dịch vụ OTT của họ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà cung cấp PayTV trong nước.

Vì thế, VNPayTV kiến nghị Bộ TT-TT cần có chính sách bảo trợ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng, công bằng của các đơn vị kinh doanh PayTV tại Việt Nam qua việc áp dụng các công cụ quản lý nhà nước. Cụ thể, VNPayTV kiến nghị Bộ TT-TT:

1 Chống các hành vi vi phạm Luật cạnh tranh trong hoạt động dịch vụ OTT, PayTV trên cả nước. Xem xét ngăn chặn các hoạt động cung cấp dịch vụ theo cơ chế độc quyền của các đơn vị nước ngoài.

2 Tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam như: Netflix, Iflix, Amazon.

Đặc biệt không cấp phép cho Facebook phát sóng EPL tại Việt Nam mà không đảm bảo yêu cầu về Luật cạnh tranh, yêu cầu về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch nội dung, Việt hóa bởi một cơ quan báo chí được chỉ định.

Phải có các chương trình bình luận tiếng Việt đi kèm theo quy định của Luật báo chí nhằm đảm bảo yêu cầu an ninh thông tin và công bằng với các đơn vị truyền hình, viễn thông trong nước đã có nhiều đóng góp cho lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam nhiều năm qua. (KHƯƠNG XUÂN)

ĐẶNG TUÂN - BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên