21/08/2018 09:48 GMT+7

Bản quyền truyền hình Asiad 18: Tính già hóa non

KHƯƠNG XUÂN - HOÀI DƯ
KHƯƠNG XUÂN - HOÀI DƯ

TTO - Bản quyền Asiad 18 tại VN được Công ty Dentsu (Nhật Bản) rao bán với giá chỉ khoảng 500.000 USD trước tháng 10-2017. Khi chưa có đài truyền hình nào tại VN mua thì bản quyền vào tay KJSMWORLD CORP (Hàn Quốc) và giá lên tới 3 triệu USD.

Bản quyền truyền hình Asiad 18: Tính già hóa non - Ảnh 1.

Người hâm mộ đội mưa ngồi xem trận đấu bóng đá giữa Việt Nam và Nhật Bản vào chiều 19-8 phát từ trang web không chính thức, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM - Ảnh: N.HIỂN

Việc các đài truyền hình tại VN không mua bản quyền Asiad 18 vì mức giá 3 triệu USD, theo một số chuyên gia, là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, để "nước đến chân mới nhảy" rồi bị ép giá là chuyện cần phải bàn.

Đoàn thể thao VN tham dự Asiad 18 chịu thiệt khi hình ảnh thi đấu của VĐV không đến được với người dân trong nước vì không có bản quyền truyền hình.

Ông Trần Đức Phấn (trưởng đoàn thể thao VN tại Asiad 18)

Giá tăng gấp 6 lần...

Hội đồng Olympic châu Á (OCA) là đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình các đại hội thể thao châu Á như Asiad. Trong hai kỳ Asiad 2010, 2014 OCA ký hợp đồng thuê Công ty Dentsu là đơn vị phân phối bản quyền truyền hình.

Tại Asiad 18, OCA tiếp tục giao cho Dentsu là đơn vị đứng ra bán bản quyền truyền hình và trong năm 2017 Dentsu đã tiếp xúc với các đài truyền hình tại VN để chào hàng nhưng không đơn vị nào mua. Theo thông tin của Tuổi Trẻ, giá bản quyền truyền hình Asiad 18 thời điểm năm 2017 chỉ khoảng 500.000 USD.

Tháng 10-2017, ban tổ chức Asiad 18 của nước chủ nhà Indonesia ký hợp đồng với OCA để mua toàn bộ quyền bản quyền truyền hình Asiad 18 với giá 40 triệu USD. Sau đó, bản quyền đã được giao cho KJSMWORLD CORP và giá bị đẩy lên 3 triệu USD cho gói độc quyền. Đến ngày 21-8, KJSMWORLD CORP vẫn chào giá 1,7 triệu USD.

Trong khi đó, nhiều hãng có những lý do riêng về việc không mua bản quyền Asiad 18. Theo ông Lê Chí Công, tổng giám đốc K+, đơn vị này không mua bản quyền truyền hình Asiad vì K+ là truyền hình trả tiền. Nếu mua mà sau đó phải chia sẻ với các đơn vị khác thì công cốc. Nếu K+ giữ độc quyền ở những đại hội có các đội tuyển quốc gia tham dự thì dư luận sẽ lại nói độc quyền nên rất khó...

Bản quyền truyền hình Asiad 18: Tính già hóa non - Ảnh 3.

Người dân xem trận Olympic VN - Nhật Bản chiều 19-8 trên phố Lê Trọng Tấn, Hà Nộ - iẢnh: Việt Linh

Mua sớm để tránh bị ép giá

Trước việc VN không thể có bản quyền giải Asiad 18 đang diễn ra, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-8, ông Lê Đình Cường - tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN (VNPayTV) - cho rằng các đài truyền hình tại VN cần liên kết và có kế hoạch sớm để mua bản quyền truyền hình các đại hội như Asiad. 

Ông Cường tiết lộ mới đây VNPayTV cũng có gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT) về việc can thiệp trong việc mua bản quyền truyền hình Giải ngoại hạng Anh ba mùa 2019 - 2022, tránh tình trạng tăng giá, độc quyền. VNPayTV sẽ thành lập một ban đàm phán bản quyền giải đấu do K+ đứng đầu cùng 9 đơn vị khác để đứng ra mua bản quyền rồi cùng nhau chia sẻ. Đây là kinh nghiệm đã được rút ra sau gần 10 năm "lên bờ xuống ruộng" với bản quyền truyền hình Giải ngoại hạng Anh.

Nhà báo Trương Anh Ngọc (TTXVN), người có nhiều thời gian sinh sống và làm việc tại châu Âu, cho rằng VN không mua được bản quyền truyền hình Asiad 18 là điều vô cùng đáng tiếc khi tuyển VN tranh tài ở tầm châu lục. 

Các đại hội thể thao lớn quốc tế từ Asiad, SEA Games hay World Cup... đều có lịch trình diễn ra, địa điểm tổ chức trước đó ít nhất là 2-4 năm. Đài truyền hình các nước phát triển thường có kế hoạch và mua bản quyền truyền hình các giải đấu lớn trước khi nó diễn ra từ 1-2 năm, nên không quá lo bị ép giá.

Vì vậy, ông Anh Ngọc cho rằng người dân chỉ trích VTV vì sao để sát nút mới mua được bản quyền World Cup và giờ không mua được bản quyền Asiad là có lý. Ông Anh Ngọc cho rằng VTV cũng như các đài truyền hình khác tại VN cần phải tính toán lại, nếu một đơn vị không mua được thì phải mua cùng nhau rồi chia sẻ. Hoặc nếu không cũng có thể kết hợp với một doanh nghiệp lớn nào đó để cùng san sẻ gánh nặng và quyền lợi.

Bên cạnh đó, ông Lê Đình Cường cho rằng mục đích của Asiad là phát triển phong trào thể thao châu Á. Vậy mà những hình ảnh của đại hội không đến được với dân chúng các quốc gia trong khu vực.

"Tôi cho rằng Bộ VH-TT&DL, Bộ TT-TT, Ủy ban Olympic VN phải có phản hồi với OCA về tình trạng bản quyền truyền hình Asiad không đến được với người dân VN... OCA cần có ràng buộc với đối tác của mình để sau khi họ mua bản quyền thì phải bán và phát sóng ở các quốc gia... Không thể có chuyện mua bản quyền xong thì ôm để đó như vậy được" - ông Lê Đình Cường nói.

Bản quyền truyền hình Asiad 18: Tính già hóa non - Ảnh 4.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Sẽ có bản quyền Asiad 18 trong hôm nay

Đêm 20-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một đài truyền hình kỹ thuật số tại VN xác nhận dự kiến hôm nay (21-8) đơn vị này sẽ ký hợp đồng với KJSMWORLD CORP để sở hữu bản quyền Asiad 18 tại VN. Vị này chia sẻ: "Chúng tôi đang nỗ lực hết sức... Giá cả là vấn đề lớn nhưng chúng tôi đang huy động nguồn lực từ các đối tác để có thể ký hợp đồng trong ngày 21-8".

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, cho đến ngày 20-8, KJSMWORLD CORP vẫn chào hàng gói bản quyền Asiad 18 lên tới 1,7 triệu USD. Liên quan thông tin này, 21h tối qua, lãnh đạo một tập đoàn lớn đã xác nhận với Tuổi Trẻ việc hỗ trợ tài chính cho hợp đồng bản quyền Asiad tại VN.

Như vậy, trận đấu của đội tuyển Olympic VN - Olympic Bahrain tại vòng 1/8 Asiad diễn ra lúc 19h30 ngày 23-8 nhiều khả năng người hâm mộ sẽ được xem trên truyền hình chính thức chứ không phải xem "lậu" nữa.

Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo VTV, VTVcab, K+ cho biết họ không mua bản quyền truyền hình Asiad.K.Xuân

Luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM):

Công chúng không có lỗi

Để khẳng định xoilac.tv và một số kênh khác có đang phát "lậu" hay không, cần có xác minh, kết luận chính thức của cơ quan thẩm quyền. Nếu truyền sóng "lậu", chưa rõ là trực tiếp hay gián tiếp (tái phát sóng) đã có dấu hiệu vi phạm Công ước Brussels liên quan đến việc phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh. Trong khi đó, VN là thành viên của công ước này từ năm 2006.

Nguyên tắc là dù trang web đăng ký ở đâu mà có hướng đến người tiêu dùng VN thì nếu có hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, vẫn được xem là hành vi vi phạm xảy ra trên lãnh thổ VN. Các kênh này có thể bị cơ quan chức năng xử lý hành chính hoặc thậm chí xử lý hình sự. Ở góc độ pháp luật, người xem không vi phạm gì. Tuy nhiên ở góc độ khác, công chúng mở xem công khai cũng đang tiếp tay cho vi phạm.

ÁI NHÂN

Bản quyền ASIAD 2018: Nhà đài bảo xa xỉ, khán giả nói nên mua Bản quyền ASIAD 2018: Nhà đài bảo xa xỉ, khán giả nói nên mua

TTO - Asiad 18 đã khai mạc tại Indonesia tối 18-8, sau nhiều năm đây là lần đầu tiên VN không có bản quyền truyền hình sự kiện này. Trong khi nhiều người xem bức xúc thì các đài truyền hình cho rằng việc không mua bản quyền Asiad 18 là sáng suốt.

KHƯƠNG XUÂN - HOÀI DƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên