Các nghệ sĩ nhiếp ảnh trò chuyện tại buổi tọa đàm - Ảnh: Đức Triết |
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Định - chánh văn phòng Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã thẳng thắn gọi đấy là “vấn nạn, vấn đề bức xúc, hàng ngày nghệ sĩ phải đối đầu”.
Nỗi niềm nạn nhân
Là “nạn nhân” của vấn nạn này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Tạ Quang Bảo kể câu chuyện anh ngẫu nhiên phát hiện ra hơn 100 tác phẩm của mình được treo từ tầng một đến tầng sáu ở một khách sạn năm sao tại Hà Nội mà không xin phép.
Khép lại sự bức xúc khi bị xâm phạm bản quyền này là cuộc ngã giá tác giả nhận tiền nhuận ảnh 300.000/tác phẩm- “nếu ra giá cao thì họ nói sẽ coi như mua phải hàng giả và tiêu hủy toàn bộ số ảnh”- nghệ sĩ Quang Bảo ngậm ngùi nói.
Tác phẩm của Tạ Quang Bảo tại Viet Nam photo fair |
Đồng cảm với nỗi niềm tác phẩm bị “đánh cắp” ấy, họa sĩ Bùi Hoài Mai khiến mọi người bấm bụng cười khi anh nhớ lại lần đi chơi phố cổ và phát hiện ra tranh của mình được chép lại và bán ở một cửa hàng.
“Khi tôi hỏi, người bán hàng dõng dạc giới thiệu đấy là tác phẩm của một nữ họa sĩ tên Mai - người nổi tiếng ở giới hội họa Đông Dương (?). Tôi không có được tinh thần như AQ nhưng lúc đó tôi...không cáu!”- Họa sĩ Bùi Hoài Mai kể.
Bên cạnh đó, nhiếp ảnh gia Nam Long - người dẫn dắt tọa đàm - còn băn khoăn về thực trạng xuất hiện nhiều tấm ảnh na ná nhau. “Liệu rằng ở đây có câu chuyện ăn cắp ý tưởng - một cách ăn trộm bản quyền tinh vi, khó phân biệt trắng, đen?” - nhiếp ảnh gia Nam Long đặt câu hỏi.
Xử lý tác phẩm photoshop: Không thể nóng vội
Có hai luồng ý kiến được đưa ra trước câu hỏi: người nghệ sĩ cần ứng xử như thế nào với chuyện thường ngày này?
Đấy là, ông Hồng Định khẳng định rằng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam kiên quyết nói không với vấn nạn vi phạm bản quyền. Cụ thể là năm 2015, hội đã khai trừ một hội viên khi phát hiện hội viên này vi phạm bản quyền.
Mới đây, hội nghiêm khắc xử lý vụ việc một hội viên dùng những tác phẩm của tác giả Hồ Sỹ Sô chụp Chủ tịch Cu Ba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị (1973) để viết sách.
Với nghệ sĩ nhiếp ảnh Tạ Quảng Bảo thì nghệ sĩ phải tự mình bảo vệ lấy mình bằng cách đính logo, mã số hóa, ghi tên tác giả và chốt số lượng in cho mỗi tác phẩm. “Nhưng sểnh ra là tác phẩm sẽ bị sao chép. Thế nên, để “ăn chắc”, lâu nay tôi tự tay hoàn thiện tác phẩm của mình từ A- Z như tự đem đi in, tự làm khung, tự cắt bo. Đấy là với tác phẩm in thôi chứ tác phẩm được đăng tải trên internet thì dù có đính logo, hạ dung lượng ảnh nhỏ nhưng vẫn bị đánh cắp. Những trường hợp như thế tôi đành phải chấp nhận cho nhẹ chuyện đi.”- ông Bảo chia sẻ.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Vũ Hiếu đã đặt câu hỏi thẳng thắn về việc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam không có phản ứng mạnh mẽ trước thực trạng nhiều tác phẩm photoshop liệu có là động thái cổ súy cho trào lưu cắt ghép ảnh cũng như các cuộc thi ảnh của hội thường có chủ đề giống nhau, ban giám khảo giống nhau thì ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của nhiếp ảnh?
“Quan điểm của hội là không thể nóng vội trước chuyện này. Thực tế thì không thể loại bỏ photoshop song sẽ có hướng giải quyết là cần phân định rõ: ảnh nghệ thuật thực sự và ảnh tự do sáng tạo. Cuối năm nay khi ban chấp hành Hội họp sẽ quan tâm, biểu quyết đến những vấn đề đó” - ông Hồng Định nói.
Hội chợ nhiếp ảnh Việt Nam 2016 (Viet Nam photo fair 2016) đang diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ đến ngày 14-8. Hơn 100 tác phẩm của 12 tác giả chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp được bày bán tại đây như Hoàng Thế Nhiệm, Tạ Quang Bảo, Lê Việt Khánh, Nguyễn Đức Kỳ, Lê Bích, Trịnh Vũ Hiếu, Mai Huy Dũng... Giá của mỗi tác phẩm được gián công khai, giao động từ 100-80USD. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận