07/11/2014 10:01 GMT+7

Phong tướng quá nhiều

V.V.THÀNH - V.SỰ
V.V.THÀNH - V.SỰ

TT -  Nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận nhiều nhất ngày 27-11 là việc “phong tướng nhiều quá”!

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đòi hỏi luật có quy định phong thăng cấp thì phải quy định việc giáng cấp - Ảnh: V.Dũng
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đòi hỏi luật có quy định phong thăng cấp thì phải quy định việc giáng cấp - Ảnh: V.Dũng

Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm qua 6-11 để thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và dự thảo Luật công an nhân dân (sửa đổi), trước khi thông qua các dự án luật này vào ngày 27-11.

Nhu cầu tác chiến hay nhu cầu chính sách?

Trong phiên làm việc sáng về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) băn khoăn khi sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam chỉ có 36 tướng quân đội nhưng nay đã tăng hơn 10 lần.

“Phong tướng nhiều là do nhu cầu tác chiến hay chỉ giải quyết nhu cầu chính sách?” - ông Thuyền hỏi. Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, ngày xưa nghe thiếu tướng là ghê gớm lắm, giờ thì thấy bình thường, phong nhiều chưa chắc dân đã đồng tình.

Đến phiên làm việc chiều về dự thảo Luật công an nhân dân (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) nói: “Tướng của dân, mà dân hiện nay không muốn có quá nhiều tướng”.

Đại tướng Phùng Quang Thanh - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết hiện nay trong quân đội có 489 sĩ quan cấp tướng, có một số ý kiến trong nhân dân cho cấp tướng như vậy là nhiều và “lần này sửa luật là cơ hội để rà soát lại, bố trí hợp lý hơn”.

Trần quân hàm cấp tướng làm nhiều đại biểu băn khoăn nhất là của chính ủy và tư lệnh Bộ tư lệnh  TP.HCM và Hà Nội, khi dự luật đề nghị mức quân hàm trung tướng.

Đối với trần quân hàm trong học viện, nhà trường quốc phòng, nhiều đại biểu đề nghị không nên có mức trần quá cao, như lời của đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai), cái cần nhất trong môi trường giáo dục là học hàm chứ không phải quân hàm.

Đại tướng Phùng Quang Thanh giải thích: trường quân sự là nơi đào tạo, nghiên cứu khoa học quân sự cho toàn quân, mức trần trung tướng của lãnh đạo nhiều trường đã có từ rất lâu. Bây giờ “nếu hạ quân hàm xuống thì anh em sẽ tâm tư”.

Về dự thảo Luật công an nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc thêm một quân hàm đại tướng trong lực lượng công an nhân dân (ngoài quân hàm đại tướng với bộ trưởng) cho thứ trưởng thường trực Bộ Công an.

“Nguyên tắc là cấp hàm cấp tướng của cấp phó phải thấp hơn cấp trưởng một bậc” - ông Nguyễn Kim Khoa nói.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị trần cấp bậc hàm của giám đốc công an hai TP Hà Nội và TP.HCM là trung tướng, trưởng công an quận là đại tá. Giám đốc công an các tỉnh, thành còn lại có trần cấp bậc hàm là đại tá.

Có “phong” thì phải có “giáng”

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng các cục, vụ, viện, nhà trường và công an các tỉnh, thành có địa vị pháp lý như nhau, cho nên về nguyên tắc cấp hàm như nhau, đối với đơn vị đặc biệt thì phải có sự khác biệt rõ ràng.

“Đã là cục thì như nhau, làm gì có chuyện cục này quan trọng hơn cục kia, cục trưởng này giữ cấp bậc hàm cao hơn các cục trưởng khác như dự thảo luật quy định” - ông Nam nói.

Theo đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên), Luật công an nhân dân năm 2005 quy định giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cục trưởng, vụ trưởng có quân hàm là thượng tá, đại tá, đồng thời giám đốc Công an TP Hà Nội, TP.HCM, tư lệnh cảnh vệ là đại tá, thiếu tướng.

Nhìn lại thực tế tại thời điểm này, đa số thủ trưởng các cục, vụ, giám đốc công an các tỉnh đều có quân hàm thiếu tướng.

Luật năm 2005 cũng quy định sĩ quan giữ chức vụ cơ bản ở đơn vị được giao nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt hoặc địa bàn có vị trí trọng yếu về an ninh, trật tự thì cấp bậc hàm cao nhất có thể cao hơn một bậc so với cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ tương ứng.

Như vậy, luật năm 2005 quy định là “có thể” cao hơn một bậc chứ không “bắt buộc” cao hơn một bậc.

Với thực tế như nêu trên, dù giải thích theo cách nào trong cử tri không tránh khỏi thắc mắc chẳng lẽ một nước mà nhiều địa bàn trọng yếu, nhiều nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt như vậy sao?

Đại biểu Lê Nam cho rằng dự thảo luật quy định về phong thăng quân hàm thì phải có quy định việc giáng chức.

“Nơi anh quản lý liên tục diễn ra tình trạng tội phạm hoành hành, chẳng lẽ người đứng đầu không bị xem xét trách nhiệm gì cả? Ví dụ như trên tuyến biên giới Việt - Trung hàng lậu về như vậy thì công an địa phương có chịu trách nhiệm gì không?” - ông Nam nói.

V.V.THÀNH - V.SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên