10/01/2017 14:17 GMT+7

Để sông Hàn Đà Nẵng không thua sông Hán của Hàn Quốc

TẤN LỰC
TẤN LỰC

TTO - Buổi tọa đàm “Giải pháp quy hoạch cảnh quan sông Hàn - Đà Nẵng” do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Novaland diễn ra tại văn phòng báo Tuổi Trẻ miền Trung sáng 10-1.

Toàn cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: TẤN LỰC

Theo ông Đỗ Văn Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - sông Hàn là tài sản thiên nhiên vô giá của Đà Nẵng, việc quy hoạch phát triển sao cho khỏi phí phạm là mong mỏi chung của người dân. Vì thế, những thông tin hữu ích về phát triển hạ tầng đô thị từ cuộc tọa đàm sẽ được tập hợp gửi đến nhà quản lý thông qua báo Tuổi Trẻ

“Nên thu hồi đất các dự án chưa đầu tư”

Thực trạng hiện tại của sông Hàn, theo các chuyên gia, vẫn còn thiếu sự hài hòa, hiện đại, chưa khai thác hiệu quả phát triển du lịch.

Mỗi buổi tối chỉ lẻ loi vài chiếc tàu cũ kỹ chở vài mươi du khách ăn uống, ngắm cảnh dọc sông rồi tắt đèn nằm bờ, sông Hàn lại chìm trong yên tĩnh. Và ý tưởng về một sông Hàn sáng đèn nhiều năm vẫn chưa thành hiện thực.

KTS Hoàng Quang Huy - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng - cho biết sông Hàn là sự ưu ái của thiên nhiên dành cho Đà Nẵng. Nhiều chuyên gia cho rằng Đà Nẵng có thể trở thành đô thị tiêu biểu của châu Á, ngang tầm Singapore.

Muốn được vậy, TP cần rà soát các quy hoạch dọc sông Hàn và dọc biển, vịnh. Thu hồi đất các dự án chưa đầu tư tại khu vực này dành cho phát triển du lịch và xem xét nghiêm túc cho đợt điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới.

“Nếu muốn điều chỉnh quy hoạch, TP cần tổ chức một cuộc rà soát lại toàn bộ hiện trạng dọc sông Hàn, dọc biển và vịnh Đà Nẵng. Trước đây muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển nên TP vội vàng giao đất cho nhà đầu tư dọc biển, sông.

Nay còn nhiều dự án chưa đầu tư, kiến nghị nên thu hồi lại để phát triển du lịch dịch vụ đúng tầm cỡ. Ngoài ra, phải mở rộng TP dọc sông Tứ Câu, Cẩm Lệ, Túy Loan bởi đây là khu vực còn quỹ đất lớn.

Việc xây dựng hai bên sông Hàn, theo tôi, cần hạn chế chỉ tiêu xây dựng và tầm cao công trình, tránh che chắn tầm nhìn. Một điều nữa là không nên chia lô nhỏ khu vực sông, biển bởi sẽ gây tình trạng phát triển manh mún, chắp vá” - KTS Huy nói.

KTS Hoàng Quang Huy chia sẻ quan điểm quy hoạch cảnh quan sông Hàn - Ảnh: TẤN LỰC

Ông Bùi Huy Trí - trưởng Phòng quản lý quy hoạch, Sở Xây dựng Đà Nẵng - cho biết mong muốn của ngành là hai bờ sông Hàn phải có không gian thoáng rộng, có công viên ven sông. Nhưng nhiều dự án ven sông đang triển khai chiếm gần hết không gian.

Các phương án quy hoạch sông Hàn trong cuộc thi vừa rồi thể hiện không gian giới hạn rất bó hẹp, các đề xuất thiếu táo bạo. Tuy nhiên, giải pháp thu hồi đất của nhà đầu tư để mở rộng không gian là bất khả thi. Hiện chỉ có thể giữ lại đất khu vực thượng nguồn sông Hàn thuộc Cẩm Lệ, Túy Loan.

“Dù không vui tí nào nhưng ta phải chấp nhận thực trạng như thế để tìm ra giải pháp.Tôi cho rằng sau cuộc thi vừa rồi Đà Nẵng cần rút tỉa thêm kinh nghiệm các đề xuất hay nhất” - ông Trí nói.

Ông Nguyễn Quang Vinh - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường - cho biết Đà Nẵng chịu nhiều áp lực về tái định cư và đầu tư phát triển. Dự án nay đã giao cho nhà đầu tư thì việc thu hồi không đơn giản, không có cơ sở thu hồi.

Do vậy cần đặt ra công cụ quản lý để đảm bảo nhà đầu tư tuân theo định hướng. Hiện không gian cây xanh và công trình phúc lợi hai bờ sông còn thiếu rất nhiều nên nhà đầu tư phải chia sẻ với chính quyền chứ không chỉ tập trung mục tiêu lợi nhuận.

Ông Bùi Huy Trí (giữa) nói nhiều dự án xây dựng chiếm hết không gian sông Hàn - Ảnh: TẤN LỰC

Cần mở rộng dòng sông, tạo tuyến du lịch trên sông

KTS Tô Văn Hùng - trưởng Ban đô thị HĐND TP - cho biết quy hoạch chung TP Đà Nẵng đã điều chỉnh nhiều lần nhưng đến nay một bản quy hoạch chi tiết riêng cho sông Hàn chưa có. Mục tiêu khai thác sông Hàn phục vụ du lịch vẫn chưa xứng tầm.

Cần có nghiên cứu xác định ngưỡng khai thác du lịch mà sông Hàn có thể đáp ứng được, nếu khai thác quá sức chịu đựng thì sẽ gây ra hậu quả gì.

“Chúng ta nhắc tới sông Hàn từ cửa Thuận Phước tới cổ viện Chàm nhưng thực tế sông Hàn rất dài nên cần phải mở rộng ra chứ không chỉ tập trung khu vực trung tâm” - KTS Hùng cho biết.

Theo ông Trần Chí Cường - phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - tiềm năng du lịch đường sông của sông Hàn còn rất lớn. Việc quy hoạch sông Hàn không chỉ tập trung hai bên sông mà còn tính tới khớp nối không gian ven biển và đưa tuyến du lịch sông Hàn kéo dài đi qua các địa điểm du lịch, di tích nổi tiếng dọc sông.

Muốn như vậy phải chú trọng quy hoạch mặt nước và đầu tư các bến cho tàu du lịch neo đậu. Mở các tuyến du lịch đường sông kết nối với các điểm du lịch ven sông như Ngũ Hành Sơn, đình Túy Loan, làng Thái Lai…. Kết hợp phát triển du lịch cả dưới nước lẫn trên bờ.

Trong đó, việc phát triển du lịch trên sông Hàn không đặt nặng số lượng khách, tránh gây sức ép lên dòng sông mà thay vào đó tập trung vào phân khúc khách hàng cao hơn để nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo phát triển bền vững, hài hòa.

Ông Trần Chí Cường - phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC

Coi trọng các giá trị lịch sử - văn hóa, hạn chế chia lô bán nền

Ông Bùi Văn Tiếng - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng - nói toàn bộ câu chuyện sông Hàn chung quy chỉ có hai vấn đề là tầm nhìn và dòng chảy. Trước hết là tầm nhìn, nhiều KTS, nhà quy hoạch tầm nhìn chưa xa.

Trong tương lai nếu Đà Nẵng di dời cảng hàng hóa Tiên Sa lên Liên Chiểu thì cảng Tiên Sa cũ nên phát triển thành bến du thuyền thay vì làm trên sông Hàn. Nếu chỉ quy hoạch với tầm nhìn cuối  sông đầu biển thì chưa đảm bảo mà phải có tầm nhìn sâu, nhìn về quá khứ lẫn hiện tại.

Nhìn từ trên bờ nhìn ra sông, từ dưới sông nhìn lên bờ. Làm sao đi trên sông Hàn du khách có thể nhìn thấy diễn biến lịch sử của thành phố qua các thời kỳ. Muốn vậy cần hết sức chú ý vấn đề cản trở tầm nhìn, hạn chế các công trình cao tầng, các công trình che chắn, đồng thời hạn chế dòng chảy.

Ông Bùi Văn Tiếng, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử ĐN - Ảnh: TẤN LỰC

Chia sẻ về việc này, ông Rye Seung Joon - tổng giám đốc Nova Đà Nẵng, đại diện Novaland - cho biết tại Hàn Quốc cũng  có dòng sông Hán rất nổi tiếng, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia. Trong khi đó, sông Hàn của Đà Nẵng cũng rất đẹp và thơ mộng, có thể nói khá giống Hàn Quốc.

“Tại Hàn Quốc, mọi công trình thực hiện bên sông đều phải khống chế chiều cao, đảm bảo phù hợp cảnh quan và đáp ứng quy hoạch thì mới được phê duyệt. Mong rằng quy hoạch sông Hàn của Đà Nẵng sẽ tạo ra cảnh quan hai bên đẹp và thoáng hơn, thiết kế nhiều khu công cộng giúp người dân đến tụ tập vui chơi, thưởng ngoạn, để người dân các nước đến Việt Nam là nhắc đến sông Hàn” - ông Rye Seung Joon nói.

Ông Rye Seung Joon, tổng giám đốc tổng giám đốc Nova Đà Nẵng, đại diện Novaland - Ảnh: TẤN LỰC

Ông Bùi Văn Kiên - giám đốc phát triển dự án Đất xanh miền Trung - cho rằng giá trị sông Hàn còn rất nhiều và phải mất nhiều công sức quy hoạch mới tạo ra diện mạo mới cho sông Hàn. Theo ông Kiên, các nhà đầu tư đã tạo ra những điểm đến không thể thiếu cho khách du lịch dọc sông Hàn như cầu tình yêu, cá chép hóa rồng…

Mục đích của nhà đầu tư là tạo ra sản phẩm tốt cho người dân và thành phố. Nhà đầu tư cũng không muốn can thiệp thô bạo xuống sông Hàn với ximăng, sắt thép. Không muốn phát triển ồ ạt, không đảm bảo thẩm mỹ mà hi vọng sông Hàn có những điểm đến đẹp để du khách thưởng ngoạn quang cảnh Đà Nẵng.

Theo ông Vinh, trong tương lai việc mở rộng dòng sông Hàn lên thượng nguồn sẽ phải hạn chế phân lô bán nền tràn lan bằng cách lập quy hoạch và kiên quyết làm theo quy hoạch.

“Quan điểm của lãnh đạo thành phố là hạn chế đến mức thấp nhất phân lô bán nền, chỉ cho phép những khu vực cần thiết về tái định cư” - ông Vinh nói.

TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên