Áo đấu của Quang Hải được nhiều CĐV chọn mua - Ảnh: NAM KHÁNH
Ở những năm trước, CLB Hà Nội không có lượng CĐV đông đảo. Còn từ năm 2018 đến giờ, mọi thứ đã thay đổi đến chóng mặt. Số lượng người hâm mộ đến sân Hàng Đẫy theo dõi trận đấu và gia nhập hội CĐV chính thức của CLB Hà Nội ngày một tăng.
Giấc mơ xa hơn từ nguồn thu áo đấu
Và dĩ nhiên, áo đấu chính hãng của CLB cũng trở nên bán chạy hơn bao giờ hết dù nó không hề rẻ (699.000 đến hơn 800.000 đồng/áo). Lý do thì cũng chẳng cần giải thích.
Vì những cầu thủ xuất sắc của bóng đá VN hoặc là thần tượng mới của giới trẻ như Văn Quyết, Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu, Đức Huy, Hùng Dũng... đều khoác áo CLB này. Chưa kể trước khi V-League 2019 khởi tranh, CLB Hà Nội còn đưa về "thủ môn quốc dân" Bùi Tiến Dũng - tuyển thủ U-23 có một lượng CĐV riêng đông đảo khiến lượng CĐV càng thêm tăng.
Thực tế thì CLB Hà Nội chỉ mới tự tin đẩy mạnh việc bán áo đấu ở lượt về V-League 2018. Dù vậy, đội bóng thủ đô cũng bán được 1.000 áo chỉ trong vài tháng ngắn ngủi cuối mùa. Còn ở mùa giải năm nay, CLB Hà Nội đã bán được 500 áo dù chỉ mới bán ra từ đầu tháng 2.
Đó là chưa kể hàng trăm áo khác được bán ra ở các tỉnh phía Nam và cả nước ngoài qua đại lý con của mình. Trong đó, áo của Quang Hải, Văn Quyết được người hâm mộ đặt mua nhiều nhất.
Nói về câu chuyện này, một lãnh đạo CLB Hà Nội không giấu được niềm vui. Ông chia sẻ: "Rút kinh nghiệm với nhà tài trợ, chúng tôi đã yêu cầu sản xuất sớm để kịp bán ra cho người hâm mộ ở đầu mùa giải năm nay.
Mức giá 699.000 đồng/áo đấu thật ra cũng được chúng tôi thương thảo với nhà tài trợ Kappa để hỗ trợ cho nhiều CĐV có thể mua được. Vì giá một chiếc áo đấu chính hãng là 1,3 triệu đồng, quá cao so với thu nhập của đa số người hâm mộ.
Chúng tôi phân tích cho họ là nếu giảm giá xuống sẽ có nhiều người mua hơn, được quảng bá tốt hơn và họ đồng ý ngay lập tức".
Lãnh đạo CLB Hà Nội nhìn nhận kinh phí thu được từ việc bán áo đấu cũng chưa nhiều so với kinh phí đầu tư mà CLB bỏ ra. Nhưng nó rõ ràng là tín hiệu vui cho CLB để tiến hành những bước tiếp theo.
"Chúng tôi sau khi xây sân vận động mới sẽ làm chiến lược bài bản hơn nhằm thu hút người hâm mộ đến với các shop, quầy lưu niệm của CLB tại sân" - một lãnh đạo của CLB Hà Nội chia sẻ.
Vì sao các CLB khác bán áo đấu èo uột?
Ngoại trừ CLB Hà Nội, nhiều CLB khác rất khó khăn khi tìm kiếm thêm nguồn thu từ việc bán áo đấu. Ví dụ ở mùa 2018, Mizuno tài trợ cho hai CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và TP.HCM. Đây là hai đội bóng không tồi nếu xét về mặt quảng bá thương hiệu. HAGL thì khỏi nói, vì đội bóng này có quá nhiều cầu thủ được người hâm mộ yêu thích như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Toàn...
Còn CLB TP.HCM là nơi có nhiều CĐV "rủng rỉnh" tiền. Tuy nhiên, theo tiết lộ của ông Tống Đức Thuận - người đại diện phân phối thương hiệu tại VN, Mizuno chỉ bán được 100 - 200 áo/đội ở mùa 2018. "Bán số lượng như thế không có ý nghĩa gì trong việc kinh doanh" - ông nói.
Không khó giải thích tại sao Mizuno chỉ bán được ít áo như vậy bởi giá 500.000-600.000 đồng/áo vẫn là khá cao so với thu nhập của các CĐV vốn phần lớn là sinh viên học sinh của CLB HAGL.
Hơn nữa, các CĐV của HAGL cũng không có thói quen mua áo đấu chính thức của đội để đi cổ vũ mà chỉ mua áo CĐV đơn thuần giá hơn trăm ngàn đồng/áo. Còn với CLB TP.HCM, đội bóng này không có nhiều ngôi sao và lối chơi quá nhàm chán dưới thời của HLV Toshiya Miura (Nhật Bản). Kết quả là ở mùa 2019, Mizuno chỉ còn tài trợ cho CLB HAGL.
Nhưng ngay cả với các thương hiệu trong nước, giá rẻ, áo đấu chính hãng cũng không bán được vì chưa được các CLB quan tâm khai thác.
Anh Bùi Xuân Anh Khoa - đang làm việc cho Sport Việt Nam, nơi chuyên bán áo thi đấu của các CLB trong nước và quốc tế qua mạng - cho biết nhiều CĐV đặt câu hỏi "Tại sao kiếm một chỗ mua áo đấu của các CLB V-League rất khó?".
Ngay cả khi chính anh thử đóng vai người hâm mộ liên hệ hai CLB Sông Lam Nghệ An và Thanh Hóa để hỏi mua áo đấu chính hãng Mitre (Tập đoàn Động Lực) cũng đều không được phản hồi. "Đây là hai đội bóng có số lượng CĐV đông nhất nhì V-League. Tuy nhiên, họ lại không chịu nắm bắt cơ hội để kinh doanh áo đấu, để cho các CĐV của mình tự in ấn rồi bán áo đi cổ vũ".
Áo đấu của Công Phượng "cháy hàng" tại Hàn Quốc
Gia nhập CLB Incheon United theo bản hợp đồng cho mượn 1 năm từ Hoàng Anh Gia Lai, tiền đạo Nguyễn Công Phượng ngay lập tức cũng cho thấy sức hút của mình tại Hàn Quốc.
Cụ thể, tờ Goal cho biết đã có 211 áo đấu mang số 23 của Công Phượng được bán ra (chiếm hơn 80% lượng sản xuất) tính đến cuối tháng 2, dù chân sút 23 tuổi này chỉ mới sang Hàn Quốc chưa đầy nửa tháng. Đây là số lượng 260 áo đấu của Công Phượng được CLB Incheon sản xuất và tung ra trong đợt đầu tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận