![]() |
Vì sự nhầm lẫn của Chi cục Thuế quận 1 mà Công ty cổ phần thương mại Nguyễn Kim phải đăng quảng cáo trên báo nói lại với khách hàng, gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp này - Ảnh: Thuận Thắng |
Phó tổng giám đốc một công ty địa ốc tại TP.HCM bị nợ thuế oan nói những ngày qua DN đã phải làm rất nhiều việc để “chữa cháy” như công bố biên bản đối chiếu nợ thuế lên web, kèm theo thư xin lỗi của cơ quan thuế.
Nơi này cũng gửi thông cáo đến các cơ quan báo chí… để khẳng định mình không nợ thuế mặc dù biết thiệt hại là không tránh khỏi. Có những khách hàng đang quan tâm đến dự án, thậm chí sắp mua các căn hộ của DN này đột ngột đổi ý khi có thông tin DN nợ thuế.
Thiệt hại cho DN là khó đo lường, nhưng cách hành xử của cơ quan thuế những ngày qua ra sao?
Dù Cục Thuế TP.HCM đã đối chiếu xong nợ thuế và tập hợp danh sách DN bị nêu tên sai để đề nghị Tổng cục Thuế rút tên, nhưng danh sách hàng loạt DN không nợ thuế vẫn bị treo lơ lửng do Tổng cục Thuế còn chờ các địa phương gửi danh sách về mới tập hợp điều chỉnh một lần.
Giải thích với dư luận, cơ quan thuế cho là lỗi phần mềm.
Thế nhưng lời giải thích này khó được chấp nhận vì theo nguyên tắc, sau khi chạy xong số liệu, cơ quan thuế phải mời DN lên đối chiếu, DN xác nhận nợ thì cơ quan thuế mới tập hợp danh sách gửi cho Tổng cục Thuế, trong khi đằng này cơ quan thuế chỉ làm một nửa quy trình là căn cứ vào dữ liệu trên hệ thống để công bố DN nợ.
Như vậy là quá tắc trách, nhất là khi yêu cầu báo cáo Tổng cục Thuế đã nói rõ là để nêu tên các DN nợ thuế lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phân tích như vậy để thấy chuyện đổ lỗi cho máy móc là không thuyết phục, nhất là khi phần mềm này cũng được vận hành bởi con người.
Một phần mềm với tham vọng quản lý dữ liệu tập trung của cả ngành thuế như vậy hẳn là tốn không ít tiền nhưng vì sao không rà soát kiểm định chặt chẽ trước khi đưa vào áp dụng? Nếu đã biết phần mềm này không chính xác tại sao lại nghiệm thu, đưa vào sử dụng, ai là người chịu trách nhiệm?
Cơ quan thuế cũng không thể máy móc đến mức biết trước dữ liệu của mình sai, nhiều khoản nợ là nợ ảo nhưng không kiểm tra, đối chiếu cẩn thận với DN mà cứ vô tư công bố lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhiều năm nay cơ quan thuế luôn khẳng định là bạn đồng hành của DN. Tất nhiên đã là bạn đồng hành thì phải hành xử như một đối tác, phải chơi đẹp.
Trong quan hệ giữa hai bên, nếu một bên chưa đúng thì việc nhận lỗi và xin lỗi thể hiện sự chuyên nghiệp trong hành xử, chứ không thể lấy thế “bề trên” để rồi nói “sai thì điều chỉnh chứ có gì đâu”. Như thế rõ ràng là chơi kỳ quá!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận