19/05/2018 20:26 GMT+7

Bàn đạp chống vô lăng hay cuộc chiến của những người đi xe đạp

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Dành một buổi tối thứ 6 cuối tuần cho một bộ phim tài liệu đến từ đất nước xa xôi, nhưng dường như tất cả khán giả đều cảm thấy đây là một bộ phim hoàn toàn xứng đáng lấy của bạn 90 phút trong đời họ.

Bàn đạp chống vô lăng hay cuộc chiến của những người đi xe đạp - Ảnh 1.

Biểu tượng của những người đi xe đạp bị chết do tai nạn giao thông trên đường phố Sao Paulo, Brazil

Bikes vs Cars (tựa tiếng Việt tạm dịch là Bàn đạp chống vô lăng) là một trong những bộ phim tài liệu xuất sắc nhất của đạo diễn người Thuỵ Điển Fredrik Gertten.

Phim đưa ra những giải pháp từ chính cộng đồng cho vấn đề ô nhiễm môi trường và kẹt tắc giao thông đô thị - một trong những vấn đề thực sự nóng của các đô thị lớn, mà ngay bản thân TP.HCM trong những năm qua cũng đang phải đương đầu mạnh mẽ.

Trailer phim Bàn đạp chống vô lăng

Bàn đạp chống vô lăng từ khi ra mắt vào năm 2015 đã đoạt rất nhiều giải thưởng lớn tại San Francisco Green Film Festival, phim hay nhất của CinemAmbiente - Environmental Film Festival, giải khán giả bình chọn tại UK Green Film Festival

Nhưng câu hỏi là: điều gì đã làm cho bộ phim này trở nên cuốn hút và có sức ảnh hưởng lớn như vậy?

Lối đi nào dành cho xe đạp?

Phim mở đầu bằng âm thanh chói tai của một chiếc xe cứu thương lập loè đèn đỏ, đang kẹt cứng trong biển xe hơi chật chội giờ tan tầm tại Sao Paulo (Brazil) - một trong những đô thị đông đúc và ô nhiễm bậc nhất thế giới.

Không thể tiến cũng không thể lùi, đó là tình cảnh "thường ngày ở huyện" ở tất cả những đô thị lớn trên toàn thế giới.

Bàn đạp chống vô lăng hay cuộc chiến của những người đi xe đạp - Ảnh 3.

Nhiều người trẻ chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển trên đường phố Sao Paulo và đấu tranh với chính quyền để có làn đường riêng dành cho xe đạp

Trong khi đó, luồn lách giữa những thân xe khổng lồ là những chiếc xe đạp bé xinh. Một cô gái trẻ đến sống và học tập ở Sao Paulo chọn xe đạp bởi không trả lời được câu hỏi: "Tại sao phương tiện giao thông công cộng ở ngày càng đắt đỏ nhưng chất lượng phục vụ thì lại quá kém".

Thế nhưng những người chọn xe đạp, sử dụng loại phương tiện không khói như cô lại phải đối mặt với một vấn đề rất buồn cười: không hề có một làn đường riêng dành cho xe đạp ở các con phố lớn. Hạ tầng giao thông dường như chỉ sinh ra để phục vụ cho xe hơi, xe bus và những loại xe cơ giới khác.

Câu chuyện này không chỉ diễn ra ở Sao Paulo mà còn ở Los Angeles, tiểu bang California Mỹ. "Trước đây chúng tôi đã từng có những lối đi dành cho xe đạp đi vào trong tâm TP. Nhưng bây giờ tất cả đều đã bị bỏ hoang và làm rào chắn lại để mở rộng các đại lộ dành cho xe hơi".

Bàn đạp chống vô lăng hay cuộc chiến của những người đi xe đạp - Ảnh 4.

Những chiếc xe đạo sơn trắng tưởng niệm những người đã chết vì tai nạn do xe hơi gây ra

Trong phim, một đạo diễn quảng cáo chuyên thiết kế và đưa ra những ý tưởng hay ho, tuyệt vời của việc sở hữu một chiếc xe hơi hạng sang, tiết kiệm nhiên liệu, giúp cuộc sống thăng hoa…lại thừa nhận ông vẫn đi làm hàng ngày bằng xe đạp. Đạp xe đến chỗ làm mỗi ngày khiến ông cảm thấy mình được sống, được tự do hơn và vì không tốn vô ích những khoảng thời gian chờ đợi dài đằng đẵng bởi kẹt xe.

Và như thế, những người chọn xe đạp cũng đồng thời chọn luôn cho mình một mối nguy hiểm cận kề. Ở Sao Paulo, cứ một tuần lại có một người đi xe đạp chết vì tai nạn giao thông. Ở Mỹ thì thời gian ấy rút ngắn còn 7 tiếng/một mạng người chỉ vì họ…đạp xe.

Họ biểu tình ôn hoà chống lại những buổi xoá làn sơn trắng phân luồng giữa đường đi của xe hơi và xe đạp. Và sơn trắng những chiếc xe đạp của những nạn nhân xấu sổ tại những trục đường chính để lên tiếng về việc giảm thiểu xe hơi.

Vậy vấn đề ở đây có phải là do kĩ thuật phát triển giao thông đô thị của con người chưa đủ tốt? Hay tại sao những nước giàu như Mỹ vẫn phải đầu hàng trước bài toán giao thông?

Chỉ hai ngày tạm dựng xe trên xa lộ liên bang 405 của Mỹ đã trở thành "ngày đen tốt nhất trong lịch sử giao thông Mỹ" khi mọi hoạt động đi lại đều ngừng trệ. Người dân được khuyến khích ở nhà không ra đường,

Nhiều quốc gia đổ tiền vào việc mở rộng hạ tầng, mở rộng mặt đường từ 2 làn xe hơi chạy, lên đến 5, rồi 6, rồi 10, thậm chí 12 làn xe chạy…vẫn không giải quyết được tình trạng ùn tắc. "Càng tăng cường năng lực xa lộ, người ta càng đi nhiều hơn và giao thông ngày càng tệ hơn" - một chuyên gia về kiến trúc hạ tầng đô thị tại Brazil nói trong phim.

Ngành công nghiệp xe hơi phát triển với tốc độ chóng mặt, là một trong những ngành công nghiệp hái ra tiền nhất bởi đi kèm với tiêu thụ nhiên liệu, khí đốt, xăng dầu. Nhưng mỉa mai thay những điều này lại không thể làm cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn.

Bàn đạp chống vô lăng hay cuộc chiến của những người đi xe đạp - Ảnh 6.

Những lối đi dành riêng cho xe đạp đã xuất hiện trong một số đô thị lớn

Giảm xe hơi, tăng yêu thương!

Câu hỏi đối với những người trẻ - thế hệ chọn lựa sẽ làm điều gì đúng đắn cho đất nước của họ rằng: Liệu chúng ta có thể thay đổi được không? Những cánh tay nhút nhát trong khán phòng của buổi chiếu phim và thảo luận Bikes vs cars đưa ra những lí do khiến họ không thể đi xe đạp. Nhưng nói thêm: họ sẽ chọn xe đạp bất cứ khi nào có thể.

Khi bộ phim tài liệu này ra mắt cũng là lúc Fewer cars, more love - một chiến dịch với khẩu hiệu Giảm xe hơi tăng yêu thương trở nên rầm rộ trên khắp mọi nẻo đường của các đô thị lớn ở phương Tây.

Những biển người diễu hành bằng xe đạp với những biểu ngữ vui mắt. Họ không gây chiến. Họ chỉ đang thương lượng để có một cuộc sống chất lượng và trong lành hơn. Bởi như một người dân trong phim nói "Chúng ta sở hữu phương tiện chứ không sở hữu đường phố".

Đám đông có khi…nude tập thể đạp xe để thể hiện sự gần gũi với tự nhiên của mình.

Trên thực tế, liệu người ta có thể chọn bàn đạp thay vì ngồi sau một vô lăng hay không? Câu trả lời là có. Đan Mạch, Hà Lan là hai quốc gia đang đi đầu trong chiến dịch này. Theo những thống kê được đưa ra trong Bikes vs Cars, 40% dân số tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch chọn di chuyển bằng xe đạp thay cho xe hơi.

Trong vòng một thập kỉ qua, số người tham gia vào cộng đồng xe đạp tại Mỹ đã tăng đến 50%. "Nuôi" một chiếc xe hơi đã trở thành điều quá mệt mỏi bởi không chỉ về chuyện ùn tắc, kẹt xe, khí thải làm ô nhiễm môi trường mà còn là bãi đậu, bảo hiểm, chi phí hao mòn…

"Bạn đừng nghĩ chỉ người nghèo mới đi xe đạp. Giới trung lưu mới nổi mua xe hơi như một cách "hoà nhập cộng đồng" nhưng thực tế chẳng đi được đâu cả vì tất cả đều ùn tắc" - một chuyên gia chia sẻ trong Bikes vs Cars. Và có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nghĩ và hành động ngay vì một cuộc sống đáng sống hơn cho chính mình?

Bàn đạp chống vô lăng hay cuộc chiến của những người đi xe đạp - Ảnh 8.

Đạo diễn của bộ phim tàu liệu Bikes vs Cars - Fredrik Gertten

Sinh ra tại một thành phố nơi chiếc xe đạp là sự lựa chọn tự nhiên để đi từ nơi này đến nơi khác, tôi đã đi khắp thế giới và tự hỏi tại sao có quá ít xe đạp? Giờ đây việc di chuyển bằng xe hơi cá nhân lẫn công cộng đã đạt đến mức độ cực tắc nghẽn cực điểm với hàng triệu giờ làm việc bị mất chỉ vì ùn tắc xe.

Đi xe đạp trong đô thị là một giải pháp. Những người đi xe đạp chỉ đơn giản đặt một bảng hiệu trên chiếc xe đạp của họ "Giảm một chiếc xe hơi" - như một thái độ tự giác với chính mình trước cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu.

Đó là một thông điệp tích cực. Nếu tất cả các thành phố đều áp dụng mô hình của Copenhagen, nơi 40% người dân đi lại trong thành phố bằng xe đạp, nó sẽ là một sự thay đổi căn bản cho thế giới. Một điều gì đó mà bạn có thể đo lường bằng sức khỏe của bản thân, tình trạng ô nhiễm và việc hạn chế sử dụng dầu...

Đạo diễn Fredrik Gertten viết trên trang web giới thiệu về dự án của ông.

200 năm xe đạp: Ký ức và tương lai 200 năm xe đạp: Ký ức và tương lai

TTO - Có lẽ hiếm người Việt Nam nào không biết đến xe đạp. Nhân cột mốc 200 năm xe đạp chào đời, giai phẩm Xuân Tuổi Trẻ mời mọi người cùng quay lại với ký ức và cả hướng tới tương lai của chiếc xe đạp…

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên