
Triều Tiên đã phát đi thông điệp muốn chấm dứt chiến tranh trước khi phi hạt nhân hóa - Ảnh: REUTERS
Truyền thông Triều Tiên ngày 23-7 liên tiếp phát đi các thông điệp hối thúc nước láng giềng miền nam thực hiện thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều nhằm chính thức tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Theo Bình Nhưỡng, "nhiệm vụ lịch sử" này không thể bị trì hoãn thêm nữa.
Hãy chấm dứt chiến tranh
"Do chính quyền Hàn Quốc cũng có nghĩa vụ tiến hành những gì đã nhất trí trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm nên Hàn Quốc không nên dùng dằng trong việc tuyên bố kết thúc chiến tranh.
Đây là một nhiệm vụ lịch sử không thể bị trì hoãn để xây dựng nền hòa bình vững chắc bằng cách chấm dứt tình trạng đình chiến bất bình thường hiện nay trên bán đảo Triều Tiên" - Uriminzokkiri, trang web tuyên truyền đối ngoại của Triều Tiên bằng tiếng Anh, nhắc đến cuộc thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hồi tháng 4-2018.
Hãng tin Yonhap dẫn lời Meari, một trang web khác của Triều Tiên, cũng hối thúc chính quyền Seoul "thực hiện phần việc của mình" trong hướng tới tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Trang web này cho rằng thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 sẽ mất đi ý nghĩa nếu chính quyền Hàn Quốc không hành động.
Theo giới quan sát, các thông điệp của Triều Tiên cho thấy nước này đang muốn đẩy nhanh đàm phán về kết thúc cuộc chiến về lý thuyết vẫn kéo dài đến nay.
Trong tuyên bố ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rời Bình Nhưỡng hôm 7-7, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng chỉ trích Washington thiếu nỗ lực trong việc xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên: "Phía Mỹ không bao giờ đề cập đến việc thiết lập nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vốn cần thiết để giải tỏa căng thẳng và ngăn ngừa chiến tranh".
Hòa bình đổi hạt nhân
Với Mỹ, Bình Nhưỡng cũng muốn Washington "hành động táo bạo" hướng tới hòa bình trước khi bắt đầu quá trình giải trừ hạt nhân. Một nguồn tin của Đài CNN cho biết Triều Tiên đã ám chỉ sẽ ngừng các cuộc đối thoại hạt nhân nếu Mỹ không muốn ủng hộ một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng hối thúc Tổng thống Mỹ Donald Trump gỡ bỏ các cấm vận. "Họ tin rằng mình đã làm rất nhiều bằng việc đóng băng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, phá hủy một trong các bãi hạt nhân và tạo điều kiện cho việc hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ" - CNN viết.
Theo giới phân tích, Mỹ sẽ cực kỳ thận trọng với các biện pháp trừng phạt vốn là công cụ hiệu quả nhất để buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán và sẽ không dễ dàng nới lỏng.
"Năm ngoái, Mỹ tập trung vào trừng phạt và cuộc thượng đỉnh tại Singapore khiến họ tập trung vào đối thoại. Nhưng bây giờ, họ phải tạo ra các điều kiện vừa kỹ càng vừa thực tế để có thể đưa đối thoại phi hạt nhân hóa tiến về phía trước" - một quan chức Chính phủ Hàn Quốc bình luận trên tờ Hankyoreh.
Kêu gọi "thắt lưng buộc bụng"
Trong khi tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ bị đình trệ kéo theo hi vọng xóa bỏ cấm vận đối với Triều Tiên, truyền thông Bình Nhưỡng ngày 23-7 kêu gọi người dân sẵn sàng "thắt lưng buộc bụng".
Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, đã gợi nhớ lại giai đoạn khó khăn của Triều Tiên hồi những năm 1990, thời điểm quốc gia Đông Bắc Á này phải trải qua nạn nghèo đói cùng cực do mất nguồn viện trợ từ Liên Xô và các nước Đông Âu cũ.
"Dù phải mất nhiều thời gian để vượt qua đoạn trường bão tuyết với thắt lưng buộc bụng, chúng ta sẽ vẫn thẳng tiến... trên con đường chủ nghĩa xã hội" - tờ này viết.
Kết nối giao thông
Seoul cũng đang đẩy mạnh cải thiện quan hệ với miền bắc, thể hiện qua kế hoạch kết nối lại tuyến đường sắt và đường bộ với Triều Tiên trong vài tháng tới.
Theo Yonhap, kế hoạch bao gồm khôi phục khu vực dài 104,6km thuộc tuyến đường sắt phía đông và khu vực dài 11,8km thuộc tuyến đường cao tốc phía tây. Tổng chi phí dự kiến lên đến gần 2,5 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận