Theo kết quả khảo sát, kênh thông tin này khiến quan hệ thầy trò thân thiện và góp phần tích cực vào hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn những e ngại từ hai phía...
Cuộc khảo sát của chúng tôi đối với 200 học sinh và 50 giáo viên tại một số trường THPT ở TP Đà Nẵng về việc thầy trò kết bạn với nhau trên Facebook cho ra kết quả mà những người làm giáo dục cần suy ngẫm...
Với câu hỏi “Bạn có thích kết bạn với thầy cô trên Facebook không?”, có 115 học sinh trả lời thích (tỉ lệ 57,5%), còn lại 85 học sinh có câu trả lời không (tỉ lệ 42,5%). Đáng chú ý, 50 học sinh được khảo sát cho biết gửi lời mời kết bạn mà thầy cô không đồng ý!
Trong nhà trường có những hoạt động ngoại khóa, vậy tại sao không biên soạn và đưa chuyên đề về kỹ năng sử dụng Facebook vào trong hoạt động ngoại khóa này, giúp học sinh sử dụng đúng cách và phát huy công năng của mạng xã hội này? |
Còn e ngại
Những lý do cho việc thích kết bạn với thầy cô trên Facebook của học sinh là để hỏi bài, cảm thấy gần gũi thân thiện, được tôn trọng, cảm thấy mình là người lớn hơn... Số không thích thì đưa ra lý do: không thích bị theo dõi, cảm thấy mất tự do, không tự nhiên, bị trách phạt khi ngẫu hứng phát ngôn lung tung trên “phây”...
Về phía giáo viên, chỉ 45% đồng ý kết bạn với học trò trên Facebook, trong khi đến 55% từ chối. Đồng ý kết bạn Facebook với học sinh phần lớn là giáo chủ nhiệm, giáo viên làm công tác Đoàn, Đội, giáo viên dạy môn toán, lý, hóa, Anh. Lý do là để biết học sinh của mình đang nghĩ gì, làm gì, hỗ trợ bài vở, tư vấn tâm lý...
Còn số từ chối cho biết vì học sinh hay chửi bới lung tung, phát ngôn văng mạng, đăng hình ảnh, clip và chia sẻ thông tin bậy bạ... “Kết bạn với những học sinh như vậy không đọc được gì bổ ích mà chỉ thêm bực mình” - cô G. bày tỏ.
Còn cô T. cho hay: “Lúc mới chơi Facebook tôi có kết bạn với nhiều học sinh. Một thời gian nhận thấy nhiều học sinh chơi “phây” không nghiêm túc, tôi tiến hành “dọn dẹp nhà cửa” cho “out” ra ngoài danh sách bạn bè để đỡ phải ngứa mắt”. Một nửa giáo viên được hỏi cho biết chỉ đồng ý kết bạn với những học sinh dùng tên thật, còn dùng nick name là “bỏ qua”.
Chuyện thầy trò trở thành bạn bè trong xu thế của “thế giới phẳng” là hết sức thường, nhưng những thông số từ cuộc khảo sát cho thấy vẫn còn nhiều e ngại từ cả hai phía. Điều này làm ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng trường học thân thiện, và những cơ hội giáo dục hiệu quả ở một phương diện khác bị bỏ qua.
Kênh thông tin hiệu quả
Trong khi đó, không thể phủ nhận mạng xã hội là một kênh thông tin giúp thầy trò gần gũi, thân thiện với nhau hơn, qua đó hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn. Nhiều học sinh cho biết các em thấy dễ dàng bộc bạch suy nghĩ của mình trên Facebook hơn so với ở ngoài.
Khi được giáo viên chia sẻ với nỗi niềm của mình, các em thấy thầy cô trở nên gần gũi và thân thiết hơn. Em V.T.K. (Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) bày tỏ học sinh sẽ rất thích thú khi người thầy dạy học mình cũng tham gia Facebook vì gợi nên sự thân thiện và cởi mở.
Còn em L.Q. (học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng) chia sẻ: “Em thấy Facebook rất có lợi, khi gặp bài khó em có thể hỏi bài thầy cô qua Facebook và được thầy cô chỉ bảo tận tình. Không những chỉ bài vở mà còn được thầy cô gửi lời chúc mừng sinh nhật khiến em thấy hạnh phúc vô cùng”.
Cô Nguyễn Thị Anh Lý (giáo viên Trường THPT Ngũ Hành Sơn) quan niệm muốn hiểu được học trò, thầy cô phải thâm nhập thế giới của các em, hiểu cách các em nói chuyện.
Theo cô Anh Lý, nhiều vấn đề riêng tư của các em như tình cảm nam nữ, chuyện buồn gia đình..., bên ngoài các em không nói nhưng chia sẻ trên Facebook. Giáo viên biết chuyện, chỉ cần hỏi han, động viên các em một câu đã có thể giúp các em lạc quan, vui vẻ hơn.
Cô Lý kể năm ngoái lớp cô chủ nhiệm có một học sinh cá biệt, suốt học kỳ 1 cô thường xuyên nhắn tin nói chuyện tâm tình trên “phây”, sang học kỳ 2 em này tiến bộ hẳn. “Nếu không nhờ Facebook, chắc chắn khó lòng giáo dục thành công em học sinh cá biệt đó” - cô Lý nhìn nhận.
Coi Facebook như một công cụ giáo dục Việc sử dụng mạng xã hội Facebook đã trở nên quá phổ biến, cùng với đó là rất nhiều hiện tượng tốt xấu cũng ngày càng lan rộng. Giáo viên, nhà trường cần tận dụng mọi kênh thông tin để kịp thời nắm bắt suy nghĩ, tâm lý của các em vì điều này có tác động không nhỏ đến hiệu quả giáo dục, trong đó Facebook là một kênh thông tin hiệu quả. Theo đó, nên có cái nhìn thực tế về hiện tượng sử dụng Facebook, không né tránh, không cấm đoán mà cần cởi mở. Giáo viên cần có những tư vấn cho học sinh khai thác, sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý. Giáo viên cũng cần được định hướng sử dụng Facebook như một công cụ giáo dục. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận