15/11/2020 06:30 GMT+7

Bán áo đấu chính hãng ở Việt Nam: Nhà tài trợ thua trắng

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TTO - Việc các CĐV chưa quen mua áo chính hãng và giá áo đấu lại khá cao khiến số áo đấu bán theo mùa của các CLB ở V-League chẳng được bao nhiêu. Điều này khiến các nhà tài trợ áo đấu gần như sẽ quay lưng với các CLB ở V-League.

Bán áo đấu chính hãng ở Việt Nam: Nhà tài trợ thua trắng - Ảnh 1.

Áo đấu của CLB Hà Nội mùa 2020 - Ảnh: HNFC

Mới nhất, hai CLB Hà Nội và TP.HCM phải lo tìm nhà tài trợ áo đấu mới từ vài tháng trước sau khi hãng trang phục thể thao Kappa (Ý) thông báo sẽ rút lui khi kết thúc mùa giải 2020.

Chuyện 10 năm bán áo đấu của Hà Nội

Gắn bó với Kappa từ năm 2011, nhưng 10 năm qua, số lượng áo đấu mà CLB Hà Nội bán ra không nhiều như kỳ vọng, dù họ là đội bóng giành nhiều danh hiệu nhất VN và có nhiều tuyển thủ quốc gia trong đội hình. 

"Khi khảo sát, ai cũng thích và muốn mua áo đấu chính hãng của CLB. Nhưng thực tế CLB chỉ bán được vài trăm áo/mùa. Giá áo cao là một trở ngại, nhưng việc người hâm mộ chưa quen với việc mua áo đấu chính hãng cũng là rào cản không nhỏ" - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thể thao Hà Nội Võ Lê Trung thừa nhận.

Thật ra, 600.000 đồng cho combo gồm áo thi đấu, khăn và mũ của CLB Hà Nội đang bán ra ở mùa giải 2020 đã rẻ hơn khá nhiều so với giá cách đây vài năm. Dù vậy, số lượng áo bán được vẫn chưa bao giờ chạm mốc 1.000 áo/mùa. Vì thế, ngoài chuyện tìm kiếm nhà tài trợ áo đấu mới cho mùa giải 2021, CLB Hà Nội còn đang tìm cách làm sao bán được nhiều áo đấu hơn.

Ông Trung chia sẻ: "Thị trường áo đấu rất tiềm năng để có thể đem về lợi nhuận cho CLB. Nhưng CLB Hà Nội lại làm chưa tốt do các kênh bán áo chính thức của CLB lại không có hoặc không được chú trọng. Chẳng hạn, mùa bóng 2020 chúng tôi cũng chỉ bán online hoặc bán tại trụ sở công ty. 

Vì thế, trong năm tới chúng tôi phải xây dựng hệ thống cửa hàng chuyên nghiệp nhằm tiếp cận người hâm mộ nhiều hơn. Bên cạnh đó là nghiên cứu bán áo đấu theo số áo của cầu thủ. Và điều quan trọng nhất là phải làm sao hạ giá áo đấu xuống".

Không nhạy với thị trường

Trong 3 năm, CLB TP.HCM có ba nhà tài trợ áo đấu là Mizuno (Nhật Bản, 2018), Zaicro (Hàn Quốc, 2019), Kappa (2020). Khi Kappa rút lui, CLB TP.HCM chuẩn bị ký hợp đồng với Kelme - hãng trang phục thể thao của Tây Ban Nha.

Thay đổi nhà tài trợ áo đấu là chuyện mà các CLB chuyên nghiệp trên thế giới luôn luôn tránh bởi các CĐV không thể cứ mỗi mùa lại phải bỏ tiền mua một bộ trang phục mới của đội để đi cổ vũ. 

Đặc biệt là ở Việt Nam, những chiếc áo đấu chính hãng có giá khá cao so với thu nhập của những người trẻ (giá từ 500.000-600.000 đồng tùy theo hãng tài trợ). Giá áo cao, thành tích của CLB cũng chưa có gì đặc biệt nên thật khó để người hâm mộ chấp nhận bỏ tiền mua áo cổ vũ.

"Mùa trước, năm 2019, áo Zaicro được nhà tài trợ Hàn Quốc gửi qua gần cuối mùa nên chỉ bán được rất ít. Năm 2020, chúng tôi lấy 500-600 áo về và bán hết. Nhưng số lượng này cũng không đem lại nguồn thu bao nhiêu" - một thành viên CLB TP.HCM chia sẻ.

Bên cạnh đó, những người làm kinh doanh ở CLB TP.HCM không nhạy với thị trường. Cụ thể, dù mượn được tiền đạo ngôi sao Công Phượng (Hoàng Anh Gia Lai) ở mùa giải 2020 và kéo được rất nhiều khán giả đến sân, CLB TP.HCM lẽ ra có thể yêu cầu nhà tài trợ trang phục sản xuất áo đấu có tên Công Phượng để bán nhưng họ đã không làm điều này. Tương tự là bản hợp đồng với thủ môn Bùi Tiến Dũng - người vốn có rất nhiều fan hâm mộ.

Giờ thì CLB TP.HCM lại có nhà tài trợ trang phục mới Kelme. Đây là nhà tài trợ trang phục cho hai CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Nam Định ở mùa 2020. Do giá áo đấu Kelme bán ra ở mùa 2020 đã là 500.000 đồng nên đây cũng là thách thức không nhỏ cho CLB TP.HCM trong việc gia tăng sức mua của người hâm mộ đội bóng.

Nỗ lực tiếp cận người hâm mộ

Dù không còn cảnh người hâm mộ đổ xô đi xem lứa cầu thủ tài năng Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng... thi đấu như ở V-League 2015, nhưng Hoàng Anh Gia Lai vẫn là đội bóng có lượng người hâm mộ đông đảo.

Dù vậy, nhà tài trợ trang phục Mizuno lại chẳng bán được bao nhiêu áo kể từ khi gắn bó với đội từ năm 2018. "Hai năm trước, chúng tôi chỉ bán được tổng cộng 300-400 áo. Thu không đủ bù chi nên mùa 2020 chúng tôi quyết định không bán nữa" - ông Tống Đức Thuận, đại diện hãng Mizuno, than thở.

Giá áo chính thức 700.000-800.000 đồng/áo, nhưng Mizuno VN chỉ bán có 350.000 đồng/áo. Dù vậy, người hâm mộ cũng chẳng mấy quan tâm vì áo nhái chỉ có giá 90.000 đồng.

Ông Thuận nói: "Ở nước ngoài, bán áo đấu là nguồn thu lớn của các CLB. Nhưng bán áo đấu ở VN chưa phải là ngành kinh doanh thương mại được. Năm 2021 chúng tôi sẽ bán áo đấu của CLB Hoàng Anh Gia Lai trở lại. Mục tiêu của chúng tôi chỉ là tiếp cận người hâm mộ và giúp họ dần thay đổi, có thói quen mua hàng chính hãng để ủng hộ CLB của mình".

Bán được hàng trăm áo đấu, CLB Hà Nội tự tin Bán được hàng trăm áo đấu, CLB Hà Nội tự tin 'mơ xa'

TTO - Trong vòng chưa đến 1 tháng, CLB Hà Nội đã bán được 500 áo đấu của cầu thủ. Đó là chưa kể hàng trăm chiếc áo khác được bán ra ở các tỉnh phía Nam và cả nước ngoài qua đại lý con của mình.

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên