Phóng to |
Các cần cẩu xây dựng và máy xúc đang được vận hành để xây dựng thêm các khu nghỉ dưỡng tại bãi biển Geger, Nusa Dua - Ảnh: Reuter |
Du khách nước ngoài đã bị thu hút bởi nền văn hóa, nghệ thuật Ấn Độ giáo độc đáo và cảnh quan núi lửa của Bali từ thế kỷ 19, nhưng trong những năm gần đây, sự giàu có tăng nhanh ở châu Á đã thúc đẩy những đoàn khách du lịch mới từ khắp nơi trong khu vực kéo đến đây.
Vắt kiệt thiên nhiên
Với sức hấp dẫn của mình, Bali đã trở thành một địa điểm hàng đầu cho các sự kiện và hội nghị quốc tế với sự tham gia của hàng ngàn người, nhiều trong số đó diễn ra tại tổ hợp nghỉ dưỡng Nusa Dua, nơi các chuỗi khách sạn quốc tế như Westin và Marriott “đóng đô”.
Hầu như không quan tâm đến sự giới hạn của môi trường, “cơn lũ” tiền mặt từ các hội nghị, trong đó giá phòng tăng vụt do nhu cầu quá lớn, khiến người ta đẩy mạnh việc san ủi các quả đồi để xây dựng thêm các khu nghỉ dưỡng trong một hòn đảo đã quá đông đúc.
"Ba li đang bị khai thác quá mức. Chính sách giá rẻ đang khai thác Bali đến mẩu cuối cùng" - Wayan Suardana, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ về môi trường Walhi ở Bali, phát biểu.
Wayan Suardana cho rằng các khu nghỉ dưỡng cũ phải được cải tạo và cần chú ý đến một loạt vấn đề nảy sinh từ sự thành công vù vù của du lịch, bao gồm tình trạng khan hiếm điện và nước sạch, rác thải gia tăng và ùn tắc giao thông.
“Thay vào đó, chính quyền địa phương vẫn tiến hành xây dựng khu nghỉ dưỡng 200ha để tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2013 ở Jimbaran, một khu vực đồi núi nhìn ra vùng vịnh đẹp, đe dọa kế sinh nhai của người dân”, Wayan Suardana nói tiếp.
Trong tổ hợp nghỉ dưỡng Nusa Dua, con đường nhỏ, quanh co mù mịt vì bụi từ hoạt động xây dựng ở ít nhất ba khu vực lân cận và các dòng xe tải chở đá và ximăng. Wayan Solo, người đứng đầu chính quyền bán đảo Benoa cho biết hai khu nghỉ dưỡng và một tổ hợp biệt thự đang được xây dựng ngay phía nam Nusa Dua, dự kiến năm sau sẽ hoàn thiện.
Phóng to |
Nông dân vớt rong biển tại bãi biển Geger - Ảnh: Reuter |
Tác động của du lịch thị trường
Loại hình du lịch thị trường đại chúng đến Bali cách đây vài thập kỷ, đã mang nhiều lợi ích đến hòn đảo nhỏ, đông dân này. Du lịch cung cấp việc làm trong các khách sạn, ngành dịch vụ, sản xuất những thứ như đồ lưu niệm và đồ nội thất, xây dựng. Và dù xảy ra một số cuộc suy thoái do khủng hoảng chính trị vào cuối những năm 1990, cuộc tấn công ngày 11-9 tại Mỹ, các vụ đánh bom Bali năm 2002 và 2005, khủng hoảng tài chính 2008 nhưng ngành du lịch ở hòn đảo này vẫn đang phục hồi mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Khoảng 2,4 triệu người đã kéo đến Bali trong năm 2009, gần gấp đôi so với con số năm 2005. Theo số liệu thống kê của chính phủ, số lượng khách đến sân bay Bali trong nửa đầu năm nay tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với làn nước màu ngọc xanh biển tuyệt vời, những bãi biển cát trắng, vách đá hùng vĩ và vô số khách sạn, miền nam khô cằn của đảo Bali đã trở thành thỏi nam châm du lịch chính của Indonesia trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, hàng trăm khách sạn đã tiêu thụ nước trong hòn đảo nhỏ khiến nông dân vùng phía bắc của Bali, nơi trồng lúa và cà phê thiếu nước liên miên.
Cơ quan môi trường của Bali cho hay hằng năm có 700ha đất được chuyển đổi để xây khách sạn, đường sá và nhà ở, một số trong đó là biệt thự cho người nước ngoài và người Indonesia giàu có. Ngoài ra, các khách sạn thải ra những đống rác thải ngày một nhiều. Khoảng 13.000m3 rác được đưa đến các nhà máy xử lý rác trên khắp Bali mỗi ngày, nhưng chỉ có một nửa đang được xử lý..
Phóng to |
Việc thiếu giám sát cũng có nghĩa rác từ các khách sạn lớn có thể được đổ ra bất kỳ khu đất trống nào - Made Suarnata, người đứng đầu Wisnu, tổ chức vận động tái chế chất thải dựa vào cộng đồng, cho hay.
Nghiêm trọng hơn có lẽ là sự tàn phá đối với một trong những điểm hấp dẫn nhất của hòn đảo - vùng biển nguyên sơ. Nhiều thập kỷ phát triển ở miền nam đảo Bali đã góp phần tẩy trắng san hô và xói mòn bãi biển. "Rạn san hô khổng lồ ở bãi biển Sanur, rào chắn tự nhiên của Bali, đã bị cặn bao phủ. Kết quả của sự phát triển ồ ạt và khai hoang ở miền nam Bali đã tẩy trắng và cuối cùng giết chết san hô" - ông Ketut Sarjana Putra, một nhà khoa học thuộc Tổ chức Bảo tồn quốc tế Indonesia tại Bali, phát biểu.
Ông Ketut Sarjana Putra nói thêm: "Ngành du lịch đã ban cho chúng ta nguồn lợi tốt, nhưng nếu chúng ta không nghiêm túc trong quản lý, với rác chất đống khắp hòn đảo và bệnh tật mời gọi, còn ai muốn đến nữa?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận