30/03/2023 10:06 GMT+7

Bài toán khó với dự trữ xăng dầu

Nhiều doanh nghiệp (DN) xăng dầu cho biết việc tạm gửi xăng dầu dự trữ quốc gia đang gặp khó do giá thuê kho tăng mạnh.

Nhập xăng của một cửa hàng xăng dầu tại quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhập xăng của một cửa hàng xăng dầu tại quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, việc tính toán xây dựng kho dự trữ riêng xăng dầu sẽ phải mất nhiều chi phí và bộ máy để vận hành.

Làm sao bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia?

Dù đã có quy định hàng dự trữ quốc gia phải được cất giữ riêng, nhưng đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa tổ chức được việc bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia với lý do chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu của Nhà nước, cũng chưa có quy chuẩn kỹ thuật về xăng dầu dự trữ quốc gia. Hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu.

Trong thực tế, chi phí bảo quản xăng dầu không còn phù hợp, khi mức chi phí chi trả cho các DN là 14.893 đồng/m3, trong khi nếu để bảo quản riêng là khoảng 70.000 - 150.000 đồng/m3. Các đơn vị nhận dự trữ cho biết không thể để riêng mặt hàng xăng dầu mà phải "hòa" vào kho chung của DN. Nếu để riêng, DN không tiếp tục ký hợp đồng.

Mức chi phí thuê kho xăng dầu ra sao?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức chi phí thuê kho xăng dầu đang được DN đề nghị tăng mạnh. Chẳng hạn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (đơn vị đang chiếm 67% hàng dự trữ quốc gia) đề xuất mức phí bảo quản là 112.000 đồng/m3, tấn (chưa gồm VAT), tăng gấp 7,5 lần so với định mức Nhà nước chi trả hiện nay. Nếu áp dụng mức này, chi phí bảo quản mà Nhà nước phải chi trả hằng năm sẽ là 493 tỉ đồng, tăng 67 tỉ đồng.

Trong năm 2023, Bộ Công Thương vẫn chưa ký được hợp đồng thuê kho của các DN để bảo quản xăng dầu, mà vẫn đang tạm thời gửi ở các DN. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia cũng như an ninh năng lượng. Do đó, liên bộ Công Thương - Tài chính thống nhất trong năm nay sẽ báo cáo Thủ tướng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép vẫn tạm thời gửi xăng dầu dự trữ ở các DN.

Mức chi trả phí được tiếp tục áp dụng như quy định cũ nhưng sẽ tính toán lại định mức phí bảo quản cho phù hợp. Phương thức này có ưu điểm là mang lại hiệu quả chung cho xã hội như tận dụng sức chứa kho bể còn trống, phân bổ đều lượng xăng dầu dự trữ, xăng dầu được luân chuyển thường xuyên nên chất lượng luôn đảm bảo, Nhà nước không phải trả phí đảo hàng và chi phí bảo quản cũng thấp hơn so với kho chứa riêng.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đang tính toán nâng mức dự trữ xăng dầu theo lộ trình đến năm 2025. Trước mắt sẽ tiếp tục thuê kho của DN nhưng về lâu dài sẽ đầu tư, xây dựng kho riêng của Nhà nước. Việc xây dựng kho riêng, Nhà nước sẽ chủ động trong công tác dự trữ quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, phương án này sẽ làm phát sinh thêm bộ máy mới, Nhà nước phải bỏ ngân sách lớn để xây kho, không tận dụng được kho trống của DN.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương có ý kiến thẩm định các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu. Xây dựng định mức phí bảo quản mới, gồm cả mức phí để chung và để riêng. Nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ trong bảo quản. Sửa đổi quy định về dự trữ xăng dầu quốc gia phù hợp với thực tế.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Chưa hiệu quả nhưng vẫn nên giữQuỹ bình ổn giá xăng dầu: Chưa hiệu quả nhưng vẫn nên giữ

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, quan điểm cá nhân ông là nên giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng giữ thì phải khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại của điều hành thời gian qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên