Dân số Việt Nam đông với khoảng 56 triệu người đang tham gia thị trường lao động - Ảnh: TỰ TRUNG
Nếu đến thăm Jakarta, thủ đô của Indonesia, bạn sẽ thấy nhiều nhóm thanh niên túm tụm trên đường phố. Trên mình khoác những chiếc áo in logo của các hãng xe ôm công nghệ, họ ngồi đó với chiếc xe máy cũ kỹ, mắt chăm chăm nhìn vào điện thoại để mong đón khách.
Họ là những thanh niên thuộc thế hệ dân số vàng - độ tuổi lao động trẻ. Tuy nhiên, không có tay nghề cao, không biết ngoại ngữ, họ không thể tìm được việc làm có thu nhập ổn định.
Sống ở Jakarta hai năm nay, tôi đã gặp nhiều người trong số họ cùng rất nhiều cô gái trẻ phải bỏ quê nhà lên Jakarta kiếm sống. Họ làm những công việc lao động bình dân như đấm bóp, lau chùi nhà cửa, phục vụ trong các quán ăn...
Là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới (chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ), Indonesia có lợi thế là lực lượng lao động trẻ (68%, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2018).
Lợi thế cũng là thách thức lớn lao với đất nước này: tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở Indonesia ước tính hơn 5%. Vì thế, nhiều người dân nơi đây đã phải bỏ quê hương tìm các công việc lao động chân tay ở xứ người.
Hiện có khoảng 4,5 triệu người Indonesia đang làm việc ở nước ngoài, đa số là công việc giúp việc gia đình và 70% trong số họ là phụ nữ. Nhiều người trong số họ bị bạc đãi, đánh đập, bị đối xử thậm tệ.
Đọc số liệu của Ban Chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương vừa công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc vừa qua (dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người, trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á sau Indonesia, Philippines), tôi vừa mừng, vừa lo.
Mừng vì Việt Nam có một lực lượng lao động vàng - sẵn sàng cung cấp sức lao động trẻ và dồi dào của mình cho một nền kinh tế đang trên đà phát triển. Lo vì liệu dân số vàng nhưng có thực sự là vàng ròng không, khi nhìn vào thực tế ở đất nước Indonesia, tôi thấy không ít người trong lực lượng lao động vàng của Việt Nam cũng ở trong tình trạng tương tự: hầu hết chưa có tay nghề cao, chưa được đào tạo bài bản.
Hội nghị "Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng và sử dụng lao động", do Cục Việc làm phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức năm 2018 đã chỉ ra nhiều vấn đề bức thiết trong công việc đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam: tỉ lệ lao động được đào tạo còn thấp, nhiều trường hợp lao động dù đã qua đào tạo nhưng vẫn yếu về kỹ năng và cần phải đào tạo lại, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn...
Tại hội nghị, ông Chang Hee Lee, giám đốc ILO tại Việt Nam, cũng đã nhấn mạnh rằng Việt Nam thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao và công tác đào tạo lao động chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.
Chúng ta đã bàn khá nhiều về chiến lược phát triển nguồn nhân lực, về việc phải gắn đào tạo nghề với thị trường lao động, việc phải tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhân lực. Nhưng việc thực hiện chiến lược đó như thế nào vẫn là một dấu hỏi lớn.
Dấu hỏi đó cần được trả lời một cách quyết liệt, nhanh chóng và triệt để, bởi vì lực lượng lao động trẻ chính là một trong những tiềm năng tài sản lớn nhất của một nền kinh tế. Tiềm năng tài sản ấy không tồn tại vĩnh viễn mà sẽ mất đi khi thế hệ lao động trẻ ấy già đi, cùng với gánh nặng mà họ sẽ đặt lên vai cho một quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận