Khu chuồng nuôi thả gà con của bà Bùi Thị Tuyết Lan phải bỏ trống vì sợ dịch bệnh bùng phát từ khi bãi rác tạm được hình thành cách đó chừng 30m - Ảnh: Đức Trong |
Cuộc sống và kế sinh nhai của gần trăm hộ dân tại ấp Tân Lập 2, xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi bãi rác tạm tiếp nhận hàng chục tấn rác mỗi ngày với mùi hôi thối ô nhiễm trầm trọng.
Mặc dù chỉ mới tiếp cận rác tạm nhưng gần hai tháng qua, người dân dở khóc dở cười vì trắng tay khi đã đầu tư hàng tỉ đồng cho các dự án chăn nuôi.
Chính vì chỉ cách nhau một con đường mòn, lại nằm xuôi gió nên người dân và các trang trại chăn nuôi gà hứng trọn mùi hôi bốc ra từ bãi rác mới chỉ tạm đổ này. Dẫn chúng tôi đi quanh trại gà của mình, bà Bùi Thị Tuyết Lan (chủ trại gà Tuyết Lan) phải lấy tay che mũi vì chịu không nổi với mùi hôi bốc lên nồng nặc từ bãi rác, rơm rớm nước mắt nói về đàn gà 40.000 con của mình đang mang nhiều mầm bệnh về đường hô hấp và có nguy cơ trở thành dịch.
Bà Lan cho biết kể từ khi bãi rác hoạt động, sức ăn và tỉ lệ đẻ trứng của đàn gà nhà bà giảm hẳn. Gà bắt đầu có dấu hiệu chảy nước mắt, nước mũi và chết dần. Để giảm thiểu thiệt hại, bà Lan đành bán tống bán tháo đàn gà với giá rẻ.
Kế trang trại của bà Lan, tình cảnh trang trại của anh Phạm Văn Tuấn cũng rơi vào trường hợp tương tự. Anh Tuấn cho biết vừa rồi anh phải xuất chuồng sớm hơn kế hoạch khoảng 70.000 con gà thịt, năng suất giảm nặng nề.
Theo anh Tuấn, đàn gà thịt của anh thông thường khoảng 50 ngày tuổi xuất chuồng nhưng lứa vừa rồi mới chỉ đến 35 ngày tuổi phải bán. “Nếu không bán tống bán tháo, nguy cơ gà mắc bệnh về đường hô hấp, trở thành dịch bệnh rất cao và thương lái sẽ ép giá vì biết điều kiện nuôi khó khăn” - anh Tuấn cho biết.
Không những thiệt hại về đàn gà, mà đến cả nhân công trong trang trại cũng tìm đường “tháo chạy” vì không chịu nổi mùi hôi thối bốc ra từ bãi rác. “Tôi phải xoay xở đi tìm nhân công khắp nơi, nhưng họ đến làm chừng một tuần là lại bỏ đi vì không chịu được mùi hôi từ bãi rác” - anh Tuấn nói.
Còn ông Nguyễn Văn Huy, sống tại ấp Tân Lập 2 hàng chục năm qua, đang bế tắc với mùi hôi từ bãi rác ập vào nhà mình gần hai tháng nay. Ông Huy cũng như các hộ dân hiện đang lo ngại việc bãi rác ảnh hưởng đến mạch nước ngầm tại địa phương vì nơi đây sống hoàn toàn phụ thuộc vào các giếng khoan.
Ông Trần Minh Khánh, chủ tịch UBND xã Cây Gáo, cho biết từ khi bãi rác tiếp nhận rác thì ô nhiễm mùi hôi đã làm thiệt hại nặng cho khoảng 20 trang trại trong vùng quy hoạch chăn nuôi và làm xáo trộn cuộc sống của hơn 100 hộ dân của ấp Tân Lập 2.
“Bãi rác thuộc địa bàn huyện Vĩnh Cửu, do UBND tỉnh quản lý, dân trên địa bàn xã Cây Gáo bị ảnh hưởng nên trước mắt chúng tôi phản ảnh với UBND huyện Trảng Bom và phối hợp với Phòng tài nguyên - môi trường huyện đánh giá lại thiệt hại, rồi đề xuất UBND tỉnh xem xét” - ông Khánh cho hay.
Mỗi ngày tiếp nhận 74 tấn rác Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Vinh - giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần môi trường Sonadezi (Urenco), chủ đầu tư dự án khu xử lý rác - cho biết năm 2010, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt chi tiết 1/500 dự án. Năm 2014, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khu xử lý rác thải và rác công nghiệp tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu với diện tích 21,7ha. Đến tháng 9, công trình bắt đầu được xây dựng giai đoạn 1 với hố chôn lấp SH5. Ông Vinh cho biết thêm hố chôn rác hiện tại mà dân đang phản ảnh chỉ là hố xử lý tạm (nằm sát hố SH5) để tiếp nhận rác mới. Trung bình mỗi ngày hố tạm này tiếp nhận khoảng 74 tấn rác từ huyện Vĩnh Cửu và vùng phụ cận. Dự kiến cuối năm nay, sau khi hố chôn rác SH5 hoàn thành, rác từ hố tạm sẽ lại móc lên để chôn trong hố SH5. Ông Vinh cũng thừa nhận là cho dù tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, phun thuốc xử lý mùi nhưng vẫn còn mùi hôi bốc lên từ bãi rác, hiện Urenco đang cố gắng giảm thiểu mùi hôi của bãi rác đến mức thấp nhất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận