PISA và marathonPISA: học sinh Việt Nam trốn học cao hơn mức trung bìnhKết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA): Bất ngờ dễ hiểu
Tuổi Trẻ lược ghi ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo và học sinh về những vấn đề đặt ra với giáo dục VN sau sự kiện này.
* TS NGUYỄN TÙNG LÂM(chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội):
Quan trọng là động cơ học tập
Ảnh: Nguyễn Khánh |
Nhìn vào yêu cầu thực tế và thực trạng học sinh VN, tôi cho rằng cái yếu nhất cần phải quan tâm, cần có sự định hướng đối với học sinh phổ thông hiện nay là năng lực tự học, là động cơ học tập. Nói một cách khác là trả lời câu hỏi: Học để làm gì? Học như thế nào?
Ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước có kết quả đánh giá PISA thấp hơn ta, nền giáo dục phổ thông dù không bắt học sinh học quá nặng nhưng khiến học sinh rèn luyện được ý thức tự lập, tự học, chủ động và hợp tác trong việc chiếm lĩnh kiến thức, sáng tạo trong việc vận dụng kiến thức vào thực tế. Điều đó có thể lý giải cho việc có những quốc gia không đỗ đạt cao trong các kỳ thi quốc tế hoặc trong kiểm định quốc tế nhưng người học đáp ứng tốt hơn yêu cầu về nhân lực và làm chủ cuộc sống của mình.
* Ông CAO HUY THẢO (hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc - SIC):
Trao “chìa khóa” cho học sinh
Ảnh: Như Hùng |
Tóm lại, giáo dục phổ thông nên xoáy sâu vào những yếu tố trên để đào tạo ra những con người có thể hội nhập tốt với thế giới. Xã hội ngày càng hiện đại, kiến thức khoa học rất rộng lớn, con người không thể nắm hết, nhớ hết được (khi cần thì người ta cứ tra Google là ra). Do vậy, tôi nghĩ rằng đối với bậc phổ thông, môn học càng ít thì càng phục vụ việc đào tạo chuyên sâu, định hướng nghề nghiệp (tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới, nhà trường định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ thời phổ thông chứ không như ở ta) và đỡ quá tải cho học sinh.
Học sinh trung học chỉ nên học 6-8 môn
Ảnh: H.Hương |
* Theo ông, đối với bậc trung học ở ta, học sinh học bao nhiêu môn là vừa? Đó là những môn nào?
- Kinh nghiệm chương trình trung học các nước thường thực hiện 6, 8 hay 10 môn, tùy lớp học, theo định hướng đại cương ở lớp nhỏ và chuyên sâu phân luồng ở lớp lớn. Bên cạnh số môn, nội dung của mỗi môn được đề cập ở mức độ nào trong chương trình cũng là điều rất quan trọng, cần phải có sự chọn lọc để xác định giới hạn phù hợp. Theo tôi, học sinh trung học phải học tập trung các môn tiếng Việt, toán, tin học và ngoại ngữ, hai môn khoa học là tự nhiên và xã hội, còn lại là môn năng khiếu do học sinh tự chọn về các lĩnh vực hoạt động xã hội. Tổng số môn học sinh trung học phải học có thể từ 6-8 môn (hiện tại là 12 môn - PV).
* Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập như hiện nay, học sinh VN cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng gì để có thể trở thành người sống có ích sau khi tốt nghiệp THPT?
- Về năng lực, chúng ta cần chú ý nâng cao hơn nữa cho học sinh về tin học, ngoại ngữ và phương pháp tự học, tự nghiên cứu để các em có thể tiếp tục học tập thành công. Về cuộc sống bản thân, chúng ta phải chuẩn bị cho học sinh một cách tích cực về kỹ năng sống trong xã hội hoạt động theo cơ chế thị trường. Các em phải biết được mặt tích cực và không tích cực của cơ chế thị trường để làm chủ, tự tin phát huy mặt tích cực và không để mất mình bởi mặt trái của cơ chế.
Về giáo dục kỹ năng, trước hết chúng ta phải giúp học sinh hình thành nhân cách con người có tâm, có trách nhiệm. Trên cơ sở ấy mà các em hình thành kỹ năng, khác với việc dạy cho con người mới về kỹ năng hình thức để đối phó với cuộc sống.
* Để học tập đạt hiệu quả cao và trở thành người thành đạt, học sinh trung học thời nay cần phải làm gì, thưa ông?
- Xã hội nước ta đang trong quá trình phát triển. Trong xã hội phát triển, giá trị thật về tài năng và đức độ sẽ được tôn trọng thật sự. Học sinh trung học hôm nay cần phải học tập và rèn luyện thực chất để được trọng dụng trong xã hội ấy. Các em phải tự xây dựng cho mình kế hoạch học tập tốt, phải chọn cho mình phương pháp học tập phù hợp để có năng lực thật, khác với những thủ thuật mánh lới; đồng thời phải có lòng tự trọng, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Sự dựa dẫm chỉ là nhất thời, năng lực thực chất mới là vĩnh cửu.
* PHẠM TUẤN HUY(lớp 12 toán Trường phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM, HCV toán quốc tế 2013):
Học vì tò mò
Ảnh: H.Hương |
- Mục tiêu của việc học là để thu nhận thêm kiến thức chứ không phải học vì thành tích. Đối với tôi, học vì tò mò nên có hứng thú để học. Không phải sự tò mò nào cũng xuất phát từ đam mê, mà tôi tò mò vì những điều mới lạ, vì nhu cầu bản thân muốn tìm hiểu sâu hơn. Ví dụ: một số bạn ngán học môn sử, môn địa nhưng tôi lại đặt bài học trong mối liên quan đến cuộc sống hiện tại của mình nên thấy các môn này rất thú vị. Tôi thích môn toán nhất, nhưng tôi đến với các môn khoa học xã hội với tâm thế là người tìm hiểu về nó chứ không phải học thuộc lòng để lấy điểm.
Không biết các bạn khác ra sao nhưng riêng tôi, tôi rất ghét học theo kiểu nghĩa vụ, tự gò bó mình trong học tập. Nếu cảm thấy mệt và không hứng thú, tôi sẽ ngủ hoặc chơi đàn chứ không ngồi vào bàn học. Ngoài giờ học, tôi cũng có nhiều thú vui như các bạn đồng trang lứa, cũng thường xuyên lên mạng xem tin tức, cũng mê xem tivi...
* CHU HÀ THANH(cựu sinh viên Trường ĐH Lao động xã hội):
Thừa và thiếu
Ảnh nhân vật cung cấp |
Có những môn học ở trường ĐH đến bây giờ tôi vẫn không hiểu học để làm gì vì tôi không sử dụng được gì từ môn học đó. Trong khi có nhiều thứ tôi cần và không còn cách nào khác phải tự học. Có những cái đơn giản như quản lý thời gian như thế nào, tổ chức công việc của cá nhân mình thế nào để hiệu quả và đỡ tốn sức. Tôi đang làm việc tại một ngân hàng, tôi phải học cả cách xử lý những tình huống cụ thể với khách hàng, làm cách nào để thuyết phục khách hàng của mình...
Theo tôi, ngay từ khi học phổ thông, học sinh cần được trang bị, được tư vấn cách tự học, cách vượt qua khó khăn trong công việc, cách hợp tác với bạn học (sau này là cộng sự) để làm tốt nhất công việc...
PGS VĂN NHƯ CƯƠNG: Máy móc, thiếu kiến thức thực tế Học sinh VN cực kỳ yếu về tư duy vận dụng thực tế. Bài toán giải được trên giấy ra đáp số đúng lại không hẳn là kết quả có thể vận dụng trong tính toán thực tiễn. Chẳng hạn một bài toán đòi hỏi học sinh tính số viên gạch phải mua khi muốn lát một diện tích sàn với thông số cụ thể chiều dài, chiều rộng khi áp công thức sẽ khiến đa số học sinh VN chọn đáp án 19,5 viên gạch. Trong khi thực tế không ai mua 19,5 viên và cũng chẳng ai xẻ gạch ra để bán lẻ 19,5 viên gạch cả. Nên dù được điểm PISA cao, nhưng học sinh VN vẫn máy móc, thiếu những kiến thức thực tế. Điều này không chỉ đòi hỏi tư duy của các em phải thay đổi, mà cần thiết thay đổi chính cách dạy - cách học gạo trong nhà trường hiện nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận