Từ những cảm xúc dạt dào ấy, tôi đã tìm hiểu nhiều hơn thông tin về biển đảo Việt Nam, về Trường Sa qua sách báo, tài liệu, mạng... Càng tìm hiểu, tôi thấy mình như một người có lỗi vì chưa làm được gì cho Trường Sa. Cho đến một ngày, tôi dạy bài địa lý “Ôn tập: Địa lý tự nhiên Việt Nam”, khi nói đến vùng biển Việt Nam, bất chợt tôi đã đem hết tình cảm bấy lâu nay về Trường Sa yêu thương để giảng cho học trò. Tôi đã cho học sinh biết về “đường lưỡi bò“ hết sức phi lý mà Trung Quốc dựng lên. Tôi đã say sưa giảng về Trường Sa, vùng đất máu thịt của đất nước, vùng đất mà để giữ nó không chỉ có mồ hôi mà còn có máu và nước mắt. Minh họa cho lời giảng của tôi là hình ảnh của các chiến sĩ trên đảo đăng trên Tuổi Trẻ sáng hôm ấy, tôi cũng đọc cho các em nghe vài đoạn trong bài viết trên báo.
Những lời giảng, những minh họa mà tôi không hề chuẩn bị trong giáo án hôm đó thế mà lại thật sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh. Tiết dạy thành công. Nhưng với tôi, điều lớn nhất mà tôi đạt được là cảm giác tôi đã làm được chút gì đó cho Trường Sa, “trả nợ” phần nào đó cho Trường Sa.
Sau bài dạy ngày hôm ấy đến nay, tôi nhận ra tôi có thể đóng góp cho Trường Sa bằng công việc của mình. Đó là nói về Trường Sa trong các bài dạy phù hợp, giảng giải, truyền cảm xúc về Trường Sa cho các em. Qua lời giảng của mình, các học sinh nhỏ của tôi hiểu được chủ quyền biển đảo Việt Nam có cả Trường Sa thân yêu và mọi người dân Việt Nam luôn hướng tới Trường Sa bằng cả tấm lòng mình, bằng mọi hành động yêu nước của mình. Tôi luôn hi vọng đốm lửa nhỏ bé tôi nhen nhóm cho các em hôm nay sẽ bùng cháy mạnh mẽ trong tương lai khi các em trưởng thành, để các em có thể đóng góp cho biển đảo quê hương nói chung, Trường Sa nói riêng nhiều hơn tôi hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận