10/06/2023 11:45 GMT+7

Bài giải gợi ý môn văn thi lớp 10 tại Hà Nội

Mời bạn đọc theo dõi bài giải gợi ý môn văn thi lớp 10 tại Hà Nội. Đề thi văn năm nay được đánh giá an toàn, điểm thi tập trung ở khoảng 7-8 điểm.

Bài giải gợi ý môn văn thi lớp 10 tại Hà Nội - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi lớp 10 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Phần I:

1. Hoàn cảnh sống của ba cô gái thanh niên xung phong:

+ Họ sống và chiến đấu trên 1 cao điểm, trọng điểm (ở trong 1 cái hang dưới chân cao điểm, đường bị đánh lở loét...).

- Công việc:

+ Chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch (bị bom vùi luôn...).

+ Sau mỗi trận bom: phải lên ngay trọng điểm để đo và ước tính khối lượng đất đá bị địch đào xới, đếm, đánh dấu những quả bom chưa nổ, rồi ngay sau đó là nhiệm vụ phá bom (đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay ì ầm, thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu "thần chết là một tay không thích đùa"...).

2. Sự im lặng được nói tới trong đoạn trích trên báo hiệu máy bay địch chuẩn bị đánh phá bom ác liệt xuống trọng điểm Trường Sơn.

- Những hành động của Nho và Thao (chụp mũ sắt trên đầu, chị Thao thong thả nhai bánh bích quy) trước điều sắp xảy ra ấy giúp ta hiểu về hai nhân vật này: Chủ động, bình tĩnh, dũng cảm, gan dạ, sẵn sàng ứng phó vì đã quen thuộc trước những cơn mưa bom bão đạn giặc Mỹ giội xuống nơi cao điểm Trường Sơn.

3. Hình ảnh các cô gái thanh niên xung phong quả cảm kiên cường và tình đồng đội khắng khít trên tuyến lửa Trường Sơn đã trở thành đề tài sôi nổi của văn học thời chống Mỹ. Lê Minh Khuê, một nhà văn nữ trưởng thành trong khói lửa chiến tranh đã đã khắc họa vẻ đẹp kiêu hùng của thời đại qua truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi.

Truyện phản ánh hiện thực khốc liệt của chiến tranh đồng thời ánh lên vẻ đẹp tâm hồn như những vì sao lung linh ngời sáng của những cô gái thanh niên xung phong Nho, Thao, Phương Định. Và đến với truyện ngắn, người đọc không những cảm phục, ngưỡng mộ trước tinh thần dũng cảm, gan dạ, lý tưởng sống cao đẹp và tâm hồn trong sáng, giàu mơ mộng, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong mà còn xúc động trước tình đồng đội thắm thiết của họ.

Trong tâm hồn các cô gái luôn thường trực một tình cảm đồng chí, đồng đội nồng ấm. Ta thấy tấm lòng vị tha, luôn quan tâm đến đồng chí, đồng đội của Phương Định, lo lắng, sốt ruột khi đồng đội lên cao điểm chưa về. Luôn trìu mến yêu thương bạn bè qua cách Phương Định nhận xét về Nho, phát hiện ra vẻ dễ thương: "Nhẹ mát như một que kem trắng" của bạn, cô cũng rất hiểu các sở thích và tâm trạng chị Thao...

Hay cách họ chăm sóc nhau tận tình khi có người bị thương. Ta không quên được hình ảnh Phương Định bế Nho đặt trên đùi mình, nhìn thấy "máu cánh tay Nho túa ra, ngấm vào đất" cho đến cảm giác nhìn đồng đội "không giống như cái que kem trắng khi nãy nữa... da xanh đi, mắt nhắm nghiền, quần áo đầy bụi...".

Rồi hành động rửa vết thương cho Nho, pha sữa cho đồng đội uống… như những người thân ruột thịt, thật là cảm động, cao cả và thiêng liêng cho tình đồng đội, đồng chí. Họ còn rất yêu mến và cảm phục tất cả những người chiến sĩ mà họ đã gặp hằng đêm trên trọng điểm của con đường vào mặt trận. Vâng! Thật tinh tế! Ngòi bút cùa Lê Minh Khuê đã miêu tả sinh động, chân thực tâm lý, tính cách nhân vật với thế giới nội tâm phong phú nhưng trong sáng.

Cách nhìn, cách thể hiện con người thiên về cái tốt đẹp, cao thượng, tất cả mọi hành động đều hướng vào cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc. Điều góp phần làm nên sức mạnh để cho những cô gái trẻ ấy vượt qua gian khổ, ác liệt sẵn sàng hi sinh phải chăng là tình đồng đội keo sơn gắn bó. Đó cũng là cảm hứng chủ đạo của một thời để nhớ, một thời không thể nào quên.

Chú thích:

Câu cảm thán: Vâng!

Phép nối: Và

4. Bài thơ "Tiểu đội xe không kính " của Phạm Tiến Duật.

Phần II:

1. Thành phần biệt lập phụ chú có trong đoạn thư trên:

"dù là thể xác hay tinh thần, dù là vết xước nhỏ hay nỗi đau sâu"

2. Qua đoạn thư ở trên em cảm nhận tấm lòng thương con vô hạn và sâu sắc của một người bố. Tấm lòng đó thể hiện qua câu "Mái tóc bạc của bố phần nhiều là lo lắng cho con, dù là thể xác hay tinh thần".

Tấm lòng của người bố được bộc lộ qua những lời tâm sự với con:

- Bố yêu con biết nhường nào. Yêu những khoảnh khắc hồn nhiên, vui tươi của con. Bố yêu con bằng cả trái tim mình, trong mọi hoàn cảnh.

- Bố day dứt vì những lần nóng giận, trách phạt con.

- Bố nhớ từng kỷ niệm khi con còn thơ, xót xa khi con phải chịu bất kỳ tổn thương nào.

Qua đó, ta có thể cảm nhận được tấm lòng của người bố luôn dõi theo con, dù bố không nói nhiều thành lời, nhưng bố luôn quan sát, cảm nhận, thấu hiểu và lo lắng cho con. Người bố yêu con bằng tình yêu của sự chở che, nhún nhường, thầm lặng nhưng vững chãi.

"Con là nỗi buồn của Cha

Dù to bằng trời

Cũng sẽ được lấp đầy

Con là niềm vui của Cha

Dù nhỏ bằng hạt vừng

Ăn mãi không bao giờ hết"

Y Phương

3. "Nếu bạn đi được trên mặt nước, bạn không hơn gì cọng rơm. Nếu bạn bay được trên không trung, bạn không hơn gì con chim. Nhưng nếu bạn biết kiềm chế chính bản thân mình thì bạn mới thực sự là con người.". Napoleon cũng từng nói: "Thắng một vạn quân không bằng tự thắng mình". Việc kiềm chế cảm xúc là một điều vô cùng khó khăn nên nhiều khi chúng ta đã bộc lộ những cảm xúc để cho những người thân yêu phải lo lắng và đau khổ. Việc đôi khi không thể làm chủ cảm xúc bản thân là một điều hiển nhiên.

Làm chủ cảm xúc bản thân là gì? Là điều khiển được cảm xúc của chính bản thân mình. Không thể hiện sự mất bình tĩnh và tức giận khi gặp điều phi lý. Không bộc lộ nỗi đau riêng tư gây sự lo lắng cho người thân. Biết mỉm cười khi lòng mình chua chát.

Trong bức thư trên, người con ít cười làm cho người bố lo lắng. Khi người bố nóng giận trách phạt con, nếu người con biết kiềm chế không thể hiện nỗi buồn, không bật lên tiếng khóc thì người bố đã bớt đi những niềm đau.

Có một người con khi mẹ đánh đau không bao giờ khóc. Khi người mẹ đánh không đau người con mới òa khóc vì biết mẹ mình không còn khỏe nữa. Nhưng nếu người mẹ biết kiềm chế và không đánh con thì người con sẽ không biết được mẹ mình đang già yếu.

Có những người mẹ đơn thân, mang chứng bệnh nan y nhưng vẫn đi kiếm tiền hằng ngày và đã giấu con để cho con được yên tâm học hành, vui chơi cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng.

Để có thể kiềm chế cảm xúc tốt hơn chúng ta phải biết thương yêu, hi sinh và tôn trọng cảm xúc của người khác.

Cách giải khác

"Trên đường đời, một lần tôi vấp ngã

Có cánh tay nâng đỡ giúp tôi ngồi

Tôi xuýt xoa, Quên cảm ơn, Là lúc

Ngẩng mặt lên. Người ấy đã đi rồi"

(Lê Minh Quốc, Từng ngày ba mẹ thở theo con.)

Có những khi ta chỉ cần không kịp nhận ra cảm xúc của mình thì đã không còn cơ hội để tỏ bày. Có những khi ta không biết được có những người thầm lặng dõi theo từng hơi thở, cảm xúc của ta. Có khi ta đâu biết rằng, những cảm xúc của ta ảnh hưởng không hề nhỏ đến những người ta thương yêu.

- Giải thích: Cảm xúc của con người là điều đẹp đẽ, trải nghiệm cần thiết, nhưng cũng khó kiểm soát.

- Vì sao cần làm chủ cảm xúc bản thân:

+ Làm chủ cảm xúc của bản thân sẽ giúp con người hiểu được chính mình, biết lắng nghe, quan sát, tôn trọng cảm xúc bản thân và của người khác.

+ Trong quá trình vun đắp tâm hồn con người, hiểu và làm chủ được cảm xúc của bản thân sẽ ngày càng trưởng thành, nhẫn nại, kiên trì.

+ Làm chủ cảm xúc bản thân giúp con người cảm nhận được những giá trị tích cực của cuộc sống, tạo thêm nhiều mối quan hệ tốt đẹp. Người có cảm xúc, suy nghĩ tích cực sẽ tạo ra trường năng lượng tích cực mang lại cho những người xung quanh mình cảm giác tích cực, tốt đẹp. Cuộc sống thuận lợi, may mắn. Từ đó, cuộc sống con người trở nên có ý nghĩa hơn.

+ Khi làm chủ được cảm xúc bản thân, ta sẽ hướng đến những cảm xúc tích cực, năng lượng tích cực, kiềm chế hoặc hóa giải được những cảm xúc tiêu cực. Từ đó, tạo nên thành công trong giao tiếp, công việc và cả đời sống tinh thần, tình cảm.

+ Người làm chủ được cảm xúc bản thân là người hiểu ta, hiểu người. Quản lý cảm xúc tốt còn là một trong những lợi thế của người làm việc lớn, quản lý nhân sự tốt.

- Bài học mở rộng:

+ Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, năng động, thân ái bằng nhiều nguồn: gần gũi những người có suy nghĩ tích cực, truyền cảm hứng; đọc sách nuôi dưỡng tâm hồn; tham gia các hoạt động xã hội, thể thao, nghệ thuật; hướng đến những giá trị sống đẹp, lạc quan, sáng tạo.

+ Tôn trọng cảm xúc của người khác, tránh những lời nói, hành động chỉ trích, phán xét, tiêu cực. Hãy chân thành khi góp ý, khen ngợi khi cần thiết, chia sẻ khi có cảm xúc tiêu cực: Bài học từ xe rác, bài học từ những câu chuyện truyền cảm hứng…

+ Đừng để cảm xúc tiêu cực lấn chiếm, làm chủ tâm hồn và cuộc sống của chúng ta.

"Tôi đã học được rằng mọi người sẽ quên những gì bạn nói, sẽ quên những gì bạn đã làm. Nhưng họ sẽ không bao giờ quên cảm xúc bạn đã mang lại cho họ" - Maya Angelou. "Nếu ngày đó một trong hai ta biết nghĩ, thì bây giờ ta đã mất nhau chưa?".

Có nhiều người đã nhận lấy một hậu quả đau lòng khi không biết kiềm chế cảm xúc nên đã thốt lên một câu "Nếu hồi đó tôi biết kiềm chế cảm xúc của mình và không hành động như thế, thì bây giờ đời tôi đã khác".

PHAN THỊ XUÂN REO - HỒ THỊ GIÁNG THU (THPT Vĩnh Viễn)

Tuyển sinh lớp 10 TP.HCM: Băn khoăn độ mở, ngữ liệu của đề môn ngữ vănTuyển sinh lớp 10 TP.HCM: Băn khoăn độ mở, ngữ liệu của đề môn ngữ văn

Hai ngày sau khi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM khép lại, đề thi môn ngữ văn vẫn nhận được nhiều góp ý với mong muốn có đề thi chuẩn hơn ở những năm sau.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên