22/06/2017 10:10 GMT+7

Bài giải gợi ý đề văn THPT Quốc gia 2017

 PHẠM THỊ THANH NGA - GV Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong
PHẠM THỊ THANH NGA - GV Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong

TTO - Mời bạn đọc xem bài giải gợi ý môn Văn THPT Quốc gia 2017 do cô Phạm Thị Thanh Nga - giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) thực hiện

Ảnh: Thu Trang
Ảnh: Thu Trang

I.       ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận

Câu 2. Theo tác giả, thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ.  Thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. 

Câu 3. Những  hành vi của đứa trẻ ba tuổi (chìa con gấu bông của mình cho em bé sơ sinh đang khóc để dỗ nó), cô gái có bạn bị ốm (nhăn mặt khi theo dõi bạn mình trên giường bệnh chật vật uống một viên thuốc đắng), cậu bé Bồ Đào Nha (tiến tới an ủi một fan người Pháp khi Pháp thua Bồ Đào Nha trong trận chung kết Euro, đợi tới khi anh ấy đi khuất hẳn rồi mới tiếp tục phất cờ mừng chiến thắng) được nhắc đến trong đoạn trích là biểu hiện của sự thấu cảm trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.

Những hành vi ấy chứng tỏ ba nhân vật được đề cập là những người có khả năng thấu cảm, biết đặt mình vào vị trí của người khác, nhìn thế giới bằng con mắt của người khác để hiểu được suy nghĩ của mọi người, cảm được cảm xúc của mọi người và từ đó chia sẻ với mọi người. Nhờ vậy mà cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Câu 4. Ý kiến "Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm" là một ý kiến đúng đắn vì:

- Lòng trắc ẩn là sự thương xót dành cho ai đó, chỉ khi có sự thấu hiểu, cảm thông cho cảnh ngộ của đối phương thì ta mới có lòng trắc ẩn

- Sự thấu cảm là khả năng hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn về người khác

- Chính sự thấu cảm - thấu hiểu sâu sắc tình cảm, suy nghĩ, hoàn cảnh của người khác - sẽ giúp ta có lòng trắc ẩn - sự thương xót dành cho người khác.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống:

a. Về hình thức: cần triển khai vấn đề nghị luận thành đoạn văn hoàn chỉnh; lập luận chặt chẽ, kết hợp giữa lý lẽ và dẫn chứng; diễn đạt trôi chảy; dung lượng đoạn phù hợp.

b. Về nội dung: Học sinh có thể triển khai bài làm theo nhiều cách khác nhau Sau đây là một vài gợi ý:

- Sự thấu cảm có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống:

+ Sự thấu cảm là nguyên nhân dẫn đến sự đồng điệu, sẻ chia, là cội nguồn của lòng trắc ẩn, tình yêu thương; nhờ có sự thấu cảm mà con người có cái nhìn hiểu biết, thấu đáo, trọn vẹn về người khác, từ đó biết nghĩ cho người, sống vì người. Tác dụng kì diệu của sự thấu cảm là mang con người xích lại gần nhau.

+ Sự thấu cảm cũng là cơ sở, nền tảng để người ta không ngừng làm giàu vốn sống và hoàn thiện nhân cách bản thân.

- Phê phán những người sống dửng dưng, vô cảm với người khác

- Rút ra bài học cho bản thân: phải biết thấu cảm với mọi người không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng hành động cụ thể.

Câu 2: Nghị luận văn học (5 điểm): Cảm nhận về đoạn thơ trong bài Đất Nước. Từ đó bình luận quan niệm về Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm.

a. Về hình thức: đảm bảo cấu trúc bài nghị luận; xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm cụ thể; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

b. Về nội dung: Thí sinh có thể triển khai bài làm theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo các nội dung chính sau:

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn thơ

- Cảm nhận về đoạn thơ:

+ Tác giả đã “chiết tự” để giải thích, cắt nghĩa hai tiếng Đất Nước:

*  Nếu tách thành những thành tố ngôn ngữ độc lập thì Đất và Nước chỉ có ý nghĩa là không gian sinh tồn về mặt vật chất của con người cá thể.

*  Nếu hợp thành một danh từ thì Đất Nước lại có ý nghĩa tinh thần thiêng liêng, chỉ không gian sinh sống của cả một cộng đồng người như anh em một nhà.

+ Tác giả đã thể hiện nhận thức về đất nước trên cả hai phương diện: không gian địa lí (chiều rộng) và thời gian lịch sử (chiều dài):

*  Về không gian địa lí: Đất Nước là núi sông rừng bể, là nơi sinh sống của mỗi người, là nơi tình yêu đôi lứa nảy nở, là không gian sinh tồn của cộng đồng dân tộc qua bao thế hệ.                                                                       

*  Về thời gian lịch sử: Thời gian của Đất Nước bắt nguồn từ quá khứ hào hùng, thiêng liêng, trải dài và nối kết đến cả hiện tại và tương lai. Cứ như vậy, các thế hệ nhân dân nối tiếp nhau trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

+ Nghệ thuật: thể thơ tự do, giọng thơ trữ tình – chính luận, cách sử dụng sáng tạo các yếu tố ca dao, truyền thuyết dân gian, cấu trúc định nghĩa, ngôn từ giản dị, gợi cảm,…

- Bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm: đây là quan niệm hết sức sâu sắc và mới mẻ:

+ Đất Nước được cảm nhận như sự thống nhất của các phương diện lịch sử, địa lý, văn hóa, truyền thống, phong tục, cái hằng ngày và cái vĩnh hằng, trong đời sống mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

+ Đất Nước hiện ra trong thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông nhưng rất đỗi bền vững, bất biến, không gì có thể lay chuyển nổi. Nói cách khác, Đất Nước sẽ muôn đời phát triển.

+ Đất Nước thiêng liêng, lớn lao, kì vĩ nhưng cũng thật gần gũi, giản dị. Đất Nước là của Nhân dân, Nhân dân là người tạo nên đất nước. Chính quan niệm này đã khơi dậy trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng và bảo vệ Đất Nước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thời đại lúc bấy giờ.

=> Quan niệm của Nguyễn Khoa Điềm vẫn còn nguyên giá trị đến tận hôm nay và mãi mãi về sau. Quan niệm này giúp các bạn trẻ thấy được tình yêu và trách nhiệm của mình đối với Đất Nước.

PHẠM THỊ THANH NGA - GV Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục