22/04/2021 16:51 GMT+7

Bãi cát trái phép gần 2 năm, chính quyền nói xử chậm vì lực lượng mỏng

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Sau phản ánh của Tuổi Trẻ Online, UBND huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) đã lập đoàn liên ngành kiểm tra và lập biên bản xử phạt hành chính, buộc xóa bỏ bãi cát tồn tại trái phép gần 2 năm.

Bãi cát trái phép tồn tại gần hai năm - Video: TRUNG TÂN

Liên quan vụ bãi cát trái phép ngang nhiên tồn tại gần 2 năm cạnh quốc lộ 29, chiều 22-4, ông Nguyễn Ngọc Duẩn - trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Ea Kar - cho biết ngay trong chiều 20-4, huyện đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra bãi cát trái phép của Tập đoàn khoáng sản Hải Anh tại buôn Ea Puk, Ea Sô (Ea Kar).

Theo ông Duẩn, sau khi có phản ánh của Tuổi Trẻ Online, ông đã thành lập đoàn gồm các ngành tài nguyên - môi trường, thuế, công an… kiểm tra thực tế bãi cát này.

"Đến thời điểm kiểm tra, Tập đoàn khoáng sản Hải Anh chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp (hoặc đất tập kết vật liệu xây dựng) nhưng đã tập kết hàng ngàn mét khối cát tại buôn Ea Puk. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt hành chính để tham mưu UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính.

Ngoài bị xử phạt bằng tiền, Tập đoàn khoáng sản Hải Anh phải khắc phục lại hiện trạng ban đầu. Tập đoàn này cũng không được tập kết cát tại đây đến khi có giấy phép", ông Duẩn khẳng định.

Về lý do bãi cát trái phép tồn tại quá lâu nay mới bị xử lý, ông Duẩn nói do nhân sự mỏng, địa bàn rộng nên không thể nắm bắt hết tất cả các vi phạm. "Chúng tôi đã yêu cầu các xã phải nâng cao việc theo dõi, kiểm tra để ngăn chặn các vi phạm tương tự", ông Duẩn nói.

Bãi cát trái phép gần 2 năm, chính quyền nói xử chậm vì lực lượng mỏng - Ảnh 2.

Xe cát vẫn nhận cát, chuyển đi các nơi (ảnh chụp chiều 22-4) - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, quá trình kiểm tra phát hiện Tập đoàn Hải Anh còn tồn gần 4.500m3 cát trên diện tích gần 1.300m2. Ngoài ra, trên thửa đất, tập đoàn này còn tự ý xây dựng nhà điều hành gần 53,2m2 và một khu nhà tiền chế hơn 150m2 để làm bếp, khu vệ sinh.

Nói thêm về vấn đề này, ông Hoàng Anh Dũng - phó chủ tịch UBND xã Ea Sô - cho biết tháng 3-2020, sau phản ánh của người dân, trưởng buôn Ea Puk, địa phương đã cho kiểm tra, ra quyết định xử phạt hành chính, buộc di dời khoảng 10.000m3 cát để khôi phục hiện trạng nhưng tập đoàn này không chấp hành.

Không những không chấp hành, Tập đoàn Hải Anh liên tiếp chuyển cát từ Gia Lai, Phú Yên về tập kết tại đây, rồi mới bán đi các nơi theo các tuyến quốc lộ 29, 26.

"Tập đoàn Hải Anh có mỏ cát tại thôn 4, xã Ea Sô nhưng cát sau khi cập bến thì chuyển đi các nơi, chứ không đưa về bãi tập kết này. Bãi tập kết chỉ nhận cát từ Phú Yên, Gia Lai về. Tuy nhiên, việc xử phạt về xe quá khổ, quá tải không phải thẩm quyền của địa phương, chỉ có thể đề nghị lên trên", ông Dũng nói.

'Cát tặc' vẫn lộng hành trên dòng Krông Nô, dân sập nhà mất đất đến bao giờ?

TTO - Hoạt động của thủy điện, nhất là nạn khai thác cát lậu chưa được kiểm soát khiến sông Krông Ana (sông Mẹ) và sông Krông Nô (sông Cha) - hai nhánh của dòng sông Sêrêpốk - ngày càng sạt lở, dân mất đất, sập nhà không biết đến bao giờ.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên