04/05/2018 15:19 GMT+7

Bạch Hổ và mỏ dầu khổng lồ dưới tầng đá móng

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Dầu từ đâu? Nếu xác định dầu từ đá móng thì các kế hoạch, đầu tư triển khai thăm dò dầu khí trong trầm tích đến thời điểm đó đều trật. Tất cả phải làm lại...

Bạch Hổ và mỏ dầu khổng lồ dưới tầng đá móng - Ảnh 1.

Phiên họp căng thẳng của Vietsovpetro khi chưa tìm thấy dòng dầu thương mại lớn ở mỏ Bạch Hổ - Ảnh tư liệu của Vietsovpetro

Lật lại hành trình tìm "vàng đen" gian nan của Việt Nam, hiếm người biết các tàu dầu xuất khẩu đầu tiên thu về đôla Mỹ đã được sử dụng ngay lập tức để trả nợ và mua những thứ khẩn thiết cho đất nước thời cực kỳ khó khăn.

Căng thẳng nội bộ

Tàu chứa và xử lý dầu Krum thường trực ở mỏ Bạch Hổ khai thác được bao nhiêu, bán ngay bấy nhiêu.

Bên ngoài, báo chí hồ hởi đưa tin vui về "Petrodollars" - ngoại tệ mạnh từ dầu khí. Nhưng với những người của Vietsovpetro, kết quả này còn rất nhiều thử thách.

Tổng lượng dầu khai thác ở mỏ Bạch Hổ năm 1986-1987 chưa nổi 100 tấn mỗi ngày và còn đang tụt giảm dù mới bắt đầu khai thác. Nếu tình trạng không cải thiện, kế hoạch tự chủ dầu khí Việt Nam sẽ bế tắc...

"Tại sao mỏ dầu Bạch Hổ, niềm hi vọng lớn nhất của Việt Nam, lại có lượng dầu ít ỏi như vậy? Có cái gì không đúng ở đây? Tài liệu Mobil báo cáo chính quyền Sài Gòn về lưu lượng 2.400 thùng dầu/ngày ở mỏ Bạch Hổ - 1X là giả hay chúng ta đã làm sai điều gì?" - TS Trương Minh nhớ lại.

Điều đặc biệt ở đây là nếu như các công ty Mỹ trước tháng 4-1975 tiến hành thăm dò trước mỏ Bạch Hổ rồi mới quyết định đầu tư khai thác thì liên doanh Vietsovpetro đầu tư ngay từ đầu với quyết định bỏ ra rất nhiều tiền cho cơ sở dịch vụ dầu khí ở Vũng Tàu với giàn khoan MSP 1, MSP 2 trên thềm lục địa.

Có thể gọi cách làm này của Vietsovpetro là đi tắt, mạnh bạo, nhưng cũng rất nguy hiểm vì có thể... xôi hỏng bỏng không. Bởi thời điểm đó những đồng ngoại tệ vô cùng quý giá đối với Việt Nam trong bối cảnh toàn dân đang thiếu cả miếng ăn...

Tình hình nội bộ Vietsovpetro lúc đó hết sức căng thẳng. Sản lượng dầu nghèo nàn thu được từ mỏ Bạch Hổ giai đoạn này đã làm nhiều lãnh đạo từ chức, kể cả trưởng đoàn Liên Xô. Có những cuộc họp của ban giám đốc phải đóng kín cửa, bởi sợ những lời căng thẳng lọt ra ngoài.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thị sát liên doanh Việt - Xô, yêu cầu phó tổng giám đốc phụ trách địa chất Ngô Thường San báo cáo rõ hiện trạng.

Tiếp tục... khoan

Cuộc tìm kiếm giếng dầu thương mại ở Bạch Hổ lại tiếp tục. 20h ngày 16-8-1986, giếng Bạch Hổ - 6 được tàu khoan Mikhain Mirchin khởi công với kỹ sư trưởng địa chất Ghinmanov.

Phó tổng giám đốc Ngô Thường San ký biên bản đặt vị trí và nhiệm vụ của giếng khoan Bạch Hổ - 6. Chiều sâu thiết kế giếng khoan 3.700m bằng phương pháp khoan thẳng đứng.

Một số dấu hiệu ban đầu cho thấy giếng khoan này ít triển vọng. Không ai nói ra nhưng đã có những suy nghĩ về kết quả kém lặp lại của các giếng dầu trước.

Ngày 11-5-1987, tàu Mikhain Mirchin cho dừng mũi khoan để tiến hành thử vỉa. Một tuần trước đó, vào lúc 16h ngày 5-5-1987, mũi khoan từ Mirchin đã xuống độ sâu 3.533m vào tầng móng phong hóa.

Tài liệu của Vietsovpetro còn ghi lại chi tiết sự kiện có tính bước ngoặt lịch sử của ngành dầu khí Việt Nam: "Đối tượng 1 thử từ chiều sâu 3.508 -3.515m. Thử lần thứ nhất, lưu lượng dầu 505m3/ngày đêm, khí 23.000m3/ngày đêm qua côn đường kính 15,08mm...

Thử lần hai ngày 24-5-1987, lưu lượng dầu 477,1m3/ngày đêm, khí 31.700m3/ngày đêm. Trong biên bản thử lần cuối cùng, xác định lưu lượng dầu 477,1m3/ngày đêm...".

Ông Ngô Thường San, người trong cuộc của sự kiện đặc biệt này, kể lại khi nhận được tin này vừa vui mừng vừa ngỡ ngàng.

Dầu từ đâu? Kết quả thực tế gây không ít bối rối. Các quan điểm trước đó của thế giới và Liên Xô đều cho rằng dầu được sinh ra từ trầm tích bên trên chứ không thể có trong đá móng ở tầng dưới.

Điều đặc biệt là nếu xác định dầu từ đá móng thì các kế hoạch, đầu tư triển khai thăm dò dầu khí trong trầm tích đến thời điểm đó đều trật. Tất cả phải làm lại, kể cả "Sơ đồ khai thác thử công nghiệp mỏ Bạch Hổ", chắc chắn sẽ tốn kém thêm và kéo dài thời gian.

Cuối cùng Vietsovpetro chọn lựa dung hòa hai quan điểm khác biệt trên. Cả lớp đáy trầm tích và lớp vỏ phong hóa móng là một đối tượng khai thác dầu khí.

Bạch Hổ và mỏ dầu khổng lồ dưới tầng đá móng - Ảnh 2.

Đuốc dầu bùng lên khi tàu khoan Mirchin tìm thấy dầu thương mại ở mỏ Bạch Hổ - Ảnh tư liệu của VSpetro

Bất ngờ 2.000 tấn dầu/ngày

Theo ông San, trong năm 1988 các công tác khoan thăm dò kết hợp khai thác từ các giàn cố định được đẩy mạnh với chủ trương mỗi giàn một giếng khoan. Và lần này sẽ khoan vào đá móng như đã khoan ở Bạch Hổ - 6 đã thu được kết quả tốt đẹp.

Ý kiến được đưa ra thảo luận phải khoan trở lại giếng khoan Bạch Hổ - 1 đã được hiện trước đó nhưng cho lưu lượng dầu rất thấp và đang bị tụt giảm dần.

Nhiều người ủng hộ ý kiến này, nhưng cũng có sự cảnh báo nguy hiểm vì với một giếng dầu khai thác, khi ống khai thác đã bị bắn thủng thì việc trở lại khoan tiếp là hết sức rủi ro.

Cục trưởng Cục Khoan Liên Xô Phuntov được mời nghiên cứu, cho ý kiến. Bàn bạc kỹ với ban giám đốc Vietsovpetro, ông Phuntov khẳng định có rủi ro nhưng vẫn làm được...

Năm 1988, giếng dầu Bạch Hổ được khoan trở lại, kế hoạch khoan sẽ được quyết định dựa theo tình trạng giếng.

TS San kể: "Khoảng 10h sáng 6-9-1988, tổng giám đốc Vovk của Vietsovpetro gọi điện cho tôi thông báo dòng dầu lên mạnh, áp suất rất cao. Hiện đang đóng giếng khoan để chờ ý kiến trong bờ.

Tin vui bất ngờ. Không thể đóng đầu giếng lâu vì lo thiết bị đầu giếng với áp suất thiết kế chịu không nổi nên ban lãnh đạo quyết định cho khai thác luôn bằng cần khoan, chờ đến khi áp suất giảm lúc đó mới sửa giếng và hoàn tất giếng theo đúng quy trình của một giếng khai thác...".

TS San nhớ lại niềm vui trên cả mong đợi. Giếng đã cho dòng dầu lớn, ước tính 2.000 tấn/ngày. Tin vui tràn ngập. Mặc dù đã tìm thấy và bán được dầu từ trước đó, nhưng đến lúc này Việt Nam mới thật sự tìm thấy mỏ dầu đạt trữ lượng thương mại trên thềm lục địa của mình.

Công cuộc tìm kiếm, khai thác dầu khí Việt Nam bước sang một trang mới, thành công...

Quyết tâm cao

Điều may mắn là ngay trong hoàn cảnh khó khăn ấy, quyết tâm tiếp tục của cả phía Việt Nam và Liên Xô đều rất cao.

Thứ trưởng Bộ Công nghiệp dầu Philimonov cùng các chuyên gia Liên Xô vừa tháo gỡ khó khăn vừa động viên tinh thần đội ngũ: cần tiếp tục tập trung tổ chức, đẩy nhanh tiến độ xây lắp và khai thác khu vực phía Bắc mỏ;

Tổ chức lại công tác kiểm tra khai thác; cử thêm chuyên gia công nghệ mỏ sang Vietsovpetro, xây dựng Viện nghiên cứu và thiết kế đủ mạnh để thực hiện thiết kế mỏ và công trình biển Việt Nam; phải bơm ép nước ngay để duy trì áp suất vỉa Bạch Hổ - 1 đang bị tụt...

_____________

Kỳ cuối: Làm gì khi mỏ Bạch Hổ cạn dầu?

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên