01/05/2018 16:29 GMT+7

Mỏ dầu Bạch Hổ: Cuộc tiếp quản tháng 5-1975

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Những ngày cuối tháng 4-1975, không khí tại Sài Gòn căng thẳng hơn bao giờ hết. Đại sứ Mỹ Graham Martin vẫn còn ở lại đến tận sáng 30.

Mỏ dầu Bạch Hổ: Cuộc tiếp quản tháng 5-1975 - Ảnh 1.

Một cuộc họp bàn về tiềm năng dầu khí VN ngay sau tháng 4-1975 - Ảnh tư liệu Vietsovpetro

Nhưng trước đó, nhiều người Mỹ và ngoại quốc khác ở Sài Gòn đã di tản bằng đường hàng không khi phi trường Tân Sơn Nhất còn chưa tê liệt vì pháo kích.

Trong đám đông hỗn loạn đó có lãnh đạo và nhân viên của các công ty dầu hỏa Pecten, Mobil, Esso, Sunningdale... làm việc ở Sài Gòn. Trong khi đó, từ Hà Nội, các chuyên gia đã sẵn sàng cho nhiệm vụ mới.

Chuyến bay sớm vào Sài Gòn

"Đầu thập niên 1970, ngoài nỗ lực thăm dò dầu khí sớm hơn cả miền Nam, ở vùng đồng bằng sông Hồng, Hà Nội cũng theo dõi sát sao từng bước đi của ngành dầu khí Sài Gòn" - TS địa vật lý Trương Minh, một trong những trụ cột khoa học của ngành dầu khí miền Bắc và Việt Nam sau này, nhớ lại. 

Bạn của ông, TS Trần Ngọc Toản, nguyên viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, chính là người theo dõi sát sao hành trình tìm dầu của chính quyền VNCH.

Ông Toản cho biết ngay từ trước tháng 4-1975, ông đã ghi chép chi tiết hành trình thăm dò dầu khí của miền Nam cùng với những sự kiện đặc biệt. Ngoài các thông tin báo chí Sài Gòn và quốc tế đăng tải, Hà Nội còn có những nguồn tin riêng của mình. 

Những hợp đồng của Sài Gòn ký với công ty dầu hỏa quốc tế, những mũi khoan xuống thềm lục địa và kết quả ra sao đều được ông theo dõi, ghi chép lại đầy đủ.

Chính vì vậy, ngay từ đầu tháng 5-1975, TS Toản đã cùng một số cán bộ công an lên chuyến bay sớm vào Sài Gòn. Nhiệm vụ của họ là nhanh chóng tiếp quản Ủy ban Quốc gia dầu hỏa và Tổng cuộc Dầu hỏa - khoáng sản Sài Gòn. 

Vừa xuống phi trường, ông tìm đến ngay văn phòng Tổng cuộc Dầu hỏa - khoáng sản trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có người đã di tản, nhưng vẫn còn người ở lại, vẫn đến văn phòng dù lúc này họ không còn nhận được chỉ thị làm việc nào từ cấp trên.

Trong số đó có kỹ sư địa chất Nguyễn Văn Vĩnh, tốt nghiệp chuyên ngành ở Đại học Dầu mỏ Texas, Hoa Kỳ. Đặc biệt, kỹ sư Vĩnh không chỉ là cuộc trưởng dầu hỏa, am hiểu tất cả vấn đề, mà còn là chứng nhân của các mũi khoan đầu tiên ở thềm lục địa. 

Điều khoản bắt buộc của chính quyền Sài Gòn cũ là các công ty dầu hỏa quốc tế phải cho người Việt Nam ra làm việc, học hỏi kinh nghiệm trực tiếp trên giàn khoan. Và kỹ sư Vĩnh cùng đồng nghiệp từ Sài Gòn đã bay trực thăng ra làm việc trên cả các giàn Glomar IV lẫn Ocean Prospector của hãng Pecten, Mobil.

Đặc biệt, ngoài các tài liệu tiếp cận được chính thức từ văn phòng Tổng cuộc Dầu hỏa - khoáng sản Sài Gòn, TS Toản còn thu được một tài liệu vô cùng quý giá ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất.

Tiêu đề tập tài liệu này là "Đánh giá khả năng dầu mỏ ở thềm lục địa Việt Nam" (Evaluation of oil possibilities in offshore Vietnam). Người viết không thấy ghi tên trên tài liệu, nhưng có chuyên môn rất cao khi đánh giá chi tiết cả hai mặt thuận lợi và không thuận lợi của khả năng tìm thấy dầu ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam.

Về thuận lợi, khảo sát địa vật lý đã cho thấy thềm lục địa này có các bồn trầm tích giống như các nước khu vực đã khai thác được dầu. Các cấu tạo địa chất đã được xác định bằng đo đạc khoa học. Thực tế dấu hiệu dầu cũng tìm thấy được ngay từ giếng khoan đầu tiên Hồng-1X. Các giếng khoan tiếp theo như Dừa-1X, Bạch Hổ-1X đều thu được dòng dầu ở mức độ có thể khai thác công nghiệp.

Riêng những vấn đề không thuận lợi thì với hiểu biết đến thời điểm đó, người viết tài liệu này cho rằng phần lớn tích tụ dầu trong các bồn trũng ngoài khơi Đông Nam Á có thể không đạt giá trị thương mại cao. Các mỏ dầu, khí ngoài biển ở Đông Nam Á có kích thước nhỏ... Phần lớn đều chứa khí. Giá trị thương mại khi khai thác dòng khí này có thể không được như mong muốn khi chúng đều nằm xa ở ngoài khơi...

Lúc đó, tình hình thiếu xăng dầu nghiêm trọng, cần phải đi vay dầu ở một số nước bạn.

Bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó chủ tịch nước)

Mỏ dầu Bạch Hổ: Cuộc tiếp quản tháng 5-1975 - Ảnh 3.

Ông Trần Ngọc Toản và cuốn sổ theo dõi tình hình thăm dò dầu khí thềm lục địa miền Nam Việt Nam - Ảnh: Q.VIỆT

"Cơn khát" xăng dầu bắt đầu

Đến gần cuối tháng 5-1975, nhóm cán bộ dầu khí từ miền Bắc vào đã tiếp cận được toàn bộ hồ sơ dầu của Sài Gòn. Đặc biệt là đội ngũ nhân lực chuyên dụng trong đây tuy còn hạn chế về số lượng nhưng đều được đào tạo bài bản theo hệ khoa học tiên tiến của phương Tây. Một số kỹ sư như Nguyễn Văn Vĩnh, Phí Lê Sơn đều rất cần thiết cho việc tái khôi phục và phát triển ngành dầu khí miền Nam.

Vừa chấm dứt bom đạn, Việt Nam hậu chiến đối diện ngay hàng loạt vấn đề khó khăn nghiêm trọng. Toàn bộ nguồn xăng dầu khổng lồ của Mỹ viện trợ trước đây đã bị cắt hẳn. Nguồn viện trợ từ Trung Quốc cũng giảm dần rồi chấm dứt. Tình hình khó khăn đến mức như TS Ngô Thường San - chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - kể, ngay cả các cán bộ cấp cao cũng phải đi làm bằng xe đạp. Nguồn dự trữ xăng dầu của nhiều địa phương hoàn toàn không còn nữa.

Nhiều lãnh đạo được giao nhiệm vụ "chạy" xăng dầu bằng cách duy nhất là đi vay mượn từ nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên phó chủ tịch nước - kể lại: "Gần một năm sau khi đất nước thống nhất, tôi từ bộ trưởng ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trở thành bộ trưởng Bộ Giáo dục nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Lúc đó, tình hình thiếu xăng dầu nghiêm trọng, cần phải đi vay dầu ở một số nước bạn. Vì trước đó tôi có một số quan hệ với nhiều nước Bắc Phi, những nước có dầu như Algeria, Libya, Iraq nên các đồng chí lãnh đạo yêu cầu tôi đi vay dầu. Khoảng tháng 6-1976, tôi bắt đầu cuộc vận động".

Bà Bình kể đã được tổng thống Iraq tặng 400.000 tấn dầu và cho vay 1 triệu tấn với lãi suất ưu đãi. Các nước khác như Algeria, Libya cũng hứa hẹn nhưng chưa trả lời ngay.

Trước tình hình này, nhiệm vụ tự lực đè nặng lên vai ngành dầu khí trong nước.

Dầu hỏa và chính trị

Sau khi tiếp quản Tổng cuộc Dầu hỏa - khoáng sản, ngày 5-5-1975, TS Trần Ngọc Toản tìm gặp giáo sư địa chất Trần Kim Thạch. Ông hỏi tại sao giáo sư Thạch lại phát biểu trên báo chí Sài Gòn là ở miền Nam Việt Nam không có khả năng có dầu. Giáo sư Thạch trả lời: "Tôi phát biểu như vậy vì lý do chính trị".

Ý ông Thạch muốn nói rằng giai đoạn cuối 1974 đầu 1975, Mỹ đã có dấu hiệu rõ ràng rời khỏi Việt Nam. Chính quyền VNCH sẽ mất viện trợ từ Mỹ. Dầu hỏa trở thành niềm hi vọng để VNCH có nguồn lực kinh tế để xốc dậy tinh thần tướng lĩnh và binh sĩ. Khẳng định "không có dầu", ông Thạch muốn xóa đi niềm hi vọng kéo dài cuộc chiến.

_________________

Kỳ tới: Sự trở lại của phương Tây

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên