19/03/2013 06:15 GMT+7

Bậc tiểu học cần miễn học phí

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Nhiều nhà giáo, phụ huynh cũng đề nghị giữ lại quy định “bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí” trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 để trẻ em trong gia đình khó khăn không chịu cảnh bỏ học.

Giữ lại quy định miễn học phí tiểu học

WNoLZ3iI.jpgPhóng to
Thêm nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định miễn học phí bậc tiểu học. Trong ảnh: một buổi học của học sinh Trường tiểu học Minh Tân B (xã Minh Tân, Vị Xuyên, Hà Giang) - Ảnh: Minh Tâm

Bà Trương Liên Lam (phụ huynh học sinh lớp 2 ở Q.Bình Tân, TP.HCM): Học sinh nghèo có thể bỏ học

Trong khi đó một giám đốc sở GD-ĐT ở ĐBSCL lại cho rằng việc miễn học phí bậc tiểu học nên để những nghị định dưới luật chi phối, Hiến pháp không cần đề cập đến. Và tùy theo tình hình từng địa phương, nơi nào còn khó khăn thì miễn, nơi nào khấm khá thì thu học phí.

Thật ra từ khi con tôi đi học lớp 1 tới giờ, tôi vẫn không biết cháu được miễn học phí chính khóa. Vì trong các khoản tiền đóng hằng tháng vẫn có khoản học phí buổi thứ hai. Nói chung, mức học phí vài chục ngàn đồng/tháng đối với gia đình tôi thì không có gì khó. Thế nhưng đối với một người bà con của tôi ở huyện Bình Chánh cũng có bé đang học lớp 2, thì số tiền vài chục ngàn đồng lại rất lớn.

Cứ vào đầu năm học mới, chị lại tất tả lên nhà tôi nhờ hỗ trợ cháu vài cuốn sách giáo khoa, tập vở, bút viết và cả quần áo cũ. Nếu yêu cầu chị phải đóng học phí nữa chắc chị cho con ở nhà quá. Ngay trên địa bàn TP.HCM đã có người này người kia chứ đừng so sánh giữa TP.HCM với các tỉnh khó khăn phía Bắc hoặc các tỉnh miền Đông Nam bộ. Do vậy, tôi đề nghị hãy giữ nguyên câu “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí” trong Hiến pháp mới.

Song song đó, Nhà nước nên ban hành một quy định về xã hội hóa giáo dục để huy động tiềm lực cho giáo dục trong những gia đình khấm khá.

Cô Lê Thị Liên (một giáo viên hưu trí ở Q.10, TP.HCM): Cái ăn còn không đủ

Dự thảo chỉ ghi chung chung “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” là không rõ ràng, nó như một sự phủ định cho quy định “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí” của Hiến pháp năm 1992. Đây là một sự “cải lùi” không phù hợp với sự phát triển chung của thế giới. Ở các nước phát triển, họ bao cấp về cả giáo dục và y tế. Còn ở nước ta kinh tế vẫn khó khăn, nếu không bao cấp hết được thì chí ít cũng phải giữ nguyên việc miễn học phí bậc tiểu học.

Tôi đã có bốn năm giảng dạy ở vùng quê nghèo. Có thể ở các đô thị lớn việc miễn học phí không ảnh hưởng, nhưng đối với vùng sâu vùng xa thì rất quan trọng. Nhiều em buổi sáng đi học, buổi chiều phải đi kiếm cơm, cái ăn còn không đủ thì làm sao các em có tiền đóng học phí để đi học? Nếu không được miễn học phí, sẽ có rất nhiều em phải nghỉ, bỏ học.

Ông Trần Văn Tám (Trường tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM): Lâu dài cần miễn học phí buổi thứ hai

Trường tôi có 357 học sinh, gần 20 em trong số đó có sổ hộ nghèo nên được miễn học phí buổi thứ hai (hiện tại học phí chính khóa bậc tiểu học được miễn nhưng học sinh vẫn phải đóng học phí buổi thứ hai nếu học hai buổi/ngày - PV). Tuy nhiên, trên thực tế số em không đóng học phí buổi thứ hai ở trường tôi lên đến hơn 50 học sinh. Mặc dù chưa đến mức được công nhận sổ hộ nghèo nhưng gia đình các em không có điều kiện đóng học phí buổi thứ hai thì nhà trường vẫn phải thực hiện chế độ miễn giảm.

Bậc tiểu học là bậc học nền tảng, nên giữ nguyên quy định miễn học phí cho học sinh, nếu được Nhà nước cũng nên xét đến việc miễn luôn học phí buổi thứ hai ở các trường dạy hai buổi/ngày để tạo cơ hội cho học sinh được học tập tốt hơn. Nếu không được miễn học phí, tình trạng nghỉ, bỏ học sẽ nặng nề hơn, rồi chúng ta lại phải huy động các em ra lớp phổ cập, vừa thiệt thòi cho các em mà Nhà nước cũng sẽ tốn nhiều kinh phí hơn để làm công tác này.

Ông Vũ Hoàng Tùng (phụ huynh ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM): Miễn học phí cả bậc trung học

Nhà nước đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu thì những chính sách, chế độ cho giáo dục nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Ngay từ năm 1992, khi đất nước vẫn còn vô vàn khó khăn mà Nhà nước còn thực hiện được việc miễn học phí bậc tiểu học. Hơn 20 năm sau, đất nước có nhiều đổi mới, quan điểm về giáo dục cũng được nhìn nhận một cách đúng đắn hơn. Tôi đề nghị Hiến pháp mới không chỉ quy định miễn học phí bậc tiểu học mà cần miễn học phí cả bậc trung học. Điều này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội học tập cho các học sinh ở vùng sâu, vùng xa và sẽ là bước “đệm” cần thiết để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên