08/06/2014 07:05 GMT+7

Bác sĩ xoa dịu nỗi sợ ở Fukushima

TRẦN PHƯƠNG (theo Asahi Shimbun)
TRẦN PHƯƠNG (theo Asahi Shimbun)

TT - Có mặt tại Fukushima gần như ngay sau thảm họa do sóng thần hồi tháng 3-2011, bác sĩ trẻ Masaharu Tsubokura đã bất chấp nguy cơ có thể bị nhiễm xạ, bỏ qua những hiểu lầm để xoa dịu nỗi lo sợ của những người sống sót.

Cuộc sống của chúng tôi sau thảm họa FukushimaThảm họa Fukushima đáng sợ hơn ước tínhĐộng đất mạnh gần khu thảm họa hạt nhân Fukushima

AcMOzzOz.jpgPhóng to
Bác sĩ Masaharu Tsubokura - Ảnh: Asahi Shimbun

Khi tai ương động đất, sóng thần ập vào Nhật Bản, con số hơn 18.000 người thiệt mạng và những hình ảnh đổ nát khủng khiếp, sự rò rỉ phóng xạ ở các nhà máy điện hạt nhân khiến thế giới bàng hoàng. Tuy nhiên dư chấn của thảm họa, nỗi sợ hãi của người sống thì chỉ những người đã sống ba năm ở vùng nhiễm xạ Fukushima như bác sĩ Tsubokura mới hiểu.

Tsubokura, chuyên gia huyết học 32 tuổi, đang tham gia một hội thảo ở Paris khi anh nhận được điện thoại từ cấp trên ở Viện Khoa học y tế Đại học Tokyo. “Khi nào anh trở về? Anh đến Fukushima được không?” - sếp Masahiro Kami hỏi. Không chần chừ giây phút nào, Tsubokura quyết định nhận lời ngay.

Vậy là anh bắt đầu sống hai cuộc đời, vừa nghiên cứu tại viện vừa làm việc cho một phòng khám ngoại trú thuộc Bệnh viện Đa khoa Minami - Soma, chỉ cách nhà máy điện hạt nhân hơn 20km. Bệnh viện có 14 bác sĩ toàn thời gian, nhưng sau thảm họa chỉ còn lại bốn người. Người yêu của Tsubokura khi đó, nay đã cưới, khóc nức nở khi biết anh chuẩn bị đến vùng rò rỉ phóng xạ. Tìm cách trấn an người yêu nhưng anh nghe rõ trong đầu mình tiếng gọi từ Fukushima.

Cuộc đời thứ hai

Công việc ở Fukushima không đơn giản chỉ là giúp đỡ như Tsubokura đã hình dung. Trước vô vàn câu hỏi về nhiễm xạ của người dân, vị bác sĩ trẻ không biết trả lời như thế nào. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy không có ai bị nhiễm xạ nặng có thể làm bột phát các bệnh nặng như ung thư máu, các nhà nghiên cứu cũng chưa rõ ảnh hưởng của việc phơi nhiễm ở mức thấp.

Khi Tsubokura quyết định nói với người dân về sự thật rằng anh nghĩ sẽ không ai lăn ra chết nếu không di tản, anh bị ném trả bằng những lời lẽ giận dữ từ những con người đang lo lắng cho tính mạng của mình và người thân. “Anh đang nói cái quái gì vậy? Có phải anh đã nhận tiền của Công ty Điện lực Tokyo để nói dối rằng chúng tôi không bị nhiễm xạ nhiều không?” - một ý kiến công kích. Một ý kiến khác lại nói: “Có phải anh đang nói Fukushima đã bị nhiễm xạ? Nếu đùa giỡn với chuyện này thì anh không thoát được đâu!”. Những lời lẽ khó nghe còn lan truyền trên Internet, gọi Tsubokura là một kẻ tư lợi và làm gián điệp cho Công ty Điện lực Tokyo.

Tsubokura vẫn cố gắng tổ chức các buổi giải thích cho người dân về nhiễm xạ, nhưng tình hình ngày càng nặng nề. Ở bệnh viện, các bệnh nhân tiếp tục trút sự giận dữ lên anh. Tsubokura đã phải điều trị chứng đau bao tử và cao huyết áp sau đó. “Tôi cảm thấy rất mệt mỏi” - anh tâm sự với người bạn gần nhà Tatsuya Ozaki, 54 tuổi. Ozaki, cũng tham gia giúp đỡ người dân ở khu vực thảm họa, đã động viên anh rằng: “Những gì anh nói là sự thật. Những ai muốn chỉ trích, hãy kệ họ. Hãy để thế hệ sau đánh giá việc gì đúng hay sai”.

Kiên định

Có lúc vị bác sĩ trẻ tưởng đã bỏ cuộc như khi công bố kết quả kiểm tra phóng xạ của khoảng 3.000 trẻ em địa phương, trong đó phần lớn chỉ nhiễm phóng xạ cesium ở mức thấp. Tsubokura đã thuyết phục chính quyền nhanh chóng công bố thông tin với hi vọng trấn an người dân. Nhưng khi báo chí đưa tin, một y tá đã mỉa mai anh rằng: “Giờ thì tất cả trẻ em ở Fukushima đều bị coi là đã bị nhiễm xạ”.

Nhưng may mắn là Tsubokura vẫn tiếp tục nhận được sự động viên của những người am hiểu như Yukiko Banba, lãnh đạo một trường học địa phương. Banba thậm chí đã mời anh đến trao đổi với các học sinh thông tin về nhiễm xạ, trả lời những câu hỏi hồn nhiên của trẻ con như: “Ôm mèo vừa đi ngoài vào nhà có sao không? Dùng nước giếng để giặt giũ có an toàn không?”. Rồi sự kiên trì giải thích của Tsubokura dần có kết quả và ngày càng nhiều người hiểu ra những gì anh nói chỉ thuần về khoa học. Năm ngoái, kết quả kiểm tra phơi nhiễm phóng xạ cho thấy hơn 90% người lớn và trẻ em được xét nghiệm không bị nhiễm cesium. Nhiều người có thể thở phào rằng họ không cần lo lắng gì nữa dù Tsubokura vẫn cho rằng cần phải theo dõi tình hình lâu dài.

“Trong ba năm qua, tôi đã sống với một tốc độ chóng mặt - Tsubokura nhớ lại - Tôi đã bị chỉ trích nhiều trong những lần phát biểu, nhưng nhìn chung tôi nhận được nhiều lời cảm ơn hơn. Tôi rất cảm kích”. Anh cho biết đó là động lực để anh tiếp tục giúp đỡ người dân ở Fukushima vượt qua nỗi sợ phóng xạ. Những nỗ lực của anh cũng truyền cảm hứng cho các bác sĩ trẻ ở Nhật tham gia giúp đỡ Fukushima hậu thảm họa.

TRẦN PHƯƠNG (theo Asahi Shimbun)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên