07/01/2022 08:09 GMT+7

Bác sĩ trẻ 9X đam mê kỹ thuật điều trị ung thư

THU HIẾN thực hiện
THU HIẾN thực hiện

TTO - Là một trong 14 'Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM' năm 2021, bác sĩ Hà Hiếu Trung (sinh năm 1991) một trong những bác sĩ trẻ tuổi nhất nhưng đã có nhiều đóng góp trong ngành y.

Bác sĩ trẻ 9X đam mê kỹ thuật điều trị ung thư - Ảnh 1.

Bác sĩ Hiếu Trung (30 tuổi) còn rất trẻ nhưng đã có nhiều đóng góp cho ngành y tế, nhất là trong thời gian dịch bệnh vừa qua - Ảnh: NVCC

Ngay sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), năm 2015 chàng trai Hà Hiếu Trung đã về công tác tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho đến nay.

Ở tuổi 30, bác sĩ Trung đã cùng đồng nghiệp triển khai thành công kỹ thuật mới về mổ nội soi tuyến giáp, và đang được áp dụng tại Bệnh viện Ung bướu TP, giúp giảm biến chứng cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư. Ngoài ra anh còn là lãnh đạo trẻ nhất trong các lãnh đạo bệnh viện dã chiến tại TP.HCM.

Cần phát triển các kỹ thuật mới

* Mới đây bác sĩ cùng đồng nghiệp nghiên cứu thành công kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp giảm gánh nặng cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư, kỹ thuật này có gì đặc biệt?

- Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống ngành y, do vậy từ nhỏ đã đam mê y học. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp và làm việc tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, tôi được học hỏi và cùng thầy cô, các anh chị đồng nghiệp tham gia các công trình nghiên cứu về ung thư, trong đó có đề tài "Bước đầu đánh giá kết quả phẫu thuật cắt gần toàn bộ tuyến giáp qua nội soi ngả tiền đình miệng". Sau đó, đề tài này được triển khai thực hiện hiệu quả tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho đến nay.

Điểm đặc biệt của kỹ thuật này so với các phẫu thuật truyền thống khác là đem lại kết quả thẩm mỹ tối ưu cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp vì chỉ có một đường rạch nhỏ ở tiền đình miệng. Niêm mạc miệng lành rất nhanh, do đó sẽ không thấy vết sẹo vài tuần sau phẫu thuật.

Ngoài ra, dụng cụ nội soi có thể được tái sử dụng nhiều lần, giảm chi phí phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể cử động vùng miệng bình thường, không có sẹo ngoài da.

* Rất nhiều bệnh nhân ung thư tại Việt Nam khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn, các phương pháp điều trị ung thư bằng kỹ thuật có vai trò ra sao trong tương lai?

- Đại đa số người Việt Nam chúng ta chưa có thói quen tầm soát sức khỏe thường xuyên nên rất nhiều trường hợp mắc bệnh ung thư, đến khi phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn. Chính vì vậy, các ca bệnh thường nặng hơn và gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Như GS Nguyễn Chấn Hùng - người thầy lớn của chuyên ngành ung thư - từng nói "ung thư biết sớm trị lành". Để hạn chế được căn bệnh ung thư chúng ta phải xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh (không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, duy trì cân nặng hợp lý, ăn nhiều rau quả xanh...), xây dựng thói quen khám sức khỏe, tầm soát định kỳ nhằm phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời.

Thế giới vẫn đang liên tục phát triển các kỹ thuật mới trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị ung thư. Việc tiếp cận các kỹ thuật mới này nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả điều trị cho bệnh nhân đồng thời giảm bớt gánh nặng di chứng về sau cho bệnh nhân.

Ung thư không phải là án tử

* Được chọn làm phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 14 và trở thành vị bác sĩ trẻ tuổi nhất lãnh đạo bệnh viện dã chiến tại TP.HCM, ắt hẳn bác sĩ đã có những áp lực?

- Đúng vậy, đã có những lúc rất áp lực. Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, tôi cùng các y bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM xung phong chống dịch và được phân công tham gia tổ công tác đặc biệt hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại huyện Nhà Bè, hỗ trợ xây dựng kế hoạch xét nghiệm tại địa bàn.

Đến tháng 7-2021, tôi tiếp tục được phân công nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức). Tại đây, điều khiến tôi khâm phục nhất là mọi người trong bệnh viện, không phân biệt tầng lớp hay tôn giáo, mọi người cùng nhau chiến đấu vượt qua đại dịch. Điều đó làm tôi có động lực cố gắng hơn.

Đến đầu tháng 9-2021, khi được Sở Y tế TP.HCM và ban giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phân công làm phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 14 (bệnh viện tầng 2, quy mô gần 1.000 giường - PV), tôi rất bất ngờ, lo lắng vì bản thân còn trẻ, chưa bao giờ được nhận trọng trách lớn như vậy.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là niềm vui vì bản thân đã được sự tin tưởng của mọi người. Phía gia đình, cha mẹ cũng rất lo lắng cho tôi vì trách nhiệm quá lớn. Nhưng được sự tin tưởng và giúp đỡ của đồng nghiệp và cấp trên, tôi đã vượt qua, đến nay mọi việc rất ổn, chỉ cần cố gắng mọi chuyện sẽ thành công.

* Trong thời gian sắp tới, anh sẽ làm gì để đóng góp cho ngành y, giảm gánh nặng cho bệnh nhân ung thư?

- Tôi rất đam mê với nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại trên thế giới, phương pháp tiên tiến để điều trị cho bệnh nhân ung thư. Tôi muốn mọi người hiểu rằng ung thư không phải là cái gì đó quá đáng sợ, mắc bệnh ung thư không phải là án tử. Các phương pháp hiện đại sẽ giúp cho người bệnh ung thư giảm bớt gánh nặng, nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại tâm lý thoải mái nhất cho họ.

Cụ thể, trong thời gian sắp tới, tôi sẽ xung phong và xin ban giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để được tham gia vào các nghiên cứu ứng dụng robot trong điều trị ung thư. Việc đưa robot vào các cuộc phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư sẽ hạn chế thấp nhất mức độ xâm lấn làm tổn thương, tàn phá sau mỗi cuộc mổ. Các cuộc phẫu thuật bằng robot sẽ có vết mổ nhỏ, vừa đủ giảm tối thiểu tổn thương cho bệnh nhân ung thư.

Nhiệt huyết và đam mê với nghề

14b

Bác sĩ Hiếu Trung, bác sĩ trẻ nhất trong lãnh đạo các bệnh viện dã chiến tại TP.HCM, kiêm nhiệm phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 14 - Ảnh: THU HIẾN

TS Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết khi mới vào bệnh viện Hà Hiếu Trung là một bác sĩ trẻ, tuổi còn nhỏ nhưng rất đĩnh đạc, đã được kết nạp Đảng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi gia nhập gia đình Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Hiếu Trung luôn phấn đấu và sớm nhận được sự tin tưởng của mọi người.

Trong quá trình công tác, bác sĩ Hiếu Trung luôn là người năng nổ, nhận được sự tín nhiệm của rất nhiều đồng nghiệp, mặc dù còn rất trẻ nhưng đã làm tròn trách nhiệm với các vị trí công tác khác nhau như bí thư Đoàn Thanh niên, phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện...

Bên cạnh đó, bác sĩ Hiếu Trung rất tâm huyết với nghề, với bệnh nhân, làm tất cả những việc nếu cảm thấy có lợi cho người bệnh. Trong đợt dịch, Hiếu Trung xung phong vào các điểm nóng tâm dịch COVID-19, được sự yêu mến của mọi người và hiện nay đã làm tốt trách nhiệm của mình với vai trò là phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 14.

Phẫu thuật thành công một ca bệnh ung thư khí quản hiếm gặp Phẫu thuật thành công một ca bệnh ung thư khí quản hiếm gặp

TTO - Ngày 12-11, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết vừa phẫu thuật thành công ca ung thư khí quản ác tính, cắt trọn khối u khí quản hiếm gặp cho bệnh nhân T.H.Q. (36 tuổi, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).

THU HIẾN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên