Việt Nam chưa có thống kê nào về tổng số phụ nữ đã nâng ngực, nhưng qua theo dõi 200 người đã đặt túi nâng ngực từ 10-17 năm, TS Nguyễn Huy Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết chưa có trường hợp nào bị ung thư vú, có một trường hợp tăng tiết dịch muộn sau bốn năm đặt túi, khiến một bên ngực to ra bất thường.
Trường hợp này đã được xử trí nhưng trước các báo cáo về tỷ lệ ung thư vú ở phụ nữ sau đặt túi ngực tại Pháp và Mỹ, TS Thọ chia sẻ:
Có một báo cáo tổng hợp các nghiên cứu ở nước ngoài về ung thư vú sau đặt túi ngực mới được công bố ở Việt Nam. Nghiên cứu này thu thập tài liệu của 8 tác giả nước ngoài.
Loại ung thư được ghi nhận sau đặt túi ngực là u lympho ác tính tế bào khổng lồ. Đây là loại ung thư rất ít gặp trên phụ nữ nói chung.
Tại Pháp có 50 ca qua theo dõi nhóm phụ nữ đặt túi ngực trong 10 năm, ở Mỹ có trên 450 người theo dõi trong 8 năm. Qua tính toán trên tổng số phụ nữ đã đặt túi ngực trong thời gian theo dõi ở Mỹ thì tỷ lệ ung thư lympho ác tính tế bào khổng lồ là 0,047/1000 người đặt túi, ở Pháp là 0,127% người đặt túi.
Với thống kê như thế này, ông có thấy có nguy cơ ung thư vú sau đặt túi ngực nói chung và đặt túi ngực ở phụ nữ VN nói riêng?
Tỷ lệ ung thư như kể trên, qua hai nghiên cứu này theo tôi là mang tính chất cảnh báo. Nhưng qua theo dõi, nghiên cứu cũng chỉ ra những người có ung thư sau đặt túi thường bắt đầu bằng viêm nhiễm trước, ví dụ như sưng, nóng, đỏ, đau, coi như một chỉ báo với người đã đặt túi ngực.
Nếu có đấu hiệu như thế, chị em có thể đến cơ sở chuyên khoa hoặc gặp bác sĩ đã nâng ngực cho mình để thăm khám, các dấu hiệu viêm nhiễm quanh vỏ túi có thể được phát hiện thông qua chụp chiếu.
Vì thế tôi khuyên bạn nào đã đặt túi nâng ngực thì không quá lo. Mặt khác, so với các biện pháp đang được sử dụng để nâng ngực thì đặt túi là an toàn nhất, so với các biện pháp như tiêm chất làm đầy hoặc silicon dễ bị xâm nhiễm vào các tổ chức của cơ thể, có trục trặc không lấy ra hết được, nguy cơ viêm nhiều hơn.
Bác sĩ có lời khuyên như thế nào để chị em sau nâng ngực biết cách đảm bảo an toàn và các dấu hiệu nguy hiểm để đến cơ sở y tế?
Sau khi được nâng ngực, trong tháng đầu chị em phải theo dõi các triệu chứng, sau 5-10 năm nên khám định kỳ xem có hiện tượng rò dịch hoặc u cục gì không.
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp ở phụ nữ, người không đặt ngực cũng có nguy cơ ung thư vú, nhưng nếu đặt ngực thì nên theo dõi thường xuyên.
Chúng tôi hiện vẫn đang theo dõi 200 phụ nữ đã nâng ngực bằng đặt túi từ 10-17 năm, hiện chưa có trường hợp ung thư nào được ghi nhận nhưng có một trường hợp tiết dịch muộn sau bốn năm đặt túi, làm một bên ngực to ra bất thường. Chúng tôi cũng đang xem đây có phải là dấu hiệu cảnh báo ung thư hay không để thông báo chung.
Một khuyến cáo nữa của tác giả Nhật Bản là tất cả các dị chất tạo hình đưa vào cơ thể nên đưa ở size nhỏ nhất, bởi khối lượng/trọng lượng của dị chất tỷ lệ thuận với nguy cơ biến chứng, vì thế vật liệu nâng càng nhỏ thì càng ít nguy cơ.
Qua theo dõi 200 phụ nữ đã nâng ngực trong 10-17 năm, ông thấy những biến chứng gì là thường gặp sau phẫu thuật nâng ngực?
Có hai loại biến chứng có thể xảy ra, bao gồm biến chứng sớm và muộn. Biến chứng sớm xảy ra ngay sau mổ, đó là các tình trạng như chảy máu, đau.
Biến chứng muộn xuất hiện từ ba tháng sau mổ đến về sau, nhiều nhất là co bao xơ, bình thường cơ thể sinh ra một màng bao bọc túi nâng ngực, có người màng đó mỏng, nhưng có người thì màng bọc lại dầy và theo thời gian càng dầy hơn, khiến túi nâng ngực bị bóp méo, ngực mất hình dạng và bệnh nhân bị đau.
Biến chứng này tùy tác giả thống kê, chúng tôi thống kê khoảng 1-2%/tổng số người đặt túi, có tác giả không ghi nhận nhưng có người ghi nhận đến 8%.
Biến chứng thứ hai là không đạt yêu cầu thẩm mỹ, như bên cao bên thấp, hai bên ngực xa nhau...
Một biến chứng ít gặp là tiết dịch muộn, có người thống kê là 1-2% trong tổng số biến chứng xa, ở chúng tôi thống kê là 0,5%.
Một câu hỏi nữa, thưa ông, hiện trong các loại túi sử dụng tại VN có loại túi bị cảnh báo liên quan các ca ung thư ở Pháp và Mỹ không?
Thường thường các bác sĩ VN hay sử dụng loại túi hạt nhỏ, mềm, trong khi túi liên quan đến các ca ung thư chủ yếu là túi vỏ nhám hạt to.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận