01/11/2015 11:00 GMT+7

Bác sĩ Tan và duyên nợ với cầu thủ Việt

SĨ HUYÊN - HUY ĐĂNG (sihuyen@tuoitre.com.vn)
SĨ HUYÊN - HUY ĐĂNG (sihuyen@tuoitre.com.vn)

TT - Với nhiều danh thủ bóng đá VN, bác sĩ người Singapore Tan Jee Lim được xem như một vị cứu tinh bởi ông đã phẫu thuật thành công nhiều ca chấn thương nghiêm trọng, giúp họ trở lại sân cỏ.

Bác sĩ Tan Jee Lim hướng dẫn Anh Khoa tập vật lý trị liệu sau khi tái khám chiều 31-10 - Ảnh: S.Huyên
Bác sĩ Tan Jee Lim hướng dẫn Anh Khoa tập vật lý trị liệu sau khi tái khám chiều 31-10 - Ảnh: S.Huyên

Bác sĩ Tan Jee Lim cho biết tính đến thời điểm này, ông đã phẫu thuật cho 22 cầu thủ đến từ nền bóng đá VN (bao gồm cả một số ngoại binh như Fabio Dos Santos, Bryan Elroy Kavin). Có thể kể ra nhiều bệnh nhân nổi bật như Phan Văn Tài Em, Phạm Văn Quyến, Lê Phước Tứ, Trần Thị Kim Hồng, Võ Văn Hạnh, Châu Lê Phước Vĩnh, Trương Đình Luật…

Tôi hạnh phúc với việc nhiều cầu thủ Việt Nam mỗi khi gặp chấn thương nặng họ lại tìm đến tôi. Điều đó cho thấy mối giao tình giữa tôi với bóng đá VN

Bác sĩ TAN JEE LIM

Hai “chiến binh” quả cảm

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Tan Jee Lim đặc biệt nhắc về hai bệnh nhân đáng nhớ nhất đối với ông, đó là Phan Văn Tài Em và Trần Thị Kim Hồng. Tài Em là cầu thủ người Việt đầu tiên mà ông chữa trị. Vị bác sĩ này nhớ lại: “Tài Em là một trong những VĐV có tinh thần kỷ luật và sự nỗ lực cao nhất mà tôi từng chữa trị. Trước ca mổ, nhiều người nói rằng anh ấy có thể không còn quay trở lại với bóng đá được nữa, bản thân Tài Em cũng đã nghĩ đến điều đó. Và sau ca mổ theo tôi biết, Tài Em giành được danh hiệu Quả bóng vàng. Anh ấy xứng đáng được gọi là một chiến binh quả cảm”.

Về trường hợp nữ cầu thủ Kim Hồng, bác sĩ Tan Jee Lim cũng dành cho tiền vệ tài hoa của tuyển bóng đá nữ VN sự thán phục. “Ấn tượng ban đầu của tôi khi nhìn thấy Kim Hồng đó là cô ấy thật nhỏ nhắn. Khi ấy, tôi tự hỏi: “Một cô gái nhỏ nhắn như vậy làm sao thi đấu bóng đá, va chạm quyết liệt được nhỉ?”. Nhưng trong quá trình chữa trị, tôi biết cô ấy có thể lặp lại kỳ tích của Tài Em. Kim Hồng dính chấn thương rất nặng, đứt dây chằng chéo trước, vỡ sụn chêm đầu gối… nhưng cô ấy luôn giữ được một thái độ trầm lặng, điềm tĩnh, theo kiểu “cắn răng chịu đựng”. Tôi nhìn ra nghị lực, sự chịu đựng từ chính đôi mắt của Kim Hồng, một nữ cầu thủ có quyết tâm thật đáng khâm phục”.

Tiền vệ Tài Em nhớ lại câu chuyện anh bị vỡ sụn chêm đầu gối ở V-League, và đầu năm 2005 được CLB Đồng Tâm Long An đưa sang Singapore phẫu thuật. Vào thời điểm đó, việc cầu thủ bị đứt dây chằng khá phổ biến ở V-League. Nhưng vỡ sụn chêm đầu gối như trường hợp của Tài Em khá hiếm.

Tài Em nhớ lại: “Vẻ mặt hiền hậu, nói năng nhỏ nhẹ và có sức truyền cảm của bác sĩ Tan Jee Lim ở lần thăm khám đầu tiên đã mang lại cho tôi sự tự tin và an tâm trước khi tôi bước lên bàn mổ. Mọi chuyện tốt lành đã đến với tôi, nhờ vậy mà trong một thời gian ngắn tôi sớm hồi phục, đóng góp giúp Đồng Tâm Long An đoạt chức vô địch V-League đầu tiên vào năm 2005, rồi vài tháng sau đó là chiếc HCB ở SEA Games 2005 diễn ra tại Philippines”.

Từ ca phẫu thuật thành công của Tài Em đã mở đường cho hàng loạt cầu thủ VN và ngoại binh sang Singapore để được bác sĩ Tan Jee Lim phẫu thuật. Trong đó có nhiều đồng nghiệp do Tài Em giới thiệu như Hữu Thắng (Becamex Bình Dương), Issawa, Việt Thắng, Tuấn Phong (đều của Đồng Tâm Long An). Tài Em cho biết: “Với tôi, bác sĩ Tan Jee Lim không khác gì một vị cứu tinh, giúp tôi bình phục chấn thương và thỏa sức cống hiến với nghiệp đá bóng…”.

“Không dám xem lại lần hai”

Bệnh nhân người Việt mới nhất của bác sĩ Tan Jee Lim là cầu thủ Trần Anh Khoa (SHB Đà Nẵng), cũng là một trong những trường hợp nặng nhất mà vị bác sĩ người Singapore này phải đối mặt, đến mức Anh Khoa trở thành bệnh nhân đầu tiên được ông đích thân đưa trở về nước sau ca phẫu thuật.

Bác sĩ Tan cho biết đây là ca chấn thương nghiêm trọng nhất ông từng thấy trong sự nghiệp, đến mức sau khi xem đoạn video clip Anh Khoa bị phạm lỗi, ông không dám xem lại lần hai. Chấn thương quá nặng của Anh Khoa (đứt đến ba dây chằng) cũng tạo ra nhiều rắc rối trong việc phẫu thuật khi các bác sĩ không thể nối lại dây chằng bị đứt như những trường hợp bình thường mà phải sử dụng dây chằng của người hiến tặng cho Anh Khoa. Tổng chi phí của cuộc phẫu thuật (bao gồm cả những chi phí phát sinh) vào khoảng 38.000-40.000 SGD (khoảng 605-638 triệu đồng).

“Thú thật khi chưa mổ, tôi nghĩ khả năng Anh Khoa trở lại với bóng đá chỉ là 30%. Sau ca mổ thành công, khả năng này tăng lên 60%, điều này còn phụ thuộc vào sự quyết tâm của cầu thủ và quá trình chăm sóc sau đó. Tôi sẽ làm hết sức mình, tài sản quý báu nhất với một bác sĩ là nhìn thấy bệnh nhân của mình hồi phục và làm được những gì họ thích” - bác sĩ Tan cho biết.

Là một chuyên gia xương khớp nổi tiếng, bác sĩ Tan từng chữa trị cho vô số bệnh nhân người nước ngoài, phần đông đến từ Indonesia, Malaysia và cả một số nước Trung Đông, nhưng số lượng “thương binh” đến từ bóng đá Việt vẫn chiếm con số đáng kể. Hồi đầu năm 2014, chúng tôi cho bác sĩ Tan xem đoạn video clip hậu vệ Đình Đồng của SLNA thực hiện cú đạp kinh hoàng làm gãy xương ống chân cầu thủ Trần Anh Hùng (An Giang), ông Tan Jee Lim đã phải thốt lên: “Ôi, đây đâu phải là thể thao. Cầu thủ này không quan tâm gì đến nguy cơ mà anh ta có thể gây ra cho đồng nghiệp cả”. Ông bác sĩ 50 tuổi này cho biết kể từ sau đó, ông chú tâm theo dõi bóng đá VN nhiều hơn, chủ yếu qua các đoạn video clip trên mạng và đưa ra một nhận xét: “Trọng tài, luật lệ ở bóng đá VN lỏng lẻo quá”.

Nghe ông Tan bình luận như vậy về bóng đá Việt, và chuyện ngày càng có nhiều cầu thủ sang Singapore nhờ ông chữa trị thật không biết nên vui hay buồn?

Tài Em tặng bác sĩ Tan Jee Lim chiếc áo mà anh mặc khi chơi cho đội tuyển VN - Ảnh: Phong Dương
Tài Em tặng bác sĩ Tan Jee Lim chiếc áo mà anh mặc khi chơi cho đội tuyển VN - Ảnh: Phong Dương

Vài nét về bác sĩ Tan Jee Lim

Bác sĩ Tan Jee Lim là một chuyên gia phẫu thuật chấn thương chỉnh hình hàng đầu của Singapore. Ông tốt nghiệp ĐH Quốc gia Singapore (NUS) vào năm 1989. Ông nhận được học bổng phẫu thuật từ ĐH phẫu thuật hoàng gia Edinburg (Anh), ĐH Glasgow (Scotland). Trước khi làm việc cho Bệnh viện Gleneagles, ông được bổ nhiệm là người đứng đầu Trung tâm Y tế thể dục thể thao Changi (Singapore). Ngoài ra, ông từng là bác sĩ của đội tuyển bóng đá Singapore.

SĨ HUYÊN - HUY ĐĂNG (sihuyen@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên