Ngón tay trỏ của bệnh nhi bị tay nắm cửa siết chặt - Ảnh: BVCC
Đó là trường hợp của bé T.N.M., 12 tuổi, ngụ ở quận 12, TP.HCM. Theo bác sĩ Trần Chí Khôi - Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, sự việc xảy ra ngày 9-5, bé M. đã đưa ngón tay vào một tay nắm cửa bị hư và đã bị kẹt.
Mẹ bé kể lại gia đình chị thuê nhà nên dù tay nắm cửa đã bị hư, chị vẫn phải giữ để trả lại cho chủ nhà, không ngờ con trai chị lại đút tay vào.
Bé M. đã được người nhà đưa đến y tế địa phương để tháo ra nhưng không tháo được, nên đã được chuyển đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.
"Êkip trực cố gắng đưa các dung dịch bôi trơn vào để thử rút ngón tay ra cho cháu bé nhưng không được vì ngón tay ngày càng bị phù nề nên bị siết chặt", bác sĩ Khôi cho biết.
Các bác sĩ đã quyết định cho bé nhập viện làm xét nghiệm tiền phẫu, gây mê để tháo tay nắm cửa ra khỏi ngón tay cho bệnh nhi.
Sau hội chẩn, êkip quyết định dùng máy cưa điện để phá tay nắm inox ra khỏi ngón tay bệnh nhi. Nếu để lâu hơn nữa, ngón tay sẽ càng phù nề, gây thiếu máu nuôi, có thể gây hư ngón tay.
Còn nếu lấy theo cách thông thường như tháo nhẫn sẽ làm toàn bộ da cơ và gân của ngón tay sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Bác sĩ Khôi cho biết chưa từng có trường hợp nào bác sĩ phải dùng máy cưa điện để tháo dị vật ra cho bệnh nhi.
Các bác sĩ là phẫu thuật viên chứ không phải là thợ máy để sử dụng máy cưa điện, nhưng trong trường hợp cần thiết các bác sĩ đã sử dụng máy cưa điện để xử lý cho bệnh nhi, còn nếu chỉ là thợ máy thì không thể can thiệp vào cơ thể con người.
Sau khi cưa được dị vật ra, ngón tay chỉ bị sây sát bên ngoài một chút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận