Phóng to |
Hiện tại ĐBSCL chỉ có Cần Thơ và Cà Mau có tỉ lệ bác sĩ trên một vạn dân đạt chuẩn. Trong ảnh: người bệnh chờ nhận thuốc tại Trung tâm Chẩn đoán y khoa Cần Thơ - Ảnh: Chí Quốc |
Đại diện các tỉnh thành đều đánh giá khu vực ĐBSCL là “vùng trũng về y tế” vì tỉ lệ bác sĩ, dược sĩ trên vạn dân rất thấp.
Thiếu nhân lực trầm trọng
PGS.TS Nguyễn Trung Kiên - trưởng phòng đào tạo Đại học Y dược Cần Thơ - cho biết hiện tại chỉ có hai tỉnh thành ở ĐBSCL đạt số lượng bảy bác sĩ trên một vạn dân theo quy định của Bộ Y tế là Cà Mau và Cần Thơ. Còn lại, Sóc Trăng là tỉnh có tỉ lệ bác sĩ trên một vạn dân thấp nhất (3,89), kế đến là An Giang (4,56), Tiền Giang (4,86)...
Lãnh đạo sở y tế các tỉnh thành ĐBSCL đều than thiếu nhân lực trầm trọng, đặc biệt là các chuyên khoa như tâm thần, pháp y, y học cổ truyền, y tế dự phòng.
Bà Bùi Thị Lệ Phi, giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết năm nay TP không tuyển được trường hợp nào cho lĩnh vực pháp y và tâm thần vốn đang trong tình trạng sắp “tuyệt chủng”.
Lãnh đạo sở y tế các tỉnh Vĩnh Long, Long An cũng cho biết đang thành lập bệnh viện tâm thần nhưng việc bố trí nhân lực cho bệnh viện gặp nhiều khó khăn vì không có người có chuyên môn này.
Đại diện Sở Y tế Bến Tre cho rằng việc đào tạo bác sĩ đa khoa hiện nhiều hơn chuyên khoa nên cần định hướng đào tạo để phục vụ trong lĩnh vực pháp y, tâm thần...
Một thực trạng khác là nhiều địa phương ở ĐBSCL tăng cường đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện nhưng thiếu nhân sự sử dụng, bảo trì, sửa chữa.
Theo ông Võ Anh Hổ - giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, một số ngành đang rất thiếu ở tỉnh là bảo trì trang thiết bị y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn và y tế cơ sở. Bà Trần Thị Thái - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cũng nhìn nhận thực trạng máy móc thiết bị y tế nhiều nhưng người quản lý, sửa chữa rất khó tìm.
“Đào tạo bác sĩ, dược sĩ gì mà lấy có 14 điểm?”
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Phạm Văn Lình, hiệu trưởng Trường đại học Y dược Cần Thơ, rất bức xúc về thực trạng nở rộ của các trường, cơ sở đào tạo bác sĩ, dược sĩ ngoài công lập.
Dẫn chứng về tình trạng nở rộ này, ông Lình cho biết trước năm 1975 cả nước có bảy trường và cơ sở đào tạo bác sĩ, dược sĩ; giai đoạn 1975-2010 có thêm 12 trường, cơ sở nhưng chỉ riêng trong hơn hai năm 2011-2013 đã có thêm 13 trường, cơ sở đào tạo như vậy và trong số này có tới 11 trường, cơ sở đào tạo ngoài công lập.
“Hiện nay ở ĐBSCL có trường lần đầu tiên thành lập nhưng mở một lúc 4-5 ngành, đào tạo cả bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật xét nghiệm, điều dưỡng. Không biết chất lượng ra sao khi họ không có kinh nghiệm gì cả: hiệu trưởng, hiệu phó không phải là dược sĩ, bác sĩ, kể cả trưởng phòng đào tạo cũng không phải là bác sĩ, dược sĩ luôn... Họ đào tạo như vậy trong khi không nắm được chuyên môn. Chúng tôi đào tạo dược sĩ, bác sĩ suốt trong bốn năm còn học không hết chương trình, mà họ chỉ đào tạo hai buổi thứ bảy và chủ nhật, nguy hiểm quá các đồng chí ạ” - ông Lình bức xúc.
"Tôi thấy rất nhức nhối. Đào tạo dược sĩ, bác sĩ gì mà lấy có 14 điểm. Đào tạo như vậy vừa tạo ra bất công, vừa tạo ra một thế hệ sau này không thể khám chữa bệnh được" |
Ông Lê Hùng Dũng - phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ - nhận định hiện cả trường trung cấp đến đại học ngoài công lập đều lấy điểm quá thấp, điều kiện không có gì hết nhưng đều được Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế cho phép đào tạo.
Ông Dũng cung cấp thông tin cho thấy có trường đào tạo bác sĩ mà lấy có 14 điểm! “Các trường này (ngoài công lập - PV) chủ yếu chạy theo đồng tiền, phải nói thẳng như thế chứ không phải chạy theo nguồn nhân lực phục vụ cho vùng” - ông Dũng nhận định. Ông Dũng đề nghị phải đấu tranh để hạn chế tình trạng đào tạo bác sĩ kém chất lượng.
Bà Trần Thị Thái cho rằng bác sĩ khám chữa bệnh là làm công việc “sửa” người, không phải dễ dàng như sửa máy móc.
Bà đặt vấn đề: “Sửa cái máy còn khó huống chi “sửa” người, bác sĩ trình độ kém “sửa” hư không đền được đâu, vì phải trả bằng tính mạng người ta”. Bà Thái cũng nêu quan điểm của tỉnh: “Chúng tôi thiếu chứ không phải thừa (bác sĩ), nhưng chúng tôi chấp nhận nếu tuyển chính quy 25 điểm mà đào tạo theo địa chỉ thấp hơn 2 điểm thì cho (bác sĩ) đi học, còn thấp nữa thì không”.
Về giải pháp, PGS.TS Phạm Văn Lình bày tỏ: “Tôi có suy nghĩ như vầy, chúng ta cho phép trường cao đẳng có bề dày mấy chục năm nâng cấp đào tạo cán bộ y dược còn hơn trường đa ngành toán tin mà đào tạo... bác sĩ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận