06/07/2012 07:57 GMT+7

Bắc Kinh "té nước theo mưa"

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Trả đũa việc “câu cá” của các nghị sĩ Nhật trước đó, ngày 4-7 các nhà hoạt động Đài Loan đã giong tàu đến quần đảo Senkaku dưới sự hộ tống của đoàn tàu tuần tra bờ biển Đài Loan.

KFRdLRFG.jpgPhóng to
Tàu tuần duyên Nhật Bản và canô áp sát tàu đánh cá Đài Loan ở gần đảo Senkaku ngày 4-7 - Ảnh: Huanqiu.com

Giới truyền thông Nhật nghi ngờ Trung Quốc đang bắt tay với Đài Loan để hợp sức trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku. Theo Tân Hoa xã, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa lên tiếng sẽ bảo vệ chủ quyền ở Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) và bảo vệ “đồng bào Đài Loan” trong các hoạt động liên quan đến Senkaku.

Sau biển Đông, Trung Quốc lại tiếp tục làm dậy sóng trên biển Hoa Đông.

Nhật cứng rắn

Báo Japan Times đưa tin sáng 4-7, từ trung tâm chỉ huy bảo vệ bờ biển khu vực Naha (tỉnh Okinawa), máy bay tuần tra Nhật phát hiện đoàn tàu sáu chiếc của Đài Loan ở phía tây nam đảo Uotsuri khoảng 37km, nằm trong quần đảo Senkaku. Ngay sau đó, các tàu tuần tra của Nhật đã có mặt tại khu vực và phát tín hiệu cảnh báo. Song đoàn tàu Đài Loan vẫn điềm nhiên tiến sâu vào các vùng biển rất gần đảo Senkaku.

Chiếc tàu đánh cá Toàn Gia Phúc chở chín nhà hoạt động thuộc Liên minh Hoa kiều bảo vệ đảo thế giới của Đài Loan được các tàu tuần tra mang cờ hiệu Đài Loan hộ tống đã đảo nhiều vòng ở cách đảo Uotsuri chỉ 600m. Sau khi tàu tuần tra Nhật phát tín hiệu cảnh báo, các tàu này không rời đi và phát tín hiệu phản ứng bằng tiếng Nhật, tuyên bố vùng biển gần Senkaku là thuộc chủ quyền của Đài Loan. Chỉ đến khi lực lượng tuần duyên Nhật điều thêm ba tàu tuần tra đến thì các tàu này mới chịu rút lui sau gần hai giờ giằng co.

Tại thủ đô Tokyo, chánh văn phòng nội các Nhật Osamu Fujimura thẳng thừng cảnh báo sẽ không bỏ qua bất cứ hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Nhật. Kyodo News dẫn lời ông Fujimura cho biết một nhóm liên lạc đã được thành lập ngay tại văn phòng thủ tướng Nhật để theo dõi sát tình hình quần đảo Senkaku. “Chúng tôi chưa biết mục đích của họ là gì, nhưng chúng tôi sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động nào xâm phạm đến các vùng biển của Nhật” - ông Fujimura nhấn mạnh.

Trung Quốc chống lưng cho Đài Loan?

Ngay sau khi vụ va chạm xảy ra, Bắc Kinh đã có động thái khiến giới chuyên gia bất ngờ là tuyên bố bảo vệ đến cùng quần đảo Senkaku và người dân Đài Loan. “Đảo Điếu Ngư và các đảo phụ cận từ xưa đến nay thuộc lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo này” - Nhân Dân Nhật Báo dẫn lời ông Lưu Vi Dân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khẳng định.

Ông Lưu tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền đảo Senkaku. “Chúng tôi yêu cầu Nhật không được có bất kỳ hành động nào gây nguy hiểm đến an toàn tài sản, con người của Trung Quốc, trong đó có người dân Đài Loan” - ông Lưu nhấn mạnh.

Nhiều tờ báo lớn của Trung Quốc, trong đó có Thời Báo Hoàn Cầu, cũng đã “té nước theo mưa” khi đồng loạt đăng tải thông tin cổ súy cho hành động của các thành viên Liên minh Hoa kiều bảo vệ đảo thế giới của Đài Loan. Liên minh này được thành lập vào đầu năm 2012 nhằm cố kết các nhóm hoạt động từ Hong Kong, Macau, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ và Canada với yêu sách đòi Nhật trả quần đảo Senkaku cho “đất mẹ” Trung Quốc.

Báo chí Trung Quốc dẫn lời đại tá Trần Tứ Xuyên, người chỉ huy đội tàu tuần tra Đài Loan, cáo buộc tàu tuần duyên PS-11 của Nhật là đã cố tình đâm vào tàu Đài Loan. Trong khi đó, Kyodo News cũng dẫn lời một quan chức thuộc lực lượng tuần duyên Nhật khẳng định chính tàu tuần tra Đài Loan đã cố ý đâm vào tàu của Nhật và gây ra vết xước dài cho tàu này.

Nhà nghiên cứu khoa Nhật Bản học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Phùng Chiêu Khuê nhận định vấn đề tranh chấp với Nhật có thể giúp tăng cường mối quan hệ giữa Trung Quốc với Đài Loan, bởi hai bên đang đứng cùng một phía trong cuộc tranh chấp đảo Senkaku với Nhật Bản.

Philippines phản đối “thành phố Tam Sa

Bộ Ngoại giao Philippines vừa cho biết đã lập hồ sơ chính thức để phản đối việc Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Theo báo Daily Inquirer, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết Manila đã chính thức chuyển công hàm phản đối đến đại sứ Trung Quốc ở Philippines. “Việc Bắc Kinh tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa là trái với tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC)” - ông Hernandez khẳng định.

Cùng ngày, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng yêu cầu Trung Quốc hãy thành thật hơn sau khi báo chí Trung Quốc cáo buộc Philippines chính là bên đã gây nên mọi căng thẳng ở biển Đông. “Tôi không rõ Bắc Kinh đã quy kết “các tuyên bố gây hấn” do người của chúng tôi đưa ra là gì, nhưng tôi biết chắc phía họ đưa ra những tuyên bố này nhiều hơn. Họ nên cân bằng những gì họ đã nói bằng sự chân thật” - Tổng thống Aquino chỉ trích. Người phát ngôn của tổng thống là Edwin Lacierda đã dùng tiếng Trung Quốc để cảnh báo Bắc Kinh “hãy cẩn thận” với những gì mà họ phát ngôn.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên