Lãnh đạo cơ quan ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) bắt tay giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) Brent Christensen. Ông cho biết hơn 500 đại diện đến từ 38 nước đã tham gia các hội thảo của GCTF - Ảnh: CNA
Báo South China Morning Post ngày 7-6 đã đăng bài viết về câu chuyện Đài Loan chia sẻ chuyên môn khắp thế giới bất chấp Bắc Kinh "bận rộn" với chuyện cô lập hòn đảo này.
Trong khi Bắc Kinh tìm cách gây sức ép lên các nước để cắt quan hệ với Đài Loan, vùng lãnh thổ này thời gian qua đã dần tăng cường quan hệ với hàng chục quốc gia thông qua một sáng kiến chia sẻ kiến thức, có sự tham gia của Mỹ và Nhật Bản.
Sáng kiến này có tên "Khung hợp tác và đào tạo toàn cầu" (GCTF), được lập vào tháng 6-2015 để trao cho Đài Loan một kênh chia sẻ chuyên môn khắp thế giới, trong bối cảnh nhiều tổ chức quốc tế không cho Đài Loan gia nhập chủ yếu do áp lực từ Bắc Kinh.
Các đối tác ban đầu của sáng kiến này là Đài Loan và Mỹ. Năm ngoái, Nhật Bản cũng gia nhập. Đầu tuần này đã diễn ra lễ kỷ niệm lần thứ năm ngày lập ra khung hợp tác.
Lãnh đạo cơ quan ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp cho biết thông qua sáng kiến này kể từ năm 2015, hơn 500 đại diện đến từ 38 quốc gia đã tham gia các hội thảo quốc tế về nhiều vấn đề từ y tế công và thực thi pháp luật cho tới cứu trợ thảm họa, an ninh mạng, kiến thức truyền thông, và trao quyền lực cho phụ nữ.
Giới phân tích đánh giá trong bối cảnh Đài Loan tiếp tục nỗ lực để được trao tư cách quan sát viên tại Đại hội đồng y tế thế giới (WHA) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), GCTF chính là một diễn đàn hiệu quả để Đài Loan tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng trên toàn cầu.
Kể từ lúc bà Thái Anh Văn - người có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh - lên lãnh đạo Đài Loan năm 2016, Bắc Kinh đã tăng cường chiến dịch cô lập vùng lãnh thổ này vì họ xem Đài Loan chỉ là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Kết quả là hiện chỉ có 15 nước duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.
Doong Sy Chi, phó chủ tịch Taiwan Thinktank (trung tâm nghiên cứu do Đảng Dân chủ tiến bộ của bà Thái Anh Văn lập ra), nhận định GCTF là một diễn đàn quan trọng để thúc đẩy sức mạnh và chuyên môn của Đài Loan trên trường quốc tế.
Ông cho biết trong 5 năm qua, sáng kiến này đã giúp cải thiện quan hệ giữa vùng lãnh thổ Đài Loan với các nước trong khu vực, tăng cường hợp tác đa phương và tăng vị thế toàn cầu của Đài Loan.
"Sau khi Nhật Bản gia nhập, thêm nhiều quốc gia được kỳ vọng sẽ đồng tổ chức các hội thảo với Đài Loan. Và có khả năng GCTF có thể trở thành một cơ quan quốc tế có tầm ảnh hưởng" - Doong Sy Chi cho biết.
Người phát ngôn Cơ quan ngoại giao của Đài Loan, bà Âu Giang An (Joanne Ou) hôm 5-6 nói rằng Đài Loan vốn nhận thức rõ về sức ép của Bắc Kinh và "sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ cùng các quốc gia có cùng tư tưởng thông qua GCTF".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận