09/03/2020 15:31 GMT+7

Bác Ban, 'máy thở' của phường!

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Mỗi sáng, đạp xe vòng hết các ngóc ngách trong phố nhỏ, ông Vũ Kim Ban (75 tuổi, bác sĩ về hưu. P.Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM) đi 'cập nhật' sức khỏe người dân nghèo hay bất cứ ai bị đau ốm.

Bác Ban, máy thở của phường! - Ảnh 1.

Bác sĩ Vũ Kim Ban (75 tuổi, Q.7, TP.HCM) khám bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo - Ảnh: VĂN BÌNH

Đến khi nắm được hết tình hình như ông Quân, bà Thi, cháu Lan đêm qua không sốt, ngủ được..., ông mới yên tâm quay xe ra về.

Với tấm lòng chân thành, thầm lặng giúp đỡ, tận tụy với sức khỏe người nghèo ngay cả khi tuổi đã cao, hàng chục năm qua ông Ban được mọi người ví như một "máy thở" của phường.

“Ông bỏ ra công sức đằng đẵng nhiều năm để vận động, tập hợp đội ngũ thầy thuốc về hưu mà không kêu than hay đòi hỏi sự bồi dưỡng nào ở quận, ở phường. Có người như ông Ban cũng là cái duyên, sự may mắn của phường.

Ông XUÂN KHIÊM (chủ tịch MTTQ P.Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM)

Không thể bỏ cuộc

Sáng đầu tuần, tôi đứng ngay đường lớn, do dự đi thẳng hay rẽ để tìm đường Bùi Văn Ba (P.Tân Thuận Đông, Q.7) hỏi đường vào nhà bác sĩ khám miễn phí.

Vừa dứt lời hỏi, người phụ nữ đi tới kéo khẩu trang xuống cằm, nhanh nhảu nói: "À, đường bác sĩ Ban. Ở đây không ai gọi đường như tên trên bảng cả, mà xưa giờ quen rồi, gọi đó là đường bác sĩ Ban. Đối diện khu dãy trọ là nhà bác sĩ đấy".

Cuối hẻm là nhà ông Ban. Ông từng là bác sĩ đa khoa của Bệnh viện Đa khoa Nam Định (tỉnh Nam Định). Sau khi về hưu, ông cùng gia đình vào Nam sinh sống và dự định mở phòng mạch cho bận rộn tay chân khi về già. Nhưng kế hoạch dang dở, nhường lại cho câu chuyện mà đến giờ với ông, nó là "liều thuốc" cho cuộc sống.

"Khi về đây, gần Khu chế xuất Tân Thuận, tôi thấy lượng công nhân rất nhiều. Mà công nhân toàn các tỉnh ở xa đổ về, tha phương cầu thực.

Lúc đó bà con khu phố còn nhiều người nghèo lắm, không có bảo hiểm y tế, trạm y tế thì xập xệ, đi khám bên ngoài thì tiền nhiều, chưa kể thuốc thang. Thế là tôi mở phòng khám kê đơn tại nhà, thời gian đầu lấy một nửa tiền, nhưng về sau là miễn phí" - ông Ban kể lại.

Chẳng mấy chốc tiếng lành được đồn xa. Những công nhân nghèo, bà con nghèo trong khu phố, ở các nơi hễ có bệnh là tìm đến.

Vì mỗi ngày một đông, suy nghĩ giờ làm sao để tập hợp một đội ngũ các bác sĩ về hưu, cùng với kế hoạch của phường, nên ông Ban sáng lập câu lạc bộ (CLB) thầy thuốc, tập hợp những người làm nghề y về hưu, tình nguyện chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nghèo.

Kể về hành trình tìm "vệ tinh" thầy thuốc về hưu cho CLB, ông Ban nhớ lại cả thời gian khó khăn. Để tồn tại một cơ sở khám chữa bệnh cần có con người, cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc. Phường cũng không thể hỗ trợ những điều kiện đó. Ông một mình bắt đầu những tháng ngày "làm móng" cho CLB.

"Cũng có người nói tôi hơi đâu lo việc thiên hạ, già rồi nghỉ cho rảnh tay. Nhưng có từng theo khám cho bệnh nhân nghèo mới biết họ cần và tin tưởng bác sĩ nên không thể bỏ cuộc", ông kể lại.

Không phụ tấm lòng của ông miệt mài mời gọi rồi thuyết phục các mối quan hệ bằng hữu, đồng nghiệp cũ, một năm sau đó, năm 2010, ông đã xây dựng CLB thầy thuốc có hơn 40 y bác sĩ.

“Tôi biết đó là tình cảm mình được yêu quý. Mong mỗi ngày được giúp nhiều người hơn.

Ông VŨ KIM BAN

Bác Ban, máy thở của phường! - Ảnh 4.

Bác sĩ Vũ Kim Ban (75 tuổi, Q.7, TP.HCM) kể về hành trình ròng rã nhiều năm đi tìm thầy thuốc cho CLB khám miễn phí - Ảnh: VĂN BÌNH

Người gặp cuối cùng

Nếu hỏi cuộc đời ông gắn liền với điều gì mà ông cảm thấy hạnh phúc, ông Ban đáp ngay: "Đó là người nghèo!". Với ông, những trăn trở khi có bệnh nhân chờ đợi mình khiến ông có thêm động lực để tiếp tục công việc mà ông gọi là trả ơn cuộc đời.

Mỗi tuần, ông dành hai buổi đến trạm y tế quan sát, theo dõi tình hình bệnh nhân nghèo đến CLB khám bệnh. Còn lại ông thường đạp xe đến các hẻm trong phố, hỏi thăm những hộ có người bệnh, những gia đình đêm qua điện thoại cho mình...

Nhưng cũng chưa yên tâm, số điện thoại đường dây nóng cũng là số điện thoại của ông, 24/24 giờ điện thoại luôn mở máy. Có những cuộc gọi lúc nửa đêm, ông phải choàng dậy.

"Nhiều người nửa đêm sốt, mất ngủ, tức ngực, ca nào thấy xử lý được thì mình hướng dẫn, ca nào thấy nguy hiểm thì khuyên người nhà đi viện. Nhưng kiểu gì sáng hôm sau tôi cũng phải đến nhà họ mới được", ông nói.

Hỏi vì sao ngày nào ông cũng đạp xe vòng các con hẻm, ông Ban hất tay về cuối hẻm và kể kỷ niệm mà ông không sao quên được: "Cuối đường này có một cụ già hơn tôi, thời điểm cụ bà này chưa mất thì không bao giờ có chuyện đi khám bệnh, chỉ cúng bái tâm linh.

Tôi tìm đến và thuyết phục khám. Hôm thứ 1, thứ 2, thứ 3 tình hình khá hẳn. Đến hôm sau, chừng nửa trưa là cụ ra phía trước đợi bác sĩ Ban, mà ai khám cũng không chịu. Từ đó tôi có thói quen là phải đi đến từng nhà mới rõ từng bệnh".

Rồi có những câu chuyện định mệnh, nhưng mấy ai nghĩ định mệnh đó phụ thuộc vào bàn tay của người cuối cùng - đó là bác sĩ Ban. Từ tốn, ông chia sẻ:

"Có người chờ chết theo giờ, thở oxy để về nhà. Nhưng trước khi mất đã dặn người nhà phải để tôi rút oxy, họ muốn tôi là người cuối cùng họ gặp trong cuộc đời. Đã 5-6 lần tôi làm công việc thế này. Tôi cũng không sợ sệt, mà ngược lại tôi biết đó là tình cảm mình được yêu quý. Mong mỗi ngày được giúp nhiều người hơn".

Ở độ tuổi ngoài thất thập cổ lai hi, ông hào sảng kể về những việc mình làm, kể về tâm nguyện đời mình để tiếp tục hành trình lo cho sức khỏe người bệnh nghèo. "Mỗi khi ra đường thấy người ta chào hỏi, kể về mình đã khỏe, tôi sung sướng lắm.

Chính tôi cũng luôn rất cảm tình và chữa bệnh cho người nghèo rất chân thành. Chữa bệnh lấy tiền thì quan hệ không còn, giả sử tôi không có điều kiện, tôi vẫn cứ công việc này. Bởi làm cho nó vui cuộc đời, làm cho mình khỏe, chỉ sợ nhất đến lúc mình không còn đi được nữa", ông tâm tư.

Ông Mai Văn Quân, người 2 năm trước bị tai biến, cho biết sau khi ra viện, không tuần nào không có dấu bánh xe đạp của ông Ban trên sân nhà ông.

Ông Quân cảm động nói: "Tôi sống chừng này tuổi, phải trái ân huệ cũng biết rất nhiều, nhưng chưa thấy người nào tâm huyết với nghề, với những người nghèo như bác sĩ Ban. Cái tôi quý bác sĩ Ban không những ở nhiệt huyết mà còn phục ở sự chân thành, tấm lòng đối đãi với người bệnh, mà không có liều thuốc nào hay hơn".

Điều đặc biệt, đến nay CLB thầy thuốc do ông dựng nên không còn là "tạm trú" tạm bợ khi có những đợt khám miễn phí, mà đặt ngay trong trạm y tế của P.Tân Thuận Đông với đầy đủ máy móc, sở hữu là của CLB do chính tay ông gầy dựng.

Chục năm qua, không chỉ ở P.Tân Thuận Đông, mà các phường khác, những nơi khác, người bệnh nghèo cũng tìm đến ông.

Khi bắt đầu mở những buổi khám bệnh miễn phí, điều cập rập khó khăn là máy móc, thiết bị y tế. Ông nhớ lại: "Khám cho bài bản thì phải dùng máy, đi mượn hay thuê thì rất dễ, nhưng di chuyển máy khám, như máy khám mắt rất khó, di chuyển làm hỏng độ chính xác. Nên thời gian đầu tôi cứ đau đáu về điều này".

Tính câu chuyện cho CLB theo hướng ngựa chạy đường dài, ông Ban tìm cách mới. Cả ngày quần quật tay chân, bận rộn với kế hoạch của mình. "Tôi lên danh sách những ai cần mời tham gia CLB. Bác sĩ là khám bệnh, rồi có điều kiện đóng góp máy móc; y tá thì chăm sóc bệnh nhân; dược sĩ thì cung cấp thuốc.

Vạch ra mục tiêu để tìm những người mà tương đương với bước tiếp sau đó. Ví dụ dược sĩ, tôi tìm những người có 3, 4 nhà thuốc để họ hỗ trợ thuốc miễn phí; bác sĩ thì dày dạn kinh nghiệm, có điều kiện, có máy móc đầy đủ và đóng góp luôn cho CLB; y tá thì nhiệt tâm; có cả người giữ kho thuốc trung thực. Tất cả có dây chuyền bài bản", ông kể thêm.

Mặc dù thời gian, thầy thuốc trong CLB "rơi rụng" chỉ còn 20 người (6 bác sĩ, 6 dược sĩ, còn lại là y tá) nhưng công tác khám chữa bệnh tăng lên theo định kỳ tháng. Mỗi tháng có khoảng 200 lượt người nghèo khám chữa bệnh, kê đơn khoảng 30 triệu đồng tiền thuốc miễn phí.

Điều đặc biệt, đến nay CLB thầy thuốc do ông dựng nên không còn là "tạm trú" tạm bợ khi có những đợt khám miễn phí, mà đặt ngay trong trạm y tế của P.Tân Thuận Đông với đầy đủ máy móc, sở hữu là của CLB do chính tay ông gầy dựng.

Chục năm qua, không chỉ ở P.Tân Thuận Đông, mà các phường khác, những nơi khác, người bệnh nghèo cũng tìm đến ông.

Vị bác sĩ có... 20 người con Vị bác sĩ có... 20 người con

TTO - 51 tuổi, chỉ có 2 đứa con ruột nhưng ông lại có gần 20 đứa "con rơi". Tất cả đều đang tuổi ăn học. Tuy nhiên, số con ấy chưa dừng lại ở đó bởi tất cả đang là một chuỗi hành trình đặc biệt.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên