13/05/2016 09:23 GMT+7

Bà Rousseff bị “treo giò” 6 tháng

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Nữ tổng thống đầu tiên của Brazil, bà Dilma Rousseff, chính thức bị buộc phải rời văn phòng và đối mặt với quá trình luận tội.

Các thượng nghị sĩ Brazil phản ứng vui mừng sau cuộc bỏ phiếu rạng sáng 12-5. Ảnh nhỏ: nữ Tổng thống Dilma Rousseff - Ảnh: Reuters
Các thượng nghị sĩ Brazil phản ứng vui mừng sau cuộc bỏ phiếu rạng sáng 12-5 - Ảnh: Reuters

Theo báo Guardian, với 55 phiếu ủng hộ và 22 phiếu chống, rạng sáng 12-5 (giờ địa phương) Thượng viện Brazil đã đi đến quyết định tước quyền lực tổng thống của bà Dilma Rousseff ít nhất sáu tháng để tiến hành luận tội phế truất bà về tội lạm dụng công quỹ.

Bà Rousseff là nhà lãnh đạo đầu tiên bị Thượng viện tước quyền sau 24 năm tại Brazil. Các nghị sĩ Brazil đã có cuộc thảo luận và bỏ phiếu xuyên đêm dài gần 20 giờ.

Quá trình luận tội cũng sẽ do Thượng viện tiến hành chứ không phải tòa án, và điều trớ trêu là nhiều thượng nghị sĩ sẽ tham gia luận tội lãnh đạo của mình lại bị dính vào những cáo buộc phạm tội còn nặng hơn cả bà Rousseff! Chẳng thế mà giới truyền thông gọi đây là “màn hài kịch” của chính trường Brazil.

Tất cả là ý muốn của người dân, những người đầu tiên xuống đường trên khắp Brazil để nói không với việc không tôn trọng sự thật, đạo đức và quản lý hành chính công

Ông AECIO NEVES (người từng thua bà Rousseff sát nút trong kỳ bầu cử tổng thống 2014)

Thuần động cơ chính trị

Một chính trị gia Brazil gọi ngày 12-5 là “ngày buồn nhất cho nền dân chủ non trẻ của Brazil” vì phán quyết cuối cùng dành cho bà Rousseff, 68 tuổi, có lẽ mang tính chính trị nhiều hơn là pháp lý.

Nhiều người cảm thấy bất an với cách bà Rousseff ra đi và một số đối thủ còn thừa nhận Tổng thống Rousseff là một chính trị gia ít tham nhũng nhất Brazil! Nhưng dù sao cũng phải nhìn nhận rằng tỉ lệ ủng hộ bà Rousseff giờ đây chỉ còn chút nữa là tụt xuống một con số và có gần 60% cử tri ủng hộ luận tội bà.

Bên cạnh đó, có đến 70% người Brazil ủng hộ tổ chức bầu cử sớm - nhiều hơn số người đòi luận tội tổng thống. Tuy nhiên, khả năng này đã bị Phó tổng thống Michel Temer chặn lại.

Dường như đã đoán biết được kết cục nên nhiều tuần gần đây, ông Temer đã dần lựa chọn các ứng viên bộ trưởng cho chính phủ mới sắp thành lập sau khi bà Rousseff ra đi. Nhưng dàn lãnh đạo mới này cũng không hoàn toàn trong sạch, và bản thân ông Temer có dính líu đến đại án tham nhũng Petrobras và có tỉ lệ ủng hộ cực kỳ thấp trong dân chúng: dưới 14%!

Một thời là chiến binh du kích, bị bắt và tra tấn dưới thời chính quyền độc tài quân sự hồi thập niên 1970, bà Rousseff chỉ trích động cơ của việc luận tội bà là âm mưu đảo chính và cho rằng mình “phạm lỗi” chứ không “phạm tội” trong thời gian cầm quyền. Bà khẳng định chưa hề nhận hội lộ và thề sẽ chiến đấu trong khoảng thời gian bị xét xử.

Phó tổng thống Michel Temer, 75 tuổi, sẽ tạm nắm quyền ngay trong ngày 12-5 (giờ địa phương). Sự kiện này cũng đánh dấu chấm hết cho 13 năm cầm quyền liên tục của Đảng Công nhân Brazil.

Ông Temer, thuộc đảng trung hữu Phong trào dân chủ Brazil (PMDB), sẽ sớm công bố chính phủ mới, đồng thời tuyên bố ưu tiên hàng đầu của ông là giải quyết tình hình suy thoái tệ nhất trong hàng thập kỷ qua tại Brazil và chấm dứt tình trạng tê liệt của Quốc hội do “trận đấu” xung quanh bà Rousseff.

Nữ tổng thống Dilma Rousseff - Ảnh: Reuters
Nữ tổng thống Dilma Rousseff - Ảnh: Reuters

Người dân hoang mang

Theo AFP, sự chia rẽ của người dân Brazil được chứng kiến ngay bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Brasilia từ đêm trước. Cảnh sát phải dựng hàng rào kim loại khổng lồ để phân chia các nhóm người biểu tình đối lập nhau.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại các nơi khác, trong đó có Rio de Janeiro. Nghị sĩ Paulo Paim, một đồng minh của bà Rousseff, tỏ ra bi quan về một phép mầu có thể xảy ra và cho biết phe của ông sẽ tập trung đánh bại việc luận tội và phiên bỏ phiếu sẽ diễn ra sau đó, thời điểm có thể còn nhiều tháng nữa. Một nhân viên chính phủ đi vào dinh tổng thống nói cảnh tượng bên trong “rất buồn bã”.

“Nhiều người trong chúng tôi đã đi tìm việc làm khác” - người phụ nữ giấu tên này cho biết.

Thượng nghị sĩ Magno Malta, thành viên Đảng Cộng hòa đối lập, thì cho rằng việc luận tội bà Rousseff là một “liều thuốc đắng” cần thiết để chữa lành một quốc gia bệnh tật.

“Ngay khi chúng tôi thông qua việc luận tội, đồng USD sẽ đi xuống (so với đồng real của Brazil), cổ phiếu sẽ đi lên và đất nước một lần nữa sẽ được thở” - ông này mô tả.

Nhưng một số người phản đối bà Rousseff tỏ ra bi quan hơn. Họ nghi ngờ việc thay đổi quyền lực chưa chắc sẽ dẫn đến khả năng giải quyết những vấn đề tham nhũng và điều hành đất nước. Bà Sulineide Rodrigues, một người biểu tình ủng hộ luận tội, cho biết dù muốn bà Rousseff ra đi, bà cũng ít hi vọng ông Temer sẽ cải thiện được điều gì.

“Chúng tôi không nghĩ Temer sẽ khá hơn. Nhưng chúng tôi sẽ trở lại và tiếp tục đòi luận tội cho đến khi xuất hiện một ai đó chịu lắng nghe người dân Brazil” - bà Rodrigues nói.

Chỉ chưa đầy ba tháng nữa, kỳ Thế vận hội Olympic mùa hè sẽ diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro. Brazil vì thế đang vật lộn để kiểm soát tình hình kinh tế hỗn loạn cũng như hậu quả của vụ án tham nhũng ăn sâu đến tận giới tinh hoa chính trị và doanh nghiệp tại đất nước này.

Cuộc khủng hoảng này khiến Brazil bị chia rẽ giữa một bên là phe kết tội bà Rousseff, bên còn lại là những người trung thành với Đảng Công nhân (PT). Hàng chục triệu người Brazil đã thoát nghèo nhờ các chương trình xã hội của PT.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên